Khoa Kế toán Kiểm toán (Vi)
 
Bàn về các lý thuyết kinh tế, quản lý hiện đại

PGS.TS. Nguyễn Ngọc Thanh - Phó Hiệu trưởng Trường ĐHKT chủ trì hội thảo
Sáng 2/7/2013, Trường ĐHKT - ĐHQGHN đã tổ chức hội thảo “Các lý thuyết kinh tế, quản lý hiện đại và hàm ý chính sách cho Việt Nam”.


Hội thảo được tổ chức nhằm nâng cao nhận thức và năng lực vận dụng các lý thuyết kinh tế, quản lý hiện đại vào thực tiễn Việt Nam trong bối cảnh nước ta đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức về khủng hoảng kinh tế, đòi hỏi sự phù hợp của cấu trúc kinh tế và việc xem xét, cập nhật, nghiên cứu các lý thuyết kinh tế hiện đại được áp dụng ở Việt Nam hiện nay.
Tham dự hội thảo có các chuyên gia kinh tế hàng đầu Việt Nam; các nhà hoạch định chính sách trong lĩnh vực kinh tế và quản lý; các cán bộ khoa học công tác tại các trường đại học khối kinh tế, các cơ quan và viện nghiên cứu; các sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh quan tâm đến chủ đề hội thảo.
Trong phiên đầu tiên, các tham luận tập trung vào chủ đề “Các lý thuyết kinh tế, quản lý hiện đại và hàm ý chính sách cho Việt Nam”. Tham luận của PGS.TS Lê Cao Đoàn trình bày một cách tổng quan về các lý thuyết kinh tế hiện đại và ý nghĩa của chúng đối với việc giải quyết các vấn đề kinh tế Việt Nam.TS. Phạm Thị Hồng Điệp - giảng viên Trường Đại học Kinh tế mang đến những nghiên cứu về lý thuyết nhà nước phúc lợi trong đó phân tích sự hình thành và phát triển của chế độ phúc lợi, nhà nước phúc lợi và các mô hình nhà nước phúc lợi trên thế giới. Trên cơ sở đánh giá những ưu điểm, hạn chế của các mô hình này, nghiên cứu chỉ ra một số gợi ý để xây dựng chế độ phúc lợi xã hội ở Việt Nam hiện nay. Kinh tế học thể chế và những đóng góp của Williamson vào kinh tế học thể chế mới là chủ đề trong tham luận của TS. Đinh Tuấn Minh.
Trong phiên thứ hai bàn về “Các mô hình quản lý hiện đại nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, tái cấu trúc nền kinh tế, tái cấu trúc doanh nghiệp và tổ chức hành chính công”, hội thảo được nghe 2 tham luận của TS. Trần Kim Chung và TS. Nguyễn Trúc Lê về một số vấn đề khá mới mẻ. TS. Trần Kim Chung trình bày những nghiên cứu về Học thuyết kinh tế cơ cấu mới, sự khác nhau giữa Học thuyết kinh tế cơ cấu cũ và mới. Trên cơ sở nhận định học thuyết này phù hợp với tình hình phát triển của Việt Nam, nghiên cứu đã đưa ra những hàm ý chính sách cho Việt Nam trong bối cảnh hiện tại. Tham luận của TS. Nguyễn Trúc Lê trình bày về ứng dụng giải pháp Kiến trúc hướng dịch vụ (SOA) nhằm cơ cấu lại hoạt động quản lý của các tổ chức tại Việt Nam.
Trao đổi về các tham luận tại hội thảo, các chuyên gia nghiên cứu như: GS.TSKH. Nguyễn Quang Thái, PGS.TSKH. Võ Đại Lược, PGS.TS. Đỗ Đức Định, TS. Nguyễn Minh Phong, TS. Nguyễn Đức Thành, TS. Lê Quốc Phương, TS. Nguyễn Đăng Minh… đánh giá cao chủ đề của hội thảo về ý nghĩa, tầm quan trọng của nó trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế hiện nay. Các chuyên gia bày tỏ sự vui mừng khi những nghiên cứu mang tính hàn lâm như thế này đã được các nhà nghiên cứu trẻ quan tâm thực hiện. Các chuyên gia cũng nhất trí cho rằng, Trường ĐHKT với định hướng phát triển thành một đại học nghiên cứu nên tiếp tục tổ chức những hội thảo về chủ đề này, và những hội thảo tiếp sau mang tính chuyên đề, chuyên sâu để tiếp nối kết quả nghiên cứu của hội thảo này.
PGS.TS. Phạm Văn Dũng - Chủ nhiệm Khoa Kinh tế Chính trị - đơn vị đào tạo và nghiên cứu về các vấn đề kinh tế vĩ mô của trường cảm ơn các góp ý, ý kiến tư vấn và hỗ trợ của các chuyên gia, các nhà nghiên cứu. Phó Hiệu trưởng Trường ĐHKT - PGS.TS. Nguyễn Ngọc Thanh tổng kết hội thảo, cảm ơn sự quan tâm, đóng góp của các đại biểu, nhà khoa học, giảng viên, sinh viên cùng các học viên, nghiên cứu sinh và nhà tài trợ cho sự thành công của hội thảo; đồng thời hy vọng nhà trường sẽ tiếp tục nhận được sự hợp tác của quý báu này trong những nghiên cứu, hội thảo tiếp theo.

Từ trái sang: PGS.TS Lê Cao Đoàn và TS. Nguyễn Trúc Lê trình bày tham luận tại hội thảo

Các chuyên gia thảo luận về chủ đề hội thảo và góp ý thêm cho các tham luận


Toàn cảnh hội thảo

Chào mừng 20 năm ngày Chính phủ ban hành nghị định về ĐHQGHN (10/12/1993 - 10/12/2013)


Đỗ Chiêm