BC2020
 
Ngày hội kết nối cuộc thi Business Challenges 2018

Sáng ngày 7/7/2018, Viện Quản trị Kinh doanh, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN đã tổ chức thành công Ngày hội kết nối - Demo day. Đây là sự kiện thứ năm được tổ chức trong chuỗi các hoạt động của cuộc thi Business Challenges 2018. Ngày hội được tổ chức nhằm kết nối các mentor với những ý tưởng khởi nghiệp và giải pháp kinh doanh đến từ các đội tham dự cuộc thi.


Chương trình có sự góp mặt của lãnh đạo Trường ĐHKT: PGS.TS. Nguyễn Anh Thu - Phó Hiệu trưởng, TS. Hồ Chí Dũng - Chủ nhiệm Bộ môn Marketing, Phó trưởng Ban tổ chức. Đồng thời, chương trình có sự tham gia của đại diện nhà tài trợ và đối tác chiến lược của cuộc thi: ông Phạm Hùng Tiến - Giám đốc dự án, đại diện Quỹ FNF Việt Nam; ông Phạm Anh Cường - Sáng lập Hệ sinh thái Khởi nghiệp BestB; TS. Phạm Vũ Thắng - Giám đốc Quỹ Thriive (Mỹ) tại Việt Nam; bà Bùi Thị Thu Huyền - Tổng Giám đốc và bà Phùng Thị Vui - Phó Tổng giám đốc Công ty Vidic.

Đặc biệt, chương trình có sự tham dự của 30 mentors sẽ đồng hành cùng cuộc thi và rất nhiều bạn trẻ, sinh viên, các cán bộ giảng viên Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN và các trường đại học trên địa bàn Hà Nội.

Trong phần đầu của chương trình, PGS.TS. Nguyễn Anh Thu - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN đã giới thiệu về Trường và điểm qua những thông tin hữu ích về cuộc thi Business Challenges 2018. Bà nhấn mạnh cuộc thi là một cơ hội tuyệt vời để sinh viên sẵn sàng cho sự hội nhập và thay đổi trong bối cảnh hiện nay. Bà nhắn nhủ tới các đội chơi: “Hôm nay là ngày đặc biệt, là ngày kết nối các đội thi với các mentors, là cơ hội để các đội thi thuyết phục các mentor đồng hành trong suốt chặng đường sắp tới của cuộc thi.” Phó Hiệu trưởng ĐHKT cũng gửi lời cảm ơn chân thành tới đại diện các bên và bày tỏ hy vọng chương trình sẽ trở thành nơi hội tụ những sáng kiến (Innovation Hub).

 

 

PGS. Nguyễn Anh Thu - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh Tế, ĐHQGHN

Tiếp nối Chương trình TS. Phạm Hùng Tiến - Giám đốc Dự án, Đại diện Quỹ FNF Việt Nam - Đơn vị đồng hành tổ chức Cuộc thi đã gửi lời chào mừng tới tất cả các đội thi và khái quát những nét sơ lược về Quỹ FNF Việt Nam. Quỹ FNF (Friedrich Naumann Foundation for Freedom) được hình thành cách đây 70 năm với mục đích nhằm truyền bá và giới thiệu những nét tinh hoa của đất nước Đức với hơn 40 văn phòng dự án trên khắp toàn thế giới. Năm 2012, FNF Việt Nam chính thức được thành lập. Tính đến nay, FNF Việt Nam đã triển khai hơn 120 hoạt động với khoảng 15 đối tác khác nhau.

