New Trang tin
 
Cùng doanh nghiệp Việt đưa quả vải của Việt Nam vươn sang thị trường Úc

Ngày 14,15,17 và 18/3/2023 hội nghị tập huấn "Thúc đẩy xuất khẩu vải của Việt Nam sang thị trường Úc trong bối cảnh thực hiện các Hiệp định thương mại tự do” đã được tổ chức thành công tại huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang. 



Hội nghị tập huấn được tổ chức bởi UBND Huyện Lục Ngạn và nhóm nghiên cứu cựu sinh viên Úc đồng thời là nhóm giảng viên của Khoa Kinh tế và Kinh doanh Quốc tế, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN, dưới sự hỗ trợ của Chính phủ Úc thông qua Quỹ Hỗ trợ Cựu sinh viên Australia (AAGF), do Aus4Skills quản lý. Hội nghị tập huấn này được tài trợ bởi Đây là cơ hội trao đổi kiến thức và kết quả nghiên cứu khoa học của nhóm nghiên cứu, các chuyên gia, đại diện của các Bộ Ban Ngành; và các Doanh nghiệp tại Việt Nam về những vấn đề xoay quanh xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang thị trường Úc, từ đó xây dựng những giải pháp/kiến nghị nhằm thúc đẩy xuất khẩu nông sản Việt Nam sang thị trường quan trọng và tiềm năng này. 

Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Thế Phi, Phó Chủ tịch UBND Huyện Lục Ngạn, Bắc Giang đã chia sẻ lượng sản xuất và xuất khẩu Vải thiều Lục Ngạn trong thời gian qua vẫn rất ổn định dù có nhiều biến động khó lường. Kết quả này đến từ sự quan tâm và chỉ đạo của Tỉnh ủy, các sở ban ngành, đặc biệt là sự cần cù và kinh nghiệm của người trồng vải tại Lục Ngạn. TS. Vũ Thanh Hương, trưởng nhóm nghiên cứu cựu sinh viên Úc cũng đã khẳng định xuất khẩu vải thiều nói riêng và nông sản Việt Nam nói chung sẽ còn nhiều cơ hội hơn nữa trong thời gian sắp tới nhờ vào những ưu đãi trong xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp mà chúng ta có được khi kí kết nhiều hiệp định thương mại tự do với các đối tác. Trong đó, Úc là một thị trường xuất khẩu vô cùng tiềm năng cho vải thiều Việt Nam khi mà chúng ta đã thành công ký kết 3 FTAs gồm Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Australia - New Zealand (AANZFTA), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP).

Để làm rõ tình hình xuất khẩu hoa quả tươi sang thị trường Úc, bà Nguyễn Thị Phương Nga, Chuyên viên phụ trách thị trường Australia, Vụ Thị trường châu Á - Châu Phi, Bộ Công thương đã trình bày số liệu vè xuất khẩu các loại trái cây chủ lực của Việt nam sang Úc và thế giới như Thanh long, sầu riêng, dừa, chanh leo, vải…Trong bài tham luận của mình, bà Nga khẳng định Úc là một thị trường tiềm năng, có nhu cầu lớn về hoa quả tươi nhưng cũng rất khó tính. Một lưu ý một số điều kiện nhập kiện nhập khẩu hoa quả tươi vào thị trường Úc như bao bì, nhãn mác, xuất xứ, xử lý chiếu xạ và chứng nhận kiểm dịch cũng được thảo luận.

Riêng về quả vải, ông Hoàng Văn Lậy, Phó trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng, UBND Huyện Lục Ngạn, Bắc Giang cũng đã trình bày báo cáo “Tổng kết sản xuất, tiêu thụ vải thiều năm 2022; phương hướng, nhiệm vụ năm 2023”. Sản lượng sản xuất và tiêu thụ vải thiều có sự tăng mạnh trong những năm gần đây dưới nhiều kênh như các siêu thị, chợ đầu mối, các khu công nghiệp, các sàn giao dịch thương mại trong nước và quốc tế. Sản lượng xuất khẩu đạt 41.857 tấn chiếm 33,95% tổng sản lượng tiêu thụ, trong đó, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất chiếm 94.99% tổng sản lượng xuất khẩu vải thiều Bắc Giang. Một số thị trường xuất khẩu khác bao gồm thị trường các nước Đông Nam Á, Thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc và EU. Trong đó, thị trường Úc chỉ mới đạt 279 tấn, đây là một con số rất khiêm tốn và chưa đạt được kỳ vọng với một thị trường tiềm năng như Úc. Trong những năm tới, hoạt động xuất khẩu vải thiều Bắc Giang sẽ cần nỗ lực hơn nữa để có thị phần tốt hơn tại các thị trường quốc tế lớn như Úc

Bà Nguyễn Thị Thành ThựcChủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc CTCP Công nghệ Phần mềm AUTOAGRI đã trình bày bài tham luận “Ứng dụng công nghệ số - Liên kết chuỗi nâng cao giá trị vải thiều”. Hoạt động xuất khẩu vải thiều sang các thị trường quốc tế sẽ cần sự hỗ trợ của các nền tảng số, mà tiêu biểu là nền tảng AutoAgri. Không chỉ giúp quản lý đơn hàng khoa học, nền tảng AutoAgri còn kết nối hơn 20 chợ đầu mối Trung Quốc chỉ với 01 mã QR và giúp truy xuất đầy đủ thông tin 472 mã vùng trồng và mã cơ sở đóng gói với chi tiết đầy đủ minh bạch. Nhờ sự kết nối xuyên suốt 63 tỉnh thành và thông tin minh bạch từ Sở nông nghiệp, chính quyền và các đầu mối và các doanh nghiệp địa phương, sản lượng sản xuất và tiêu thụ vải đã có sự cải thiện rõ rệt dù trải qua một thời kỳ dịch bệnh khó khăn. Tuy nhiên hiện nay vải thiều Bắc Giang chủ yếu xuất khẩu đi Trung Quốc và tiêu thụ trong nước. Để có thể đa dạng hóa thị trường sang những thị trường cao cấp hơn như Úc và châu Âu, chính quyền các cấp cũng như các doanh nghiệp sản xuất Vải cần phải nỗ lực hơn nữa và áp dụng công nghệ trong sản xuất và phân phối để có thể nâng tầm chất lượng cho sản phẩm vải Việt Nam.

Ông Nguyễn Đức Hưng, Giám đốc điều hành Công ty CPXNK Thực phẩm Toàn Cầu khẳng định thành công của công ty trong hoạt động sản xuất và xuất khẩu thực phẩm trong đó có mặt hàng vải sang các thị trường khó tính như Australia, Nhật, EU nhờ vào (i) đội ngũ lãnh đạo và nhân viên giàu kinh nghiệm, được đào tạo tại nhiều quốc gia trên thế giới; (ii) công nghệ chế biến thực phẩm hiện đại; (iii) đa dạng hóa mặt hàng xuất khẩu từ hàng nông sản tươi, đông lạnh và chế biến đóng hộp và (iv) sự hợp tác chặt chẽ giữa cán bộ kỹ thuật của công ty với cán bộ khuyến nông và các hộ nông dân trong canh tác vải xuất khẩu. Đại diện cho phía doanh nghiệp, ông Hưng đã kiến nghị với các Bộ cần đàm phán lại với Australia về kích thước bao bì đóng gói cho phù hợp với nhu cầu tiêu dùng với người dân ở đây.

Đại diện hộ nông dân cung ứng số lượng lớn vải xuất khẩu cho công ty Việt Pháp và Toàn Cầu, ông Vũ Văn Mến đã chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc và thu hoạch vải. Theo ông, để có vụ mùa xuất khẩu thành công, các vùng trồng cần chủ động tìm hiểu các quy định nhập khẩu của nhiều quốc giá đối với quả vải tươi; theo dõi tình hình sâu bệnh kỹ lưỡng, tuân chủ chặt chẽ phun thuốc và cách ly. Bên cạnh đó, cơ quan địa phương, cán bộ khuyến nông xã cần tích cực tuyên truyền để thay đổi nhận thức của các hộ dân quyết tâm chuyển hướng hình thành các vùng trồng đạt tiêu chuẩn Global Gap và các tiêu chuẩn xuất khẩu nghiêm ngặt khác. 

Nhóm nghiên cứu cựu sinh viên Úc cũng cùng chính quyền địa phương và nông dân trồng Vải tại Bắc Giang đi thăm dây chuyền sản xuất sản phẩm vải xuất khẩu tại Công ty CPXNK Thực phẩm Toàn Cầu, đồng thời đi thăm thực địa mô hình sản xuất vải thiều tại một số vườn vải có quy mô lớn tại Lục Ngạn-địa phương có sản lượng sản xuất vải lớn nhất tại Bắc Giang. Người dân được tận mắt nhìn thấy quy trình xử lý sản phẩm vải trước khi xuất khẩu sang các nước và hiểu rõ hơn về yêu cầu của sản phẩm xuất khẩu. Chính quyền và doanh nghiệp được nghe kinh nghiệm và kỹ thuật trồng vải cũng như những khó khăn và thách thức của nghề đã được những người dân nhiệt tình chia sẻ. Đây chính là những thách thức mà chính phủ, các cơ quan có thẩm quyền cần cân nhắc để đưa ra phương hướng hỗ trợ người trồng vải trong thời gian tới. 

Các buổi hội nghị tập huấn diễn ra trong 04 ngày tại Bắc Giang đã ghi dấu ấn sâu đậm với chính quyền địa phương, các doanh nghiệp và người dân trồng vải tại Lục Ngạn, Bắc Giang. Những phân tích của chính quyền và các doanh nghiệp chắc chắn sẽ giúp nâng cao nhận thức cho các hộ dân trồng vải về giá trị và cách nâng tầm giá trị cho sản phẩm vải thiều Bắc Giang. Đặc biệt, những chia sẻ chân thực và bổ ích cùng những mong muốn hỗ trợ của người dân cũng sẽ là bài toán để chính quyền địa phương, các doanh nghiệp và các nhóm nghiên cứu về xuất khẩu nông sản Việt nói chung và xuất khẩu vải nói riêng phải giải quyết để có thể góp phần cải thiện chất lượng và nâng tầm vóc nông sản Việt.

Một số hình ảnh từ hội nghị tập huấn. 


Đàm Thảo