Khoa Kế toán Kiểm toán (Vi)
 
Cán bộ, giảng viên và sinh viên 2 Khoa: KTPT và KTQT giao lưu với GS. James Riediel - ĐH John Hopkins Hoa Kỳ

Ban chủ nhiệm 2 Khoa KTCT và KTQT cùng GS. James Riediel giao lưu với các cán bộ, sinh viên
Ngày 19/3/2010, tại phòng hội thảo 406, cán bộ, sinh viên Khoa Kinh tế Phát triển (KTPT) và Khoa Kinh tế Quốc tế (KTQT) đã có buổi giao lưu, tọa đàm với giáo sư James Riediel cùng đoàn nghiên cứu sinh Trường đại học John Hopkins Hoa Kỳ.


Dẫn đầu đoàn đại biểu Trường đại học John Hopkins sang thăm và giao lưu với cán bộ, giảng viên, sinh viên Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN là GS. James Riediel. Nhắc đến giáo sư Riediel là nhớ đến tình yêu và niềm đam mê cũng như những đóng góp lớn lao của ông trong nghiên cứu đối với Việt Nam. Các công trình nghiên cứu nổi tiếng của ông (một số đã được dịch ra Tiếng Việt) bao gồm nhiều báo cáo phân tích, nhận định chuyên sâu và xuyên suốt quá trình đổi mới và cải cách nền kinh tế tại Việt Nam; khuyến nghị chính sách và vai trò của chính phủ (*). Trong chuyến thăm Việt Nam lần này, ông đóng vai trò người hướng dẫn cho 3 hướng đề tài nghiên cứu kinh tế của nhóm sinh viên và nghiên cứu sinh trong Trường.
Về phía Trường ĐHKT - ĐHQGHN, đến tham dự buổi giao lưu có TS. Vũ Quốc Huy, Chủ nhiệm Khoa KTPT; PGS.TS. Nguyễn Xuân Thiên, Phó Chủ nhiệm Khoa KTQT cùng cán bộ giảng viên 2 Khoa và nhiều sinh viên đến từ Khoa KTPT cũng như các lớp Chất lượng cao (CLC) thuộc Khoa KTQT.
Ngay từ khi được mở đầu,  không khí thảo luận sôi nổi đã được bắt đầu bằng hàng loạt các câu hỏi cũng như vấn đề mà 2 bên cùng quan tâm. Đến với Việt Nam lần này, nhóm nghiên cứu sinh Trường ĐH John Hopkins đã có sự chuẩn bị trước về 3 đề tài nghiên cứu: “Sự phát triển nông nghiệp tại các nước tiểu vùng sông Mê Kông”; “Hệ thống tiền tệ tài chính tại Thành phố Hồ Chí Minh”“Sự thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI tại Việt Nam”. Do đây đều là các hướng nghiên cứu không mới nhưng ẩn chứa nhiều vấn đề thú vị nên cuộc tranh luận và trao đổi thông tin diễn ra  sôi nổi từ những phút đầu cho đến cuối chương trình. Ví dụ như vấn đề mặt trái của FDI hay sự phát triển và cạnh tranh của hệ thống ngân hàng quốc doanh, ngân hàng tư nhân, và ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam… là các chủ đề nóng được đem ra thảo luận. Xen kẽ với các câu hỏi và trả lời của sinh viên 2 Trường là những bình luận, nhận xét sâu sắc của GS. Riediel và TS. Vũ Quốc Huy nhằm tổng kết và chỉ ra ý nghĩa của vấn đề nghiên cứu.
Được tham gia các hội thảo có tính giao lưu, trao đổi kiến thức trực tiếp như thế này là cơ hội rất quý nên các bạn sinh viên của cả 2 Khoa đã tham gia tranh luận rất nhiệt tình cũng như thể hiện tinh thần “khai thác” triệt để các đại biểu từ Hoa Kỳ. Nhiều sinh viên đã đặt câu hỏi hay và gắn với các đề tài, các hướng nghiên cứu khoa học của chính mình. Sinh viên Nguyễn Thị Loan lớp QH -2007-E CLC đặt ra vấn đề về các đặc điểm chính nổi bật của FDI tại Việt Nam và so sánh với Thái Lan. Sinh viên Nguyễn Văn Thịnh QH-2007-E CLC “chất vấn” các đại biểu về định nghĩa, vai trò của tầng lớp trung lưu Mỹ, xác định tác động của hành vi tiêu dùng của họ tới nền kinh tế Mỹ có phải là động lực cho sự phát triển của nền kinh tế không? Đặc biệt có một số các bạn sinh viên năm nhất của cả 2 khoa cũng tham gia đóng góp và đặt câu hỏi nhiệt tình, đồng thời gây ấn tượng cho cả đoàn sinh viên Mỹ về khả năng nói tiếng Anh và những câu trả lời tự tin, sắc sảo.
Buổi tọa đàm kết thúc sau hơn 2h thảo luận. Đây là cơ hội bổ ích cho các sinh viên Trường ĐHKT nói chung và sinh viên 2 khoa nói riêng để trau dồi vốn tiếng Anh, cũng là dịp gợi mở nhiều ý tưởng, hướng đi mới trong nghiên cứu kinh tế cho các bạn sinh viên, nghiên cứu sinh có niềm say mê nghiên cứu.


Một số công trình của GS. James Riediel về Việt Nam đã được in ấn, xuất bản:

  • The Role of the State in Vietnam’s Transition,” in Achieving High Growth:Experiences of Transitional Economies in East Asia, forthcoming Oxford University Press
  • The Politics and Economics of Transition to an Open Market Economy inVietnam, OECD, Paris, 1999 (with William Turley)…
  • “Needed: A Strategic Vision for Setting Reform Priorities in Viet Nam,” in SuiwahLeung, ed., Vietnam and the East Asian Crisis, London: Edward Elgar Publ. Ltd.,1999.
  • Kinh Tế Vi Mô của nền Kinh tế mở (Macroeconomics of an Open Economy) Hanoi: Nhà xuất bản chính trị quốc gia, 1995, 197 pps.
  • Kinh tế học quốc tế: Lý thuyết và thực tiễn (International Economics: Theoryand Practice), Hanoi: Ủy ban kế hoạch nhà nước, 1993, 185 pps.


Nguyễn Văn Thịnh (QH2007E CLC) - Ảnh: Thùy Dung