 

TS. Phạm Hùng Tiến - Giám đốc Dự án, Đại diện Quỹ FNF Việt Nam

Chương trình được tiếp nối với sự trình bày ý tưởng đến từ các đội thi:

  • Đội 1: U-Farm với dự án cùng tên là ý tưởng về dự án nông trại “xanh” cung cấp thực phẩm sạch ra thị truờng;
  • Đội 2: Yolife cùng ý tưởng Trung tâm dành cho nguời cao tuổi với các dịch vụ: Lớp học Internet, Lớp khiêu vũ duỡng sinh, Lớp học handmade, Lớp học tiếng Anh cơ bản;
  • Đội 3: Bù nhìn rơm với dự án Kinh doanh sản phẩm thủ công thú nhồi rơm nhằm mục đích phát triển sản phẩm thủ công;
  • Đội 4: 6Sense với dự án Xây dựng bộ câu hỏi và tổ chức gameshow trí tuệ với mục đích xây dựng Apps bộ câu hỏi và xây dựng chương trình gameshows thực tế.
  • Đội 5: Home Heroes với ý tưởng cùng tên nhằm xây dựng App giúp kết nối các bạn sinh viên có thời gian rảnh với các hộ gia đình cần nguời làm việc nhà và làm gia sư cho con em họ;
  • Đội 6: TFE với ý tưởng hộp đựng thức ăn làm từ hữu cơ BOX EAT;
  • Đội 7: Where trip với dự án app mang tên Where Trip – Nền tảng tìm kiếm, kết nối, chia sẻ thông tin du lịch Phuợt ứng dụng giúp tìm kiếm các địa điểm, lên lịch trình nghỉ ngơi, ăn uống, đi lại và xây dựng cộng đồng người dùng đam mê du lịch phượt;
  • Đội 8: ViShare với dự án mang tên ViShare - Ứng dụng chia sẻ đồ dùng “rảnh” với mục đích tạo điều kiện cho nhu cầu muốn thuê đồ dùng ngắn hạn trên dịa bàn Hà Nội tiếp cận với những nguời có dồ dùng rảnh muốn cho thuê;
  • Đội 9: SCDeaf với dịch vụ sử dụng apps gọi video call để kết nối người Ðiếc với người nghe thông qua phiên dịch ngôn ngữ ký hiệu SCDeaf - Hỗ trợ và kết nối người Điếc với cộng đồng;
  • Đội 10: Compa với dự án Healthy Food sử dụng nền tảng thương mại điện tử cho người tiêu dùng đặt mua thực phẩm, người bán bán thực phẩm trên ứng dụng.

 

 

Kết thúc phần giới thiệu và trình bày về ý tưởng và dự án của mình, các đội thi đã tham gia trả lời các câu hỏi được đặt ra bởi các mentors. Sau phần hỏi đáp đầy thú vị là nội dung quan trọng của cuộc thi “Mentor chọn Đội thi - Đội thi chọn Mentor”. Sau nhiều cân nhắc, mentor chính của mỗi đội được phân công cụ thể như sau:
  • Đội 1: U-Farm với sự hỗ trợ của Mentor chính là ông Bùi Phương Nam;
  • Đội 2: Yolife với sự hỗ trợ của Mentor chính bà Phạm Thị Thanh Hoa;
  • Đội 3: Bù nhìn rơm với sự hỗ trợ của Mentor chính ông Nguyễn Việt Linh;
  • Đội 4: 6Sense với sự hỗ trợ của Mentor chính ông Lê Văn Hiên;
  • Đội 5: Home Heroes với sự hỗ trợ của Mentor chính ông Trần Việt Tùng;
  • Đội 6: TFE với sự hỗ trợ của Mentor chính ông Trần Kiên;
  • Đội 7: Where trip với sự hỗ trợ của Mentor chính ông Trần Ngọc Mạnh;
  • Đội 8: ViShare với sự hỗ trợ của Mentor chính ông Trương Đức Lượng;
  • Đội 9: SCDeaf với sự hỗ trợ của Mentor chính ông Phan Thái Trung;
  • Đội 10: Compa với sự hỗ trợ của Mentor chính ông Bùi Phương Nam.

Ngày kết nối Demo Day đã mang lại những cơ hội quý báu không chỉ cho các đội tham dự cuộc thi Business Challenges 2018, các mentors mà còn đem lại những kiến thức thú vị, hữu ích cho toàn thể những vị khách tham dự chương trình. Đây là sự chuẩn bị cần thiết để các đội dự thi tiếp tục bổ sung kiến thức và hoàn thiện các dự án khởi nghiệp, kinh doanh của mình.

 

Thu Hà - Cao Bình (Viện QTKD)