Khoa Kế toán Kiểm toán (Vi)
 
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế biển, đảo tại Việt Nam

Thế kỷ 21 được gọi là “Thế kỷ của biển và đại dương”. Khai thác biển đã trở thành vấn đề quan trọng mang tính chiến lược của hầu hết các quốc gia trên thế giới, kể cả các quốc gia có biển và các quốc gia không có biển.


Trong điều kiện các nguồn tài nguyên trên đất liền đang ngày càng cạn kiệt, các nước ngày càng quan tâm tới biển. Sự phát triển của dân số thế giới làm cho không gian kinh tế truyền thống đã trở nên chật chội, nhiều nước bắt đầu quay mặt ra biển và nghĩ đến các phương án biến biển và hải đảo thành lãnh địa, thành không gian kinh tế mới. Một xu hướng mới nữa là hiện nay, trong điều kiện phát triển khoa học công nghệ nhanh chóng, việc đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, công nghệ về biển đang là một xu thế tất yếu của các quốc gia có biển để tìm kiếm và bảo đảm các nhu cầu về nguyên, nhiên liệu, năng lượng, thực phẩm và không gian sinh tồn trong tương lai.

Trên thế giới có nhiều trường đào tạo thạc sĩ liên quan đến lĩnh vực kinh tế biển. Mục tiêu của các chương trình này chủ yếu là cung cấp năng lực phân tích các lợi ích tiềm năng từ sử dụng có hiệu quả các hoạt động môi trường biển, đánh giá thiệt hại kinh tế biển do sự cố ô nhiễm và thiên tai, năng lực phát triển các chiến lược quản lý để cải thiện việc quản trị biển, thủy sản, nuôi trồng thủy sản. Đối tượng học là những nhà quản lý, xây dựng chính sách, giảng viên, nghiên cứu viên về các vấn đề có liên quan đến biển (marine and coastal issues), có kiến thức nền tảng về kinh tế học ứng dụng, khoa học biển hoặc sinh học biển, đối tượng liên quan đến quản lý tài nguyên thiên nhiên ở các nước đang phát triển.

Các chương trình thạc sĩ chuyên ngành liên quan đến kinh tế biển đều là các trường thuộc top 500 trường uy tín nhất thế giới của tạp chí The Times Higher Education. Trường Đại học Washington (College of Environment University of Washington), xếp hạng 24 theo THE năm 2013 với chương trình sau đại học chuyên ngành Chính sách biển. Đây là chương trình đào tạo được lựa chọn để tham khảo chính cho chương trình Thạc sĩ Kinh tế biển của Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN.

Tại châu Âu, các chương trình Thạc sĩ Kinh tế tài nguyên biển (Marine Resource Economics) của Đại học Portmouth (Business School, University of Portsmouth), Thạc sĩ Kinh tế và quản lý nghề cá của Đại học Tromso của Nauy, Thạc sĩ Kinh tế hàng hải và vận tải biển của Đại học Erasmus University Rotterdam (The Erasmus University) tại Hà Lan, Thạc sĩ Kinh tế tài nguyên và môi trường của Đại học Nam Đan Mạch đều chú trọng đào tạo các nhà quản lý, phân tích chính sách hàng hải/vận tải biển.

Tại Việt Nam hiện nay có một vài trường có đào tạo về vận tải biển, hàng hải nhưng vẫn chưa có trường đào tạo thiên về kinh tế biển, quản lý tài nguyên biển, các chính sách phát triển kinh tế biển. Ví dụ ở Trường Đại học Kinh tế Quốc dân có chương trình đào tạo Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh chuyên ngành Logistics, Đại học Đà Nẵng có chương trình đào tạo Thạc sĩ Logistic &Transport, Trường Đại học Hàng Hải - Hải Phòng có chương trình đào tạo Thạc sĩ Tổ chức quản lý vận tải biển, Trường Đại học Nha Trang có chương trình đào tạo Thạc sĩ Quản lý hệ sinh thái biển và biến đổi khí hậu, Đại học Cần Thơ có chương trình đạo tạo Thạc sĩ Quản lý nguồn lợi thủy sản. Các chương trình trên cả về nội dung và nội hàm các môn học chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu cấp thiết về phát triển kinh tế biển Việt Nam, cũng như đáp ứng nhu cầu nhân lực có kiến thức toàn diện và theo các ngành/lĩnh vực kinh tế biển khác nhau đã được chỉ ra trong chính sách và pháp luật của Việt Nam thời gian qua.

Với sứ mệnh cung cấp cho xã hội nguồn nhân lực chất lượng cao theo định hướng chuyên gia, lãnh đạo trong các lĩnh vực kinh tế, quản lý và quản trị kinh doanh đáp ứng nhu cầu phát triển chất lượng, hiệu quả và bền vững của Việt Nam, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN sẽ là đơn vị tiên phong triển khai chương trình đào tạo sau đại học về kinh tế biển tại Việt Nam nhằm đáp ứng chủ trương của Đảng và Nhà nước về chiến lược phát triển biển, đáp ứng nhu cầu xã hội. Chương trình đào tạo được thiết kế dựa trên chương trình đào tạo tiên tiến trên thế giới về Chính sách kinh tế biển (Đại học Washington - Mỹ) và Kinh tế tài nguyên biển (Đại học Pothmourt) và dưới sự tư vấn, tham gia xây dựng chương trình của Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Tài nguyên và Môi trường (Đại học Nam Đan Mạch). Do vậy, chương trình đảm bảo tính tiên tiến, hiện đại và có khả năng ứng dụng cao tại Việt Nam. Tham gia vào chương trình, học viên được học tập dưới sự hướng dẫn, giảng dạy của các chuyên gia hàng đầu về kinh tế phát triển, phát triển bền vững trong và ngoài nước, được thực tập thực tế 2 đợt tại các khu vực phát triển kinh tế biển, cảng biển. Ngoài ra, học viên còn có cơ hội đi thực tế từ 7-10 ngày tại các cơ sở giáo dục quốc tế.

Chương trình Thạc sĩ Kinh tế biển của Trường ĐHKT được triển khai đào tạo từ năm 2017 hứa hẹn sẽ là điểm đến đào tạo chuyên sâu giúp tăng cường và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế biển, đảo tại Việt Nam, phục vụ phát triển bền vững. Nếu quan tâm và nắm bắt được xu hướng của xã hội, ngay từ bây giờ, hãy là một trong những người đầu tiên ghi danh vào học thạc sĩ kinh tế biển để có thể tiếp cận với những kiến thức chuyên sâu và thực tế xoay quanh lĩnh vực kinh tế biển với cách tư duy mới mẻ, phương pháp học tập hiện đại mà chương trình mang lại.

 

Mọi ý kiến thắc mắc về chương trình học, cách đăng ký học, vui lòng liên hệ:
Khoa Kinh tế Phát triển, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN
Phòng 305, nhà E4, 144 Xuân Thủy, Cầu Giấy, Hà Nội
Điện thoại: 043 7547 506 (máy lẻ 309) - Hotline: 0989.526.632
Website: http://ktpt.ueb.edu.vn
Fanpage: www.facebook.com/thacsikinhtebien


Thanh Hằng (Khoa KTPT)