Khoa Kế toán Kiểm toán (Vi)
 
"Phát triển bền vững Thủ đô Hà Nội văn hiến, anh hùng, vì hoà bình"

Đó là chủ đề của Hội thảo khoa học quốc tế hướng tới Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội được khai mạc chiều nay, ngày 7/10/2010 tại Trung tâm Hội nghị quốc tế, số 11 Lê Hồng Phong, Hà Nội.


Hội thảo do Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì và phối hợp với Đại học Quốc gia Hà Nội, UBND thành phố Hà Nội, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đồng tổ chức.
Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN tham gia chủ trì Tiểu ban kinh tế - xã hội cùng với 12 tham luận của các cán bộ giảng viên, các học giả, các nhà khoa học là đối tác trong nước và nước ngoài của Nhà trường. Gần 600 đại biểu đã tham dự Hội thảo,bao gồm: lãnh đạo Đảng, Nhà nước, một số bộ/ngành, đại biểu thành phố Hà Nội và các tỉnh thành phố, các nhà khoa học trong nước và trên 50 học giả đến từ các nước Nga, Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Úc,…

Sau diễn văn khai mạc hội thảo của Bà Ngô Thị Thanh Hằng, Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân TP. Hà Nội, thay mặt cho lãnh đạo Đảng, ông Phạm Quang Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nộimong muốn Hội thảo tập trung làm sáng tỏ các giá trị cốt lõi "Văn hiến, anh hùng, hòa bình - hữu nghị" trong suốt 1.000 năm lịch sử của Thăng Long - Hà Nội.  Qua đó, góp phần làm rõ hơn những thế mạnh và tiềm năng để phát triển và đề xuất các giải pháp nhằm phát huy những giá trị cao đẹp của Thăng Long - Hà Nội, hướng tới xây dựng chiến lược phát triển bền vững Thủ đô trong bối cảnh của một thế giới đang đổi thay vô cùng nhanh chóng, thuận lợi, thời cơ cũng như khó khăn, thách thức đều lớn.
Trong báo cáo đề dẫn tại hội thảo, GS.TSKH Vũ Minh Giang, Trưởng ban tổ chức đã nhấn mạnh: "Hội thảo được tổ chức vào dịp đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội là một nghĩa cử của hậu thế thành kính dâng lên các bậc tiền nhân những kết quả lao động trí tuệ như một lễ vật tinh thần biểu thị quyết tâm của con cháu đem hết trí tuệ và nhiệt huyết góp phần xây dựng thủ đô xứng với tầm vóc của Thăng Long - Hà Nội".



Bà Katherine Muller - Marinphát biểu tại Hội thảo.

Đại diện của UNESCO ở Việt Nam, bà Katherine Muller - Marin bày tỏ tình cảm và vinh hạnh được cùng các vị giáo sư và các nhà nhà nghiên cứu tầm cỡ thế giới tham dự Hội thảo đầy ý nghĩa này. Bà Katherine cho biết, trong một nghiên cứu gần đây, Hà Nội được dự đoán là một trong hai thành phố đứng đầu thế giới về mức tăng trưởng trung bình thực của GDP trong giai đoạn 2008 - 2025. Để thành phố này tiếp tục có được những thành tích như vậy, chúng ta cần lưu tâm đến những thách thức do tốc độ đô thị hóa nhanh tạo nên, đặc biệt là những thách thức liên quan đến bảo tồn di sản văn hóa Hà Nội.

Ngay sau phần nghi lễ, các tham luận quan trọng lần lượt được báo cáo trong Hội thảo: "Phát triển bền vững Thủ đô Hà Nội trên nền tảng 1000 năm văn hiến, anh hùng” - GS.TS Phùng Hữu Phú (Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương); “Thăng Long - Hà Nội; Truyền thống anh hùng và khát vọng hòa bình” - GS.NGND Phan Huy Lê (Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam); “Thành Thăng Long - Hà Nội: Giá trị toàn cầu, niềm tự hào và trách nhiệm quốc gia” - GS.TS William Logan (Đại học Deakin, Melbourne, Australia); "Phát triển bền vững đô thị Hà Nội trên nền tảng truyền thống đại học Việt Nam" - GS.TS Mai Trọng Nhuận (Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội); "Phát triển của Thăng Long - Hà Nội từ cách tiếp cận sinh thái - nhân văn" - GS.TSKH Trương Quang Học, PGS.TS Phan Phương Thảo (Đại học Quốc gia Hà Nội).

Các tham luận tổng kết những kết quả nghiên cứu từ nhiều năm của các nhà khoa học hàng đầu Việt Nam và nước ngoài về thủ đô Hà Nội trên nhiều lĩnh vực khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nhân văn.

158 tham luận tại Hội thảo đã tập trung vào 4 nhóm vấn đề chính: Lịch sử - chính trị; Những vấn đề văn hoá; Kinh tế - xã hội; Điều kiện tự nhiên, tài nguyên, môi trường, xây dựng và quản lý đô thị.

Tại hội thảo, các đại biểu sẽ tập trung thảo luận, trao đổi để làm sáng tỏ giá trị, truyền thống tốt đẹp được kết tinh trong lịch sử phát triển 1000 năm qua của thủ đô Hà Nội. Đó là các giá trị truyền thống văn hiến, anh hùng vì hoà bình, đặc biệt phát huy những giá trị truyền thống trong thời đại Hồ Chí Minh. Các đại biểu sẽ tập trung phân tích thuận lợi, nguồn lực, cơ hội phát triển của thủ đô Hà Nội trong thời kỳ đẩy mạnh CNH - HĐH đất nước và hội nhập quốc tế, trong bối cảnh của biến