BC2020
 
Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN phối hợp với Đại học Massey tổ chức hội thảo khoa học

Hội thảo góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy và NCKH cho các giảng viên.
Tiếp tục đẩy mạnh liên kết đào tạo và nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học, thắt chặt thêm mối quan hệ hợp tác, trong các ngày 12 - 13/2/2009 tại Hà Nội, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN và Đại học Massey (New Zealand) đã phối hợp tổ chức hội thảo mang chủ đề “Phương pháp nghiên cứu và giảng dạy trong lĩnh vực tài chính và kinh tế ứng dụng”.


Đây là lần đầu tiên hai bên phối hợp tổ chức một hội thảo có nội dung gắn chặt với thực tiễn giảng dạy, nghiên cứu khoa học của các giảng viên. Những giảng viên tới từ Đại học Massey đều là giảng viên giỏi, những chuyên gia quốc tế, có những công trình nghiên cứu lớn và hiện đang giữ những vị trí quan trọng tại Trường cũng như các tổ chức nghiên cứu... Vì vậy, các báo cáo được trình bày tại hội thảo đều được các đại biểu bình luận và thảo luận hết sức sôi nổi.
Sau khi, đại diện hai trường giới thiệu về lịch sử hình thành và phát triển; chương trình đào tạo, học liệu… các đại biểu tham dự đã được nghe 3 báo cáo của Đại học Massey.
Trong báo cáo “Giảng dạy và nghiên cứu trong lĩnh vực tài chính” (Teaching and researching in finance) của mình, GS. Martin Young đã đề cập tới công tác giảng dạy và nghiên cứu trong lĩnh vực tài chính tại Trường Đại học Massey. Qua báo cáo này, lãnh đạo và giảng viên Trường Đại học Kinh tế có cái nhìn tổng thể về cách thức tiến hành giảng dạy và nghiên cứu trong lĩnh vực tài chính ngân hàng của một trường đại học tiên tiến, từ đó rút ra những so sánh và bài học cụ thể. Các đại biểu cũng đi sâu thảo luận sự khác biệt khi giảng dạy và nghiên cứu trong lĩnh vực tài chính với các lĩnh vực khác.
Báo cáo “Giảng dạy và nghiên cứu trong lĩnh vực kinh tế học” (Teaching and researching in economics) đã được TS. Đỗ Kim Hằng - một người Việt Nam hiện đang làm việc tại ĐH Massey trình bày một cách hết sức sinh động, với nhiều thông tin hữu ích. Tác giả đi sâu trình bày công tác nghiên cứu giảng dạy của môn Kinh tế học ứng dụng - một môn học mà ở Việt Nam chưa được chú trọng đúng mức. Đây là một môn học đặc thù không chỉ gồm các kiến thức kinh tế mà còn cần thêm kiến thức toán. Môn học có ý nghĩa cho những nghiên cứu định lượng của các giảng viên.Tại hội thảo, các ý kiến bình luận, các so sánh về phương pháp học tập, giảng dạy môn học Tài chính, môn học Kinh tế học cũng được các giảng viên và khách mời tham dự hội thảo được đưa ra trao đổi sôi nổi. Các giảng viên trẻ - những người đang tiếp tục nâng cao trình độ có cơ hội tìm hiểu thêm về “Kỹ năng viết đề xuất nghiên cứu và luận án tiến sĩ” (PhD Preparation Process and Rasearch Proposal) qua bài báo cáo của GS. Anton Meister. Trong đó, giáo sư hướng dẫn cách thức chọn và trình bày các ý tưởng, chủ đề nghiên cứu để có thể tiếp nhận được các học bổng của Đại học Massey. Trong tương lai, các hội thảo/seminar, các khoá học ngắn hạn về các chủ đề khoa học được 2 phía quan tâm sẽ tiếp tục được tổ chức, nhằm nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học cho cả hai bên. Hội thảo đã mở ra nhiều hướng hợp tác mới cho cả hai trường, đặc biệt là hợp tác trong đào tạo và nghiên cứu khoa học.


Tôn Nữ Hạ Liên giới thiệu về Đại học Massey.


GS. Martin Young trình bày báo cáo "Giảng dạy và nghiên cứu trong lĩnh vực tài chính"


Báo cáo "Giảng dạy và nghiên cứu kinh tế học ứng dụng" của TS. Đỗ Kim Hằng (Đại học Massey) thu hút được sự quan tâm của các đại biểu bởi đây là ngành học hiện nay có ý nghĩa thực tiễn to lớn đối với Việt Nam.


Thời gian giải lao cũng được các đại biểu tận dụng để trao đổi, thảo luận.


Kỳ Châu