Khoa Kế toán Kiểm toán (Vi)
 
Seminar Nghiên cứu kinh tế và chính sách số 01

Chiều ngày 12/6/2012, Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) thuộc Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN đã tổ chức buổi Seminar nghiên cứu kinh tế và chính sách với chủ đề “Xu thế chuyển đổi mô hình tăng trưởng và kinh tế tại một số quốc gia và khu vực trọng điểm: Lý luận, thực tiễn và hàm ý chính sách cho Việt Nam”.


Seminar số 01 nằm trong chuỗi seminar trong lĩnh vực nghiên cứu kinh tế và chính sách được tổ chức định kỳ do trung tâm chủ trì, với mong muốn đây sẽ là diễn đàn để các nghiên cứu trẻ trình bày các kết quả nghiên cứu của mình, từ đó tạo thành một mạng lưới của giới nghiên cứu trao đổi với sự hợp tác và hỗ trợ của nhiều tổ chức lớn khác như Viện Kinh tế Việt Nam (VIE), Trung tâm Phân tích và Dự báo (CAF) thuộc VASS, các viện chiến lược ở các bộ (như Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính, Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương), các học viện (Học viện Ngân hàng, Học viện Tài chính) và viện trong các trường đại học như Đại học Kinh tế Quốc dân, Đại học Ngoại thương, Đại học Kinh tế - ĐHQGHN.

Buổi hội thảo có sự tham gia của các chuyên gia cao cấp gồm: TS. Nguyễn Đức Thành, TS. Lê Kim Sa, TS. Phạm Sỹ Thành, ThS. Đinh Tuấn Minh. Ngoài ra, còn có sự góp mặt của các nghiên cứu viên, cộng tác viên của VEPR.

Mở đầu cho buổi seminar là phát biểu của TS. Nguyễn Đức Thành giới thiệu về mục đích của buổi seminar và định hướng lâu dài cho hoạt động này.

Tiếp sau đó là phần trình bày của Vũ Minh Long, nghiên cứu viên của VEPR. Vũ Minh Long từng là thủ khoa đầu vào kỳ thi đại học toàn quốc, sau đó nhận học bổng đi học kinh tế tại ĐH La Trobe (Australia). Hiện anh đang làm nghiên cứu viên tại VEPR và chuẩn bị các điều kiện để tiếp tục theo đuổi chương trình tiến sĩ về kinh tế học tại nước ngoài.

Với chủ đề Xu thế chuyển đổi mô hình tăng trưởng và kinh tế tại một số quốc gia và khu vực trọng điểm: Lý luận ,thực tiễn và hàm ý chính sách cho Việt Nam, phần trình bày chủ yếu tập trung vào hai vấn đề chính là phân tích một số mô hình kinh tế đặc thù trong lịch sử kinh tế thế giới, và xu thế chuyển đổi mô hình nhằm thích nghi với hoàn cảnh mới.

Sau phần trình bày là góp ý của các chuyên gia phản biện có mặt trong buổi hội thảo. Các chuyên gia đã đưa ra những ý kiến đóng góp rất thiết thực cho bài trình bày từ việc chọn đề tài, phương pháp tiếp cận, bố cục trình bày, cách sử dụng thuật ngữ, cùng những vấn đề cụ thể liên quan đến kinh tế Việt Nam để đưa ra những gợi ý chính sách thiết thực.


VEPR