Khoa Kế toán Kiểm toán (Vi)
 
Cao ủy Liên minh Châu Âu thăm và làm việc tại Trường ĐHKT

Ngài Andris Piebalgs (trái) và PGS.TS. Nguyễn Hồng Sơn
Trong khuôn khổ chuyến công du Việt Nam cuối tháng 3/2012, ngày 29/3/2012, đoàn công tác của Liên minh Châu Âu (European Union - EU) đã đến thăm Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN và có cuộc nói chuyện với sinh viên, giảng viên của trường.


Thăm trường, Đoàn công tác của Liên minh Châu Âu do ông Andris Piebalgs - Cao ủy phụ trách phát triển của Liên minh Châu Âu dẫn đầu. Trong đoàn còn có bà Stina Soewarta - Ủy viên Hội đồng Năng lượng EU; ông Franz Jessen - Đại sứ EU tại Việt Nam cùng lãnh đạo của các tổ chức của EU khu vực Việt Nam và Châu Á - Thái Bình Dương.
Tiếp đoàn có Ban Giám hiệu Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN gồm PGS.TS. Nguyễn Hồng Sơn - Hiệu trưởng và hai Phó Hiệu trưởng PGS.TS. Trần Anh Tài, PGS.TS. Nguyễn Ngọc Thanh. Buổi nói chuyện còn có sự tham dự của lãnh đạo các phòng, khoa và đông đảo giảng viên, sinh viên nhà trường.
Chuyến thăm Việt Nam lần này của đoàn có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh EU đang mong muốn mở rộng quan hệ với các thị trường mới nổi và đánh giá chiến lược đầu tư cho các nước đang phát triển. Không nằm ngoài mục đích đó, buổi nói chuyện tại Trường ĐHKT - ĐHQGHN nhằm trang bị cho sinh viên những hiểu biết về EU cùng với chính sách viện trợ của liên minh này dành cho Việt Nam.


Ông Andris Piebalgs - Cao ủy phụ trách phát triển của Liên minh Châu Âu EU trong cuộc trao đổi tại Trường ĐHKT.

