Khoa Kế toán Kiểm toán (Vi)
 
Đẩy mạnh quốc tế hóa giáo dục: UEB hợp tác toàn diện với CUE - trường ĐH kinh tế lớn nhất Ba Lan

ĐH Cracow là trường đại học kinh tế lớn nhất Ba Lan và từng giành 1 giải Nobel về Kinh tế
Với định hướng quốc tế hóa giáo dục sâu rộng, tăng cường hợp tác với các trường đại học lớn, uy tín trên thế giới, vừa qua Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN (UEB) đã triển khai hợp tác chiến lược, chặt chẽ với Trường ĐH kinh tế Cracow - trường kinh tế lớn nhất của Ba Lan (CUE).


Trường được thành lập vào năm 1925 và thuộc tốp trường đại học lớn nhất của thành phố Cracow - trung tâm học thuật chính của đất nước. Như vậy, bên cạnh những chương trình trao đổi quốc tế tại các trường đại học tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Pháp, Thụy Điển…, các giảng viên, sinh viên của UEB còn có thêm cơ hội giao lưu, học tập, giảng dạy tại một trong những trường đại học nổi tiếng của Châu Âu.

Hợp tác quốc tế trong đào tạo, nâng cao năng lực giảng dạy đại học giữa hai trường đại học hàng đầu

Nằm trong khuôn khổ Dự án tăng cường năng lực quản lý đại học của Châu Âu Emus 19+, Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN PGS.TS Nguyễn Trúc Lê đã gặp và làm việc với Hiệu trưởng Đại học Kinh tế Cracow, các Phó hiệu trưởng phụ trách nghiên cứu khoa học, trao đổi sinh viên và Giám đốc các chương trình liên kết quốc tế.

Cracow là một trường đại học đa ngành, có thế mạnh là các ngành Kinh tế - Luật và Tài chính - Ngân hàng với đội ngũ giảng viên là các giáo sư đã có kinh nghiệm giảng dạy, thỉnh giảng tại rất nhiều quốc gia trên thế giới. Ngoài sinh viên Ba Lan, trường còn là điểm đến của nhiều sinh viên các quốc gia phát triển khác tại Châu Âu, Châu Á… Trường ĐHKT thuộc ĐHQGHN nằm trong top các trường đại học lớn nhất Việt Nam, có tỷ lệ giảng viên tốt nghiệp từ các nước phát triển cao (trên 72%) và có khả năng giảng dạy tốt bằng tiếng Anh. Vì vậy, cả 2 trường đều có đầy đủ các yếu tố thuận lợi để hợp tác, trao đổi nhằm thúc đẩy tiến trình quốc tế hóa giáo dục. 
 
 
Hiệu trưởng hai trường đại học có cái bắt tay lịch sử - mở ra quan hệ hợp tác giữa hai trường
 

Lãnh đạo 2 trường đã làm việc trên tinh thần cởi mở, chia sẻ về các lĩnh vực trong quản lý đại học, quản lý đào tạo, nghiên cứu khoa học và đi đến thống nhất sẽ trển khai hợp tác trên các lĩnh vực sau:

1. Trao đổi giảng viên, chuyên viên, cán bộ giữa hai trường. Theo đó, hàng năm mỗi trường sẽ cử tối đa 4 giảng viên, cán bộ, chuyên viên sang bên đối tác giảng dạy, học hỏi và trao đổi kinh nghiệm.

2. Thống nhất chương trình đào tạo 2+2 và cấp 2 bằng đại học song song, mỗi trường cấp 1 bằng cho người học. Trong thời gian tới, Hội đồng hai Trường sẽ tiến hành thẩm định các môn học, từ đó đối chiếu về số lượng và chất lượng làm cơ sở để triển khai chương trình đào tạo 2+2.

3. Trao đổi sinh viên giữa hai trường, theo đó, sinh viên 2 trường sẽ được miễn học phí và được công nhận các tín chỉ đã học trong các chương trình trao đổi.

4. Triển khai các chương trình “Study Tour” dành cho đối tượng sinh viên, học sinh THPT và phụ huynh Việt Nam quan tâm tới Trường Đại học Kinh tế Cracow và có nguyện vọng theo học chương trình đào tạo 2+2 tham quan, trải nghiệm học tập tại ngôi trường danh tiếng này. Thông qua hoạt động này, sinh viên, phụ huynh sẽ có được cảm nhận thực tế và đầy đủ về môi trường học tập, môi trường sống tại Cracow nói riêng và đất nước Ba Lan nói chung. Nổi tiếng là một đất nước xinh đẹp, hiền hòa, người dân thân thiện, hiếu khách, Ba Lan cũng nổi tiếng là “đất học” của Châu Âu với hệ thống bằng cấp được công nhận trên toàn thế giới, mức chi phí học tập và sinh hoạt hợp lý hơn rất nhiều các quốc gia Châu Âu khác. Vì vậy, đây sẽ là 1 điểm đến lý tưởng cho những sinh viên có mong muốn trải nghiệm môi trường học tập và có bằng đại học quốc tế. 

5. Mời giảng viên và sinh viên của nhau tham dự các hội thảo quốc tế do các bên tổ chức, có thể thực hiện livestream hội thảo trên các kênh thông tin chính thức của hai Trường.

 

 Thăm phòng truyền thống ĐH Kinh tế Cracow

Đẩy mạnh các hoạt động hợp tác nghiên cứu khoa học

Là một trường đại học hàng đầu Châu Âu, Trường Đại học Kinh tế Cracow sở hữu một tạp chí thuộc danh mục Scopus - được giới chuyên môn đánh giá rất cao. Đây sẽ là cầu nối trao đổi học thuật, các bài báo khoa học của giảng viên hai trường. Trường Đại học Kinh tế Cracow đánh giá rất cao đội ngũ giảng viên Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN với trên 72% được đào tạo tại các quốc gia hàng đầu trên thế giới sẽ mang đến những bài báo khoa học vô cùng quý giá, đa góc nhìn cho tạp chí của Trường.

Ngoài ra, còn có rất nhiều dự án nghiên cứu cấp nhà nước về các vấn đề kinh tế, quan hệ hợp tác kinh tế của Việt Nam - Ba Lan đã và đang được triển khai rất cần nguồn trí tuệ từ các học giả của cả hai bên, Trường Đại học Kinh tế Cracow và Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN sẵn sàng tham gia và hợp tác triển khai các dự án này để hướng đến một quan hệ thương mại - kinh tế phát triển mạnh giữa hai quốc gia.

.

Dự kiến, hai Trường sẽ tổ chức Lễ ký biên bản ghi nhớ hợp tác trong tháng 11/2018 để làm cơ sở triển khai tất cả nội dung đã thống nhất ngay từ năm nay. Qua sự hợp tác này, chiến lược quốc tế hóa giáo dục của Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN ngày càng phát triển theo hướng mở rộng cả về số lượng trường, các lĩnh vực và nâng cao hợp tác chiều sâu.

Một số hình ảnh chuyến công tác:

 
Ảnh chụp PGS.TS. Nguyễn Trúc Lê tại cổng chính ĐH Kinh tế Cracow
 
Hiệu trưởng ĐHKT Nguyễn Trúc Lê chụp ảnh lưu niệm với Lãnh đạo ĐH Kinh tế Cracow 
 
Hiệu trưởng ĐHKT với đội cờ nghi l 
 
 
Hiệu trưởng ĐH Kinh tế - ĐHQGHN là khách mời danh dự tại Lễ khai giảng của ĐH Kinh tế Cracow
Hiệu trưởng ĐH Kinh tế - ĐHQGHN (đứng giữa) đã có cuộc gặp và làm việc với Phó hiệu trưởng phụ trách công tác sinh viên  ĐH Kinh tế Cracow (đứng thứ 2 từ phải sang)
 
Hiệu trường và Giám đốc phụ trách chương trình quốc tế 
 
PGS.TS. Nguyễn Trúc Lê làm việc với Khoa Tài chính Kế toán, ĐHKT Cracow
 
Hiệu trưởng làm việc với Phó hiệu trưởng phụ trách nghiên cứu khoa học

Văn Công