BC2020
 
Đào tạo tín chỉ: Hay nhưng đầy thách thức

Tại buổi Seminar diễn ra vào sáng ngày 27/4/2010 tại Trường ĐHKT, PGS.TS Nguyễn Văn Nhã, Trưởng ban Đào tạo ĐHQGHN, người phụ trách trực tiếp công tác đào tạo tín chỉ đã khẳng định như vậy.


Theo đánh giá của TS. Nguyễn Ngọc Thanh - Phó Hiệu trưởng Trường ĐHKT, công tác đào tạo tín chỉ đang là vấn đề thu hút được sự quan tâm của rất nhiều trường đại học trên cả nước. Chính vì vậy, buổi seminar này đã có nhiều bài tham luận của những người đang trực tiếp tham gia vào việc đào tạo tín chỉ. Đáng chú ý là các bài tham luận của PGS.TS. Nguyễn Văn Nhã - ĐHQGHN; PGS.TS Nguyễn Kim Sơn, Phó Hiệu trưởng Trường ĐHKHXH&NV; TS. Nguyễn Thị Hồng Minh, khoa sau ĐH, ĐHQGHN...
PGS.TS Nguyễn Văn Nhã, Trưởng ban Đào tạo ĐHQGHN khẳng định, đào tạo tín chỉ là hình thức hay nhưng lại đầy thách thức đối với giảng viên Việt Nam. Không thể phủ nhận đào tạo tín chỉ có thể nâng cao chất lượng đào tạo, hội nhập quốc tế nhưng chính các giảng viên lại không đuổi theo được công nghệ để đáp ứng được công tác đào tạo tín chỉ.
“Có một ví dụ rất hài hước thế này. Cũng một mã bộ môn tiếng Anh là E thì có người thực hiện đúng, có người lại đánh dấu là TA, có người lại viết hẳn ra là Tiếng Anh. Cứ vậy thì có lẽ mỗi bộ phận phải một phần mềm riêng. Mà mỗi nơi một phách kiểu đó, liên thông làm sao được”, ông Nhã thẳng thắn. Theo ông Nhã, những ví dụ của ông chỉ là câu chuyện nhỏ để chỉ ra rằng, muốn đào tạo được liên thông, đào tạo theo tín chỉ thì cần phải có sự đồng bộ, thống nhất trong giáo trình, phần mềm, chương trình dạy học.

PGS.TS Nguyễn Văn Nhã làm nóng buổi Seminar bằng những lời nói thẳng

Phải thừa nhận rằng, đào tạo tín chỉ ở Việt Nam trong thời điểm hiện tại còn gặp khá nhiều khó khăn. Từ trước đây nhiều năm đã có những trường đại học trong cả phía nam lẫn ngoài bắc từng thử nghiệm nhưng thất bại nên quay lại cách dạy cũ hoặc dạy kiểu… cầm chừng.
“Đó là sự thay đổi quá lớn trong việc giảng dạy đối với giảng viên, đặc biệt là những giảng viên đã có tuổi. Họ thấy công việc nhiều lên, khó khăn hơn nhưng đời sống của họ lại không có gì thay đổi. Qua thử nghiệm, có thể thấy những giảng viên lớn tuổi không thay đổi được cách dạy, trong khi đó những giảng viên trẻ lại rất thích bởi trong cách dạy đó có nhiều ứng dụng mới, phù hợp. Chúng ra phải tìm ra biện pháp để hài hòa những trường hợp như vậy rồi mới có thể tính tiếp được”, PGS.TS Nguyễn Kim Sơn, Phó Hiệu trưởng Trường ĐHKHXH&NV nói.


PGS.TS Nguyễn Kim Sơn
Cũng theo ý kiến ông Sơn, điều quan trọng là chúng ta phải nhận ra với mô hình đào tạo tín chỉ, chúng ra sẽ được gì và mất gì. Hiện tại hoàn toàn chưa có công cụ đo sự mất và được đó. Nó không chỉ thể hiện được tính hiệu quả của đào tạo tín chỉ mà còn thể hiện được sự dân chủ của con người. Chia sẻ kinh nghiệm, ông Sơn kể: “Có một giáo sư người nước ngoài sau khi xem xét các vấn đề của chúng tôi, ông ấy khẳng định rằng, vấn đề của các ông không phải không làm được mà là chuyện tiêu tiền thế nào và đối xử với con người ra sao”.
Đồng tình với ý kiến có được có mất của ông Sơn, GS.TS Nguyễn Hữu Đức cho rằng không thể áp dụng ngay 100% mô hình mà phải thực hiện từng bước sao cho phù hợp với các trường thuộc ĐHQGHN. Trước mắt, tất cả các môn học trong kiến thức chung thì các trường cứ để ĐHQG lo. Còn các môn liên thông cần phải duy trì và bố trí sao cho hợp lý. Riêng vấn đề đề cương của môn học thì ai cũng có thể nhận thấy có nhiều đề cương nhìn rất hoành tráng nhưng nhìn tổng thể lại không ra 1 bộ giáo trình chuẩn. Ông Nguyễn Hữu Đức góp ý: “Trường ĐHKT đã áp dụng đào tạo tín chỉ, đã có bộ giáo trình chuẩn để tham khảo, vậy ĐHKT nên dịch, chia sẻ để các trường khác nghiên cứu, áp dụng”.
Ông Đức cho rằng, công tác đào tạo tín chỉ phải được triển khai và đó là cách đào tạo giáo dục tiên tiến. ĐHQG không thể triển khai chậm hơn tháng 5 tới bởi nó sẽ kéo theo cả 1 năm học tới bị chậm theo.

GS.TS Nguyễn Hữu Đức
GS.TS Nguyễn Hữu Đức khẳng định, việc ĐHKT triển khai đào tạo tín chỉ sẽ tạo được sự năng động cho sinh viên, tạo điều kiện cho sinh viên được học nhiều hơn. Lý do bởi học trình ít đi khi mà cách dạy và học được thay đổi. Ông Đức cũng khích lệ khi cho rằng, Trường ĐHKT cứ mạnh dạn triển khai và hoàn thiện khi phát hiện các trục trặc. Điều quan trọng nhất là làm thế nào để sinh viên học tín chỉ một cách dễ dàng nhất.
Điều mà hiện nay ĐHKT đang làm được rất tốt chính là đưa mọi thông tin lên website. Đó là cách phổ biến thông tin, tạo điều kiện cho sinh viên học tập mà không phải "tưởng tượng" như cách học cũ. Chính việc dạy và học theo tín chỉ sẽ khiến thầy không thể bỏ dạy mà sinh viên thì có thể tự học được.
Phát biểu tại buổi Seminar, TS. Nguyễn Ngọc Thanh - Phó Hiệu trưởng Trường ĐHKT cho biết, trường vẫn đang tiếp tục thực hiện các bước cơ bản của công tác đào tạo tín chỉ. TS. Nguyễn Ngọc Thanh khẳng định, việc áp dụng công nghệ, xây dựng thông tin trên website, tài liệu, giáo trình chuẩn… ĐHKT đều đã và tiếp tục làm. Việc triển khai chắc chắn vẫn còn gặp những khó khăn nhưng đến thời điểm hiện tại vẫn đang đúng định hướng và đạt được những thành công nhất định.
Theo PGS.TS Trịnh Thị Hoa Mai:
Đào tạo tín chỉ lấy người học là trung tâm, là đối tượng được phục vụ được hưởng thụ. Điều đó thể hiện qua việc người học được chọn môn mà họ thích học, được thể hiện quan điểm của mình trước những vấn đề mà môn học đặt ra, được giải đáp tất cả những thắc mắc về môn học, được chọn thời gian học phù hợp với lịch hoạt động của cá nhân, được đánh giá kiến thức dưới hình thức một chứng chỉ hay văn bằng tùy vào nhu cầu của họ.
Đào tạo theo tín chỉ đặt ra yêu cầu cao với sự nỗ lực của người thầy. Người thầy không thể chỉ nói những gì họ đã biết mà còn phải hướng dẫn sinh viên khả năng tiếp cận tri thức hiện đại, những điều mà bản thân người thầy có thể gặp giới hạn. Họ phải sẵn sàng trả lời những chất vấn của người học, toàn tâm toàn ý với một trách nhiệm cao đối với việc dạy học. Ngoài việc chuẩn bị bài giảng, thời gian kiểm tra sinh viên làm bài tập, chấm các bài tập cá nhân hàng tuần đã thu hút hết tâm trí sức lực của người thầy.
Một điểm tích cực nữa đó là tổ chức đào tạo theo tín chỉ là điều kiện để công tác quản lý đào tạo của nhà trường ngày càng hiệu quả. Khi đó, cả người dạy và người học đều sẽ cảm nhận thấy rằng, bộ phận quản lý thực sự là cần thiết, bởi họ tạo mọi điều kiện để người dạy có thể dạy tốt hơn, người học có cơ hội tiếp nhận kiến thức đúng như mình cần hơn.

Mạnh Tuấn