Mở đầu bài nói chuyện tại Trường ĐHKT - ĐHQGHN, ông Andris Piebalgs đã cung cấp một số thông tin về Liên minh châu Âu, tổ chức được coi là trung tâm kinh tế, tài chính hàng đầu thế giới. Ông tin tưởng cùng với các chính sách viện trợ của EU thì sự tham gia của thanh niên vào quá trình tăng trưởng và phát triển là yếu tố quan trọng, quyết định sự thành công của bất kỳ chính sách nào, trong đó có chính sách phát triển. Qua những chia sẻ về bối cảnh chung của thế giới, trong đó có những khó khăn mà các nước đang phát triển phải đối mặt, vị diễn giả đã mở rộng tầm nhìn tại sao phải dành mối quan tâm lớn tới xóa đói giảm nghèo và an ninh lương thực trong bối cảnh suy thoái toàn cầu. Hiện nay, EU đóng góp hơn một nửa số viện trợ của thế giới cho các nước đang phát triển mà Ủy ban châu Âu là nhà tài trợ lớn thứ hai trên thế giới. Ngân sách cho phát triển và các nước đang phát triển trong giai đoạn 2007 - 2013 lên tới khoảng 40 tỉ €. Ông chia sẻ xóa đói giảm nghèo là một phần trong phương pháp tiếp cận phát triển bền vững, được EU xác định rõ là một mục tiêu trong Hiệp ước Lisbon - văn kiện tạo nên cơ sở hiến pháp cho mọi hoạt động của EU. Nhấn mạnh vai trò của thanh niên, ông nói “Những người trẻ tuổi như các bạn đã biết quá rõ rằng thế giới ngày nay có mối liên hệ với nhau chặt chẽ và thay đổi nhanh chóng như thế nào. Vì vậy, để định hình chính sách tương lai của chúng tôi, chúng tôi phải tính đến cả thế giới xung quanh mình.”
Với tư cách là Cao ủy phụ trách về phát triển của EU, ông Andris Piebalgs đánh giá cao sự phát triển của Việt Nam và hy vọng qua đây cung cấp cho sinh viên, giảng viên Trường ĐHKT khái niệm về chính sách phát triển của EU hiện nay cũng như trong tương lai, đồng thời xem xét cách thức hợp tác để các nước như Việt Nam đạt được nhiều bước tiến hơn nữa. Qua việc cung cấp thông tin ngắn gọn về Chính sách phát triển của EU cho tương lai, được gọi là Chương trình nghị sự thay đổi, ông cam kết sẽ hỗ trợ Việt Nam bằng cách tiếp cận chính sách và đưa ra các chương trình viện trợ cụ thể, bởi theo ông, những thách thức đối với các quốc gia như Việt Nam nằm ở việc tiến tới tăng trưởng kinh tế công nghiệp hóa, hiện đại hóa một cách an toàn, bền vững và thân thiện với môi trường. Ông đánh giá cao chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam đến năm 2020 là tập trung vào các vấn đề như cải cách cơ cấu, tính bền vững về môi trường, bình đẳng xã hội và ổn định kinh tế vĩ mô mà theo ông tăng trưởng tốt nhất là tăng trưởng lâu dài và không làm suy kiệt các nguồn tài nguyên quý giá của hành tinh. Ba lĩnh vực đột phá của chiến lược gồm (1) thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực và tay nghề; (2) hoàn thiện các thể chế thị trường và (3) phát triển cơ sở hạ tầng mang nhiều tham vọng, có nhiều thách thức nhưng chắc chắn là những bước đi đúng hướng. Cao ủy EU bày tỏ tinh thần sẵn sàng hợp tác với Việt Nam trên cương vị là một đối tác chiến lược để đẩy mạnh cuộc chiến chống đói nghèo.
Tại cuộc nói chuyện, giảng viên, sinh viên Trường ĐHKT đã đặt nhiều câu hỏi cho các thành viên trong phái đoàn EU quan tâm về một số vấn đề như tình hình viện trợ ODA cho Việt Nam hiện tại và trong thời gian tới, các chương trình hỗ trợ trong giáo dục và các chương trình học bổng dành cho sinh viên Việt Nam…
Thay mặt lãnh đạo Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN, PGS.TS. Nguyễn Hồng Sơn đã phát biểu cảm ơn chuyến thăm của đoàn công tác, nhấn mạnh 2012  là năm đánh dấu 22 năm truyền thống ngoại giao giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam. Hiệu trưởng Trường ĐHKT tin rằng chuyến thăm sẽ mở ra nhiều cơ hội hợp tác hơn cho Đại học Quốc gia Hà Nội cũng như Trường Đại học Kinh tế trong việc tổ chức những cuộc nói chuyện tương tự cho giảng viên, sinh viên nói riêng và những lưu ý đặc biệt của EU dành cho các trường đại học trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. PGS.TS. Nguyễn Hồng Sơn cho biết, EU đã và đang là đối tác chiến lược của Việt Nam trong mọi lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư và chính trị. Ông khẳng định Liên minh châu Âu sẽ tiếp tục là một trong những nhà viện trợ hàng đầu cho sự phát triển của Việt Nam trong tương lai.



Thay mặt lãnh đạo Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN, PGS.TS. Nguyễn Hồng Sơn đã phát biểu cảm ơn chuyến thăm của đoàn công tác.

Buổi nói chuyện thu hút sự tham dự đông đảo của giảng viên, sinh v iên Trường ĐHKT - ĐHQGHN.


Trong đó, nhiều giảng viên, sinh viên đã đặt câu hỏi quan tâm đến các đại diện Liên minh Châu Âu.

Ông Franz Jessen, Đại sứ EU tại Việt Nam trả lời một số câu hỏi về hợp tác trong giáo dục do sinh viên Nhà trường gửi đến.

Đoàn công tác và giảng viên, sinh viên nhà trường chụp ảnh tại buổi nói chuyện.

>> Xem toàn văn bài phát biểu của ông Andris Piebalgs tại Trường ĐHKT - ĐHQGHN ở đây


T.D - Ảnh: Đỗ Chiêm