Khoa Kế toán Kiểm toán (Vi)
 
“Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2012” ra mắt, thu hút sự quan tâm của cộng đồng

Ngày 19/9/2012, Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN đã phối hợp với Công ty CP Sách Thái Hà (Thái Hà Books) chính thức giới thiệu ấn phẩm “Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2012". Nhân dịp này, Trung tâm VEPR cũng đã tổ chức Hội thảo chuyên đề "Nền kinh tế đứng trước thử thách tái cơ cấu".


Trước đó, ấn phẩm “Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2012: Đối diện thách thức tái cơ cấu” đã được công bố vào cuối tháng 5/2012 và nhận được sự quan tâm của nhiều cơ quan, tổ chức, nhà nghiên cứu kinh tế… Trên cơ sở tiếp thu những nhận xét, góp ý của các chuyên gia, ấn phẩm đã được nhóm tác giả hoàn thiện và chính thức ra mắt tại hội thảo lần này.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty CP Sách Thái Hà cho biết: đây là lần đầu tiên một ấn phẩm do Thái Hà Books giới thiệu lại nhận được nhiều sự quan tâm của các cơ quan báo chí và bạn đọc như vậy.

TS. Nguyễn Đức Thành (phải) - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, chủ biên chuỗi ấn phẩm Báo cáo thường niên KTVN và TS. Võ Trí Thành tại hội thảo

TS. Võ Trí Thành - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), một trong những thành viên của nhóm tư vấn và phản biện của chuỗi ấn phẩm “Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam” khẳng định: đây là một báo cáo do những nhà nghiên cứu trẻ nhưng dám đi vào những vấn đề gai góc của kinh tế vĩ mô thực hiện. Báo cáo được xây dựng dựa trên những bằng chứng khoa học, công phu, đáng được ghi nhận và tiếp tục triển khai.
Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam” là chuỗi báo cáo được xuất bản hàng năm nhằm tổng kết các vấn đề kinh tế lớn một năm qua, đồng thời thảo luận về viễn cảnh kinh tế năm tới và khuyến nghị chính sách trong bối cảnh hiện thời. Đây là năm thứ tư báo cáo được công bố tới bạn đọc.
Trong chương trình hội thảo "Nền kinh tế đứng trước thử thách tái cơ cấu", các chuyên gia kinh tế, phóng viên các cơ quan thông tấn báo chí và các đại biểu quan tâm đã trao đổi về nhiều vấn đề liên quan đến các kết quả nghiên cứu mà ấn phẩm đã nêu và về các vấn đề kinh tế Việt Nam hiện nay như: nợ xấu, đầu tư công, đầu tư nước ngoài, tập đoàn kinh tế… Theo đó, trọng tâm của chương trình là những vấn đề cốt lõi liên quan tới việc tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước và tái cơ cấu đầu tư.

Các chuyên gia đã nêu 2 vấn đề liên quan đến lộ trình tái cơ cấu kinh tế là giải quyết nợ xấu và thoái vốn ngoài ngành của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước.

Theo TS.Võ Trí Thành, “Nguyên tắc để giải quyết nợ xấu là phải làm sạch và cân đối tài sản của các doanh nghiệp, tập đoàn, xử lí được chủ nợ cũ và mới, sau đó chính họ sẽ trở thành những cổ đông chiến lược, phải xây dựng chiến lược mới và gắn với chiến lược đó là cấu trúc quản trị”.

Về việc hỗ trợ các doanh nghiệp hiện nay, TS. Nguyễn Đức Thành cho rằng, cần hài hòa trong chính sách và tiếp cận các nguồn lực của cả doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân, trước hết chính là việc tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại nhằm đảm bảo nguồn tín dụng rẻ cho doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng lưu ý việc không nơi lỏng ưu tiên kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô trong bối cảnh Việt Nam xác định mục tiêu tăng trưởng năm tới cao hơn năm nay.

________________

THÔNG TIN LIÊN QUAN:


Thanh Nga - Mai Hương