BC2020
 
Thông tin về “Báo cáo thường niên Kinh tế Việt Nam 2010” trên báo chí

Ngày 8/4/2010, Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội đã tổ chức Hội thảo Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2010: “Ổn định vĩ mô để tăng trưởng bền vững”.


Buổi hội thảo đã thu hút được hơn 40 phóng viên, nhà báo các báo đài từ trung ương đến địa phương đến tham dự và đưa tin. Sở dĩ các cơ quan báo chí quan tâm đến Hội thảo này bởi “Báo cáo thường niên về kinh tế” là hình thức đúc kết thông tin về kinh tế diễn ra hàng năm và đã có trên nhiều nước trên thế giới. Chuỗi báo cáo được xuất bản nhằm tổng kết các vấn đề kinh tế lớn của năm qua, thảo luận về viễn cảnh kinh tế năm tới và khuyến nghị chính sách trong bối cảnh hiện thời.

Đối với kinh tế Việt Nam, Báo cáo thường niên về kinh tế mới chỉ có từ năm 2009, cũng do Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội thực hiện, có chủ đề “Kinh tế Việt Nam 2008: Suy giảm và thách thức đổi mới”. Sự ra đời báo cáo này vào năm 2009 đã gây được sự chú ý của công luận và lập tức được NXB Tri thức xuất bản thành sách.
Điều đó lý giải nguyên nhân
“Báo cáo thường niên Kinh tế Việt Nam năm 2010” tiếp tục nhận được sự quan tâm của báo giới, trí thức và những nhà hoạch định chính sách về kinh tế tại không chỉ Việt Nam mà cả từ các nước khác.
Một yếu tố khác khiến  “Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam” được  đánh giá cao chính là bởi sự tham gia của các Tiến sỹ, Thạc sỹ, Nghiên cứu sinh trong và ngoài nước đã từng học hoặc đang nghiên cứu tại các trường đại học danh tiếng của Mỹ, Australia, Hà Lan, Anh, Nhật Bản.
Theo đó, những người tham gia báo cáo tập trung nghiên cứu và phân tích chính sách bằng các phương pháp hiện đại, mang tính định lượng cao. Dựa trên kết quả nghiên cứu và mạng lưới chuyên gia, VEPR cung cấp các dịch vụ tư vấn và đào tạo chất lượng cao cho các cơ quan chính phủ, tổ chức phát triển quốc tế, doanh nghiệp và các cơ quan truyền thông.
Sau khi tham dự hội thảo, hầu hết tất cả các phương tiện thông tin đại chúng đều đưa thông tin đậm nét về sự kiện này. Có thể liệt kê cụ thể như sau:
+ Truyền hình Việt Nam: Ngoài đưa trên kênh thời sự, VTV còn đưa trên một số kênh chuyên về kinh tế và có những phân tích khá sâu về Báo cáo này.
+ Đài Tiếng nói Việt Nam: Không chỉ đưa trong mục tin tức hàng ngày, VOV còn đưa trên các chương trình kinh tế khác trong ngày.
+ Thông tấn xã Việt Nam:
Công bố báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam: Hầu hết các ấn phẩm của Thông tấn xã như Tin tức, Vietnamnews, Thể thao và Văn hóa… đều đưa thông tin về sự kiện này. Do đặc thù là báo thông tấn, các tờ báo này chủ yếu phản ánh sự kiện và các thông tin cơ bản của báo cáo. Đáng chú ý, bài viết đánh giá cao giá trị của bản báo cáo, trong đó nhấn mạnh về các tác giả thực hiện báo cáo này. 
+ Báo Nhân dân:
Công bố Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2010: Ổn định vĩ mô để tăng trưởng bền vững: Báo đưa cơ bản các thông tin do Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN cung cấp. Tuy nhiên, báo Nhân dân có nhận định: “có một số điểm chưa được hoàn thiện như: không có một chủ đề nào về các vấn đề xã hội; giữa các chuyên đề lớn cần có sự tương hợp, gắn kết, thống nhất; phạm vi đề cập hơi rộng về mặt thời gian, cần gọn hơn, tập trung vào năm 2010; nhiều nhận xét, kiến nghị có phần võ đoán. Và các chuyên gia lưu ý các tác giả cần chuyển tải các nhận xét, khuyến nghị bằng một thứ ngôn ngữ dễ hiểu, gần gũi với đời sống hơn”.
+VnExpress:
Hai kịch bản cho kinh tế Việt Nam năm 2010: Có bài viết khá sâu về “Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam năm 2010”. Cũng nhấn mạnh về vấn đề lạm phát, VnExpress đã dẫn nguồn đầy đủ các thông tin mà VEPR đưa ra trong báo cáo thường niên. Các phân tích về các vấn đề kinh tế đều được VnExpress dựa trên báo cáo thường niên và chỉ rõ các số liệu về tình hình kinh tế được tổng hợp từ Tổng cục thống kê.
+ Vietnamnet:
Hai kịch bản cho nền kinh tế Việt Nam: Đây là một trong những tờ báo có sự nhìn nhận trực tiếp vào 1 nội dung của buổi hội thảo. Trong bài viết “Hai kịch bản kinh tế cho 2010”, tác giả nhấn mạnh đến vấn đề lạm phát trong hai kịch bản mà nhóm tác giả của “Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam” đưa ra. Đây là vấn đề không chỉ thu hút các nhà báo viết về kinh tế mà còn là đề tài mà độc giả rất quan tâm, đặc biệt là giới trí thức. Hai kịch bản trong báo cáo đã được tác giả đề cập cơ bản, cho người đọc có được hình dung về những khả năng tăng trưởng kinh tế trong năm 2010 nếu lạm phát xảy ra ở mức độ 8,5% và 10,5%.
+ Báo VnEconomy:
Hai kịch bản cho nền kinh tế Việt Nam 2010: Là báo chuyên ngành về Kinh tế, VnEconomy có bài phân tích khá đầy đủ về bản báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2010. Ngoài việc nhấn mạnh vào 2 kịch bản cho nền kinh tế Việt Nam năm 2010, báo này còn dẫn lời ông Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu kinh tế và chính sách về vấn đề lạm phát tại Việt Nam. Tiếp đó, VnEconomy viết về thâm hụt ngân sách với những lo ngại kéo dài từ năm 2009 đến thời điểm hiện tại.
+ VTV điện tử:
Công bố báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2010: Bài viết trên trang thông tin điện tử của VTV đưa khá ngắn gọn, giới thiệu về “Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2010”. Đáng chú ý nhất là thông tin về chính sách kích thích kinh tế và hỗ trợ doanh nghiệp thông qua kết quả kinh doanh và hành vi doanh nghiệp.
+ Báo Giáo dục thời  đại:
Ổn đinh vĩ mô để tăng trưởng bền vững: Chủ yếu giới thiệu về Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2010 dựa trên thông cáo báo chí.
+ Sở  Công thương Bình Dương:
Công bố Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam năm 2010: Cảnh giác cao với lạm phát: Lấy lại thông tin từ Trung tâm thông tin BCT cho biết, cần cảnh giác cao với lạm phát. Theo đó thông tin này cũng nhấn mạnh đến nguy cơ lạm phát tùy theo mức tăng trưởng. Vấn đề này đã được Chính phủ đưa ra từ đầu năm và được nhắc lại trong “Báo cáo kinh tế thường niên năm 2010”. Đây cũng là trang cung cấp khá nhiều thông tin hay, liên quan đến kinh tế và khá khác về nội dung so với báo chí. 

+ Trang tin điện tử TH Hà Nội: Lấy lại thông tin từ Thông tấn xã Việt Nam.
+ Báo Kinh tế đô thị: Lấy lại thông tin từ Thông tấn xã Việt Nam.
+ Website Xa lộ: Lấy lại thông tin từ Thông tấn xã Việt Nam.
+ Vietstock: Lấy lại thông tin từ Thông tấn xã Việt Nam.
+ Vfinance: Lấy lại thông tin từ Thông tấn xã Việt Nam.
+ Báo Thanh Hóa: Lấy lại thông tin từ Thông tấn xã Việt Nam
+ Website DVSC: Lấy lại thông tin từ Thông tấn xã Việt Nam
+ Báo mới: Lấy lại thông tin từ Thông tấn xã Việt Nam


Danh sách nhóm tác giả thực hiện Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2010:
- TS. Từ Thuý Anh: nhận bằng Tiến sỹ Kinh tế tại Đại học Iowa, Mỹ, chuyên gia kinh tế quốc tế, Trưởng khoa Kinh tế học, Đại học Ngoại thương Hà Nội, cộng tác viên của VEPR.
- TS. Lê Hồng Giang: nhận bằng Tiến sỹ Kinh tế tại Đại học Quốc gia Australia (ANU), chuyên gia kinh tế vĩ mô, tài chính quốc tế và mô hình hóa, nguyên giảng viên Chương trình Kinh tế Fulbright tại TP. Hồ Chí Minh, hiện là Giám đốc Quỹ Ngoại hối của công ty đầu tư Tactical Global Management, Australia.
- TS. Phạm Văn Hà: nhận bằng Tiến sỹ Kinh tế tại Đại học Quốc gia Australia (ANU), chuyên gia kinh tế vĩ mô và mô hình hóa (CGE), hiện đang làm việc trong một dự án của UNDP, cộng tác viên của VEPR.
- TS. Nguyễn Thị Thu Hằng: tốt nghiệp TS kinh tế tại Đại học New York (NYU) Mỹ, chuyên gia kinh tế vĩ mô và kinh tế tài chính, giảng viên Khoa Kinh tế Phát triển, Đại học Kinh tế, ĐHQG HN, kiêm nghiên cứu viên cao cấp của VEPR.
- TS. Edmund Malesky: nhận bằng Tiến sỹ Khoa học Chính trị tại Đại học Duke, Trưởng nhóm nghiên cứu của Báo cáo Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Dự án Sáng kiến cạnh tranh Việt Nam (VNCI) của Cơ quan Hợp tác Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) phối hợp thực hiện.
- TS. Nguyễn Thị Minh: nhận bằng Tiến sỹ Kinh tế tại Đại học Flinder, Adelaile, Australia, chuyên gia kinh tế toán, phân tích định lượng và các ngành kinh tế, Trưởng bộ môn Toán Kinh tế, Khoa Toán Kinh tế, Đại học Kinh tế Quốc dân.
- ThS.NCS. Đinh Tuấn Minh: đang trong giai đoạn hoàn thành chương trình TS kinh tế tại trường Đại học Maastrict, Merit, Hà Lan, chuyên gia kinh tế ngành và phát triển doanh nghiệp, nghiên cứu viên cao cấp của VEPR.
- Th.S. NCS. Jago Penrose: nghiên cứu sinh tại London, Anh, nguyên là chuyên gia kinh tế của UNDP Việt Nam, chuyên gia về tổ chức doanh nghiệp và các ngành công nghiệp, cộng tác viên của VEPR.
- TS. Nguyễn Đức Thành: nhận bằng Tiến sỹ Kinh tế Phát triển tại Viện Nghiên cứu Chính sách Quốc gia Nhật Bản (GRIPS), chuyên gia về kinh tế vĩ mô, từng tham gia Nhóm Tư vấn Chính sách của Bộ Tài chính, Giám đốc kiêm Kinh tế trưởng của VEPR.
- TS. Tô Trung Thành: nhận bằng Tiến sỹ Kinh tế tại Đại học Birmingham, Vương Quốc Anh, giảng viên Khoa Kinh tế học, Đại học Kinh tế Quốc dân, chuyên gia kinh tế vi mô và kinh tế lượng, các mô hình dự báo, cộng tác viên của VEPR.
- ThS.NCS. Tô Minh Thu: nghiên cứu sinh chuyên ngành kinh tế học tại Đại học Osaka, Nhật Bản. Chuyên gia kinh tế quốc tế, cán bộ Vụ Tổng hợp Kinh tế, Bộ Ngoại giao, cộng tác viên của VEPR.

M.T (tổng hợp)