New Trang tin
 
Kinh tế tuần hoàn tiếp cận từ góc nhìn kinh tế chính trị

Sáng ngày 30/08/2022, Hội thảo khoa học với chủ đề “Kinh tế tuần hoàn từ góc nhìn kinh tế chính trị” đã được Khoa Kinh tế Chính trị, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN tổ chức bằng hình thức kết hợp trực tiếp và trực tuyến, với sự quy tụ của các diễn giả là các chuyên gia, các nhà khoa học trong lĩnh vực phát triển bền vững và kinh tế tuần hoàn. 



Trong hai thế kỷ gần đây, khai thác tài nguyên quá mức đã trở thành vấn đề cấp thiết, cần được ưu tiên giải quyết của nhiều quốc gia và khu vực trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Việt Nam thường được coi là một ví dụ điển hình trong phát triển kinh tế ở châu Á, từ một quốc gia nghèo và lạc hậu đã vươn lên thành một quốc gia đang phát triển với nhiều thành tựu tăng trưởng ấn tượng cả về kinh tế cũng như xã hội. Tuy nhiên, quá trình phát triển của Việt Nam được các chuyên gia nhận định là thiếu bền vững do phụ thuộc quá nhiều vào khai thác tài nguyên thiên nhiên và dẫn đến nguồn tài nguyên thiên nhiên bị thu hẹp cả về số lượng và chất lượng. Trong bối cảnh đó, “nền kinh tế tuần hoàn” đã được Chính phủ Việt Nam và các chuyên gia nhận định là một mô hình kinh tế hiệu quả nhằm giải quyết các thách thức liên quan đến khai thác tài nguyên thiên nhiên và phát triển kinh tế bền vững tại Việt Nam.

Thông qua những chủ trương và định hướng của Chính phủ, các bên liên quan như người dân và doanh nghiệp đã bắt đầu nhận thức được vai trò của nền kinh tế tuần hoàn. Tuy nhiên, mức độ vận dụng cũng như kết quả thực hành của nền kinh doanh tuần hoàn tại Việt Nam còn khá khiêm tốn. Để có thể nâng cao sự hiểu biết một cách chuyên sâu và có hệ thống về nền kinh tế tuần hoàn, Khoa Kinh tế Chính trị đã tổ chức hội thảo Kinh tế tuần hoàn từ góc nhìn kinh tế chính trị

Hội thảo được tổ chức kết hợp với trực tuyến để tạo thuận lợi cho các diễn giả, các nghiên cứu sinh tham dự từ các tỉnh thành khác nhau

Buổi hội thảo được diễn ra thông qua nền tảng trực tuyến và trực tiếp tại Hội trường 801, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN. Tham dự hội thảo, về phía diễn giả khách mời, có sự góp mặt của TS. Nguyễn Đình Chúc, Viện trưởng, Viện Nghiên cứu Phát triển bền vững Vùng, Chánh Văn phòng Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; PGS.TS. Nguyễn Hồng Quân, Viện trưởng, Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế Tuần Hoàn, Đại học Quốc gia TP. HCM; ThS. Trần Thanh Phương - Giám đốc công ty TNHH SDLink; ThS. Lê Bá Nhật Minh - Nghiên cứu viên Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế Tuần hoàn, Đại học Quốc gia TP. HCM; ThS. Nguyễn Thị Phương Anh - Giảng viên Khoa Kinh tế Chính trị, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN.

Về phía Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN có sự tham dự của TS. Nguyễn Đức Lâm - Trưởng phòng Nghiên cứu Khoa học và Hợp tác Phát triển. Về phía Khoa Kinh tế Chính trị - đơn vị chủ trì tổ chức Hội thảo có sự tham dự của: PGS. TS. Phạm Thị Hồng Điệp - Phó trưởng Khoa; PGS. TS. Tô Thế Nguyên - Phó trưởng Khoa; TS. Nguyễn Thuỳ Anh - Trưởng Bộ môn Kinh tế Chính trị, cùng đại biểu khách mời là các nhà khoa học và học viên cao học, nghiên cứu sinh của Trường.

Quang cảnh hội thảo tại Phòng 801, nhà E4, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN

Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Nguyễn Thuỳ Anh - Trưởng Bộ môn Kinh tế Chính trị nhấn mạnh về vai trò của phát triển kinh tế tuần hoàn đối với Việt Nam và đặc biệt là vai trò của Nhà nước trong sự thành công áp dụng mô hình phát triển kinh tế này. TS. Nguyễn Thuỳ Anh hy vọng buổi hội thảo sẽ là cơ hội để các chuyên gia, các nhà khoa học cùng nhau chia sẻ, thảo luận những vấn đề cấp thiết về phát triển kinh tế tuần hoàn trong bối cảnh hiện nay.

Tại buổi hội thảo, các chuyên gia, các nhà khoa học tập trung trao đổi và làm rõ các nội dung: (1) Cơ sở lý luận và vai trò của nền kinh tế tuần hoàn; (2) Thực trạng áp dụng kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam; (3) Kinh nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn của một số quốc gia trên thế giới và bài học cho Việt Nam; (4) Các mô hình kinh doanh tuần hoàn.

Trong bài tham luận đầu tiên do TS. Nguyễn Đình Chúc và ThS. Trần Thanh Phương trình bày với tiêu đề “Kinh tế tuần hoàn: Từ lý thuyết tới việc áp dụng tại Việt Nam", nhóm tác giả đã giới thiệu về lịch sử phát triển và khái niệm của nền kinh tế tuần hoàn. Khái niệm “nền kinh tế tuần hoàn” đã được các học giả như Leontief; Kenneth E.; Walter R. Stahel; Pearce và Turner đề cập đến từ thế kỷ 20. Tuy nhiên, khái niệm này mới được các quốc gia và Chính phủ giới thiệu và tích cực áp dụng vào thế kỷ 21 nhằm đạt được các mục tiêu phát triển bền vững. Tại Việt Nam, thuật ngữ “kinh tế tuần hoàn” cũng đã được chính thức sử dụng trong các chủ trương của Đảng và pháp luật, chính sách của Nhà nước và gần đây nhất là trong Quyết định 687/QĐ-TTg ngày 07/6/2022 phê duyệt Đề án Phát triển Kinh tế Tuần hoàn ở Việt Nam. Bài tham luận đã nhấn mạnh vai trò của Nhà nước trong phát triển kinh tế tuần hoàn, đồng thời chỉ ra rằng đây là một mô hình tăng trưởng sẽ góp phần đạt được thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội; hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa các-bon và đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu.

Diễn giả Trần Thanh Phương (áo vàng bên phải) với tham luận đầu tiên

Trong bài nghiên cứu của PGS. TS. Nguyễn Hồng Quân và ThS. Lê Bá Nhật đến từ Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế Tuần hoàn, Đại học Quốc gia TP. HCM với tiêu đề "Mô hình kinh doanh kinh tế tuần hoàn: Cách tiếp cận từ Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế Tuần hoàn, ĐHQG TP.HCM", nhóm tác giả đã giới thiệu về các mô hình kinh doanh tuần hoàn và vai trò của trường đại học cũng như các tổ chức nghiên cứu trong quá trình thúc đẩy kinh tế tuần hoàn. Các doanh nghiệp chính là một trong những mắt xích quan trọng nhất tạo nên sự thành công của nền kinh tế tuần hoàn và cần có sự đồng hành của các nhà khoa học trong quá trình thí điểm và phát triển các mô hình kinh doanh tuần hoàn và khu công nghiệp cộng sinh tuần hoàn.

Trong bài nghiên cứu của ThS. Nguyễn Thị Phương Anh với tiêu đề “Kinh tế tuần hoàn: Kinh nghiệm của một số quốc gia trên thế giới và bài học cho Việt Nam” tác giả đã tập trung giới thiệu về kinh nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn của Đan Mạch, Nhật Bản, và Trung Quốc với trọng tâm nghiên cứu về kinh nghiệm phát triển của Trung Quốc bởi những nét tương đồng về văn hoá, chính trị, kinh tế, xã hội giữa Việt Nam và Trung Quốc. Bài trình bày tập trung vào vai trò của Nhà nước đối với phát triển các chính sách phát triển kinh tế vĩ mô đồng thời chỉ ra những hạn chế của các quốc gia để từ đó Chính phủ Việt Nam có thể rút kinh nghiệm trong quá trình phát triển nền kinh tế này.

Giảng viên Khoa Kinh tế Chính trị chụp ảnh cùng các đại biểu

Hội thảo không chỉ nhận được rất nhiều sự quan tâm, trao đổi, thảo luận của các đại biểu tham dự mà còn gợi mở thêm nhiều nghiên cứu tiếp theo đối với các nhà khoa học, giảng viên và nghiên cứu sinh, học viên cao học đã và đang quan tâm đến chủ đề hết sức thú vị này.

 

 

 

 


ThS. Nguyễn Phương Anh