BC2020
 
Xác định được 14 “cặp đôi hoàn hảo” tại Ngày hội Matching Mentor Day

Đội thi và mentor tìm được nhau trong Ngày Matching Mentor Day
Nằm trong lộ trình cuộc thi Business Challenges 2019 do Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN phối hợp với Viện Friedrich Naumann (FNF) tổ chức, Ngày hội Matching Mentor Day đã diễn ra tại Nhà khách ĐHQGHN ngày 7/7. Tại đây 14 đội thi đã tìm được 14 mentor để tạo thành những cặp đôi hoàn hảo.


Trước đó, cuộc thi Business Challenges 2019 được khởi động từ tháng 4/2019, đến nay cuộc thi đã trải qua một chặng đường và các đội thi bắt đầu bước vào vòng 3 trình bày dự án và kêu gọi đầu tư mô hình khởi nghiệp.

Phát biểu tại ngày hội, PGS.TS Nguyễn Anh Thu, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN cho biết, ngay từ khi khởi động, cuộc thi đã thu hút được 427 thí sinh tham gia ở hơn 80 đội, đến từ nhiều trường đại học khác nhau tại Hà Nội. Trong đó, sinh viên ĐHKT rất hăng hái tham gia cuộc thi, nhà trường luôn tạo điều kiện để sinh viên tham gia, coi đây như một môn học, một kỹ năng nghiệp vụ quan trọng để trang bị cho sinh viên.

 
 PGS.TS Nguyễn Anh Thu - Phó Hiệu trưởng Nhà trường phát biểu tại Ngày hội Matching Mentor Day

Ngày hội kết nối (Matching Mentor Day) được tổ chức cho 15 đội thi của nhánh 1 - Khởi nghiệp, với mong muốn kết nối các mentor (cố vấn đến từ các doanh nghiệp tư nhân) với các đội thi. Từ đó, mỗi đội thi sẽ gắn chặt với mentor mà mình đã lựa chọn, được các mentor đồng hành trong suốt quá trình diễn ra cuộc thi. Sự phối hợp nhuần nhuyễn giữa đội thi và mentor là yếu tố quan trọng cho sự thành công của dự án và cơ hội giành giải thưởng cao nhất, các cố vấn sẽ đóng vai trò tư vấn, định hướng cho đội thi, giúp các ý tưởng dự thi được hiện thực hóa một cách hiệu quả nhất.

Bên cạnh đó, sự kiện cũng tạo ra cơ hội gặp gỡ, kết nối các đội thi với các mentor khác đến từ nhiều công ty, doanh nghiệp, giúp nâng cao cơ hội khởi nghiệp và việc làm sau khi tốt nghiệp ra trường sau này.

Tất cả 24 mentor tham gia sự kiện đều là người đã từng khởi nghiệp thành công, là người đứng đầu của doanh nghiệp, có bề dày kinh nghiệm trong lĩnh vực đầu tư và quản trị nhân lực. Điểm chung nữa, đó là các mentor luôn đồng cảm và mong muốn được truyền lửa cho sinh viên có ước mơ khởi nghiệp, họ sẵn sàng bỏ thời gian, công sức ra để hỗ trợ đội thi cho dù công việc quản lý tại doanh nghiệp hết sức bận rộn.

Với ý tưởng kết nối các nhiếp ảnh gia, người yêu thích chụp ảnh, nhóm sinh viên Nguyễn Việt Phong đã lập trình và cho chạy thử phần mềm Snap (Sàn thương mại điện tử kết nối 15.000 nhiếp ảnh) giúp các đơn vị, cá nhân tìm kiếm người chụp hình chuyên nghiệp trên cả nước. Dự án được đánh giá có tính khả thi cao, vốn đầu tư dự kiến hơn 1 tỷ đồng.

 TS. Phạm Hùng Tiến - Quyền giám đốc Viện Friedrich Naumann (FNF) phát biểu tại Ngày hội
Tại ngày hội, 15 đội thi có bàn trưng bày sản phẩm/dự án của đội để giới thiệu ý tưởng/sản phẩm khởi nghiệp theo hình thức sáng tạo nhất thuộc các nhóm lĩnh vực: công nghệ thông tin; công nghệ giáo dục; đầu tư; tài chính; bảo hiểm; may mặc; lương thực; dược phẩm; xây dựng; chuỗi logistic… Các đội thi sẽ thể hiện tiềm năng, kế hoạch của mình với 3 phút giới thiệu về dự án để mentor lựa chọn.
 

 

 Các mentor giới thiệu về mình và con đường khởi nghiệp đã từng trải qua
 
 Ban chuyên môn của cuộc thi
Sự kiện này còn có thể gọi là “ngày chung đôi” giữa đội thi và mentor, có một ý nghĩa rất lớn đối với cuộc chạy đua ngôi vị quán quân khi cuộc thi kết thúc.

Ông Lại Mạnh Quân, Tổng giám đốc Công ty Bảo hiểm Bưu điện Tràng An, cựu sinh viên Viện Quản trị Kinh doanh, ĐHKT, sau 4 mùa giải làm giám khảo cuộc thi năm nay chuyển sang làm mentor chia sẻ: 4 năm trước tôi làm giám khảo rất áp lực, bởi lẽ việc cân nhắc chọn ra đội thi nào tốt nhất rất khó, đội nào cũng có thế mạnh và nhiệt huyết lớn, cân nhắc giữa các đội là rất khó, vì vậy năm nay tôi quyết định chuyển sang làm mentor vừa để giảm áp lực, vừa thử mình ở vị trí mới, hy vọng rằng đội thi hôm nay tôi lựa chọn sẽ phối hợp với nhau ăn ý giành kết quả cao tại cuộc thi.

 

 
Ngày hội đã kết nối doanh nghiệp với các đội thi để cuộc thi bước sang một giai đoạn khác
Cuộc thi Business Challenges 2019 là một một hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ, gắn việc học tập lý thuyết với kỹ năng thực tế nhằm tạo cho sinh viên ĐHKT - ĐHQGHN nói riêng, và các bạn trẻ nói chung một sân chơi bổ ích, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, chắp cánh cho khát vọng khởi nghiệp trẻ, đồng thời cũng giúp doanh nghiệp tuyển dụng được những sinh viên trẻ, năng động, có năng lực và khát vọng.
 
Một số hình ảnh tại Ngày hội:
 
 
 
 
 
 
 
Kết quả "ghép cặp" của các đội thi với các mentor như sau: 
 
 THÔNG TIN LIÊN QUAN:

Văn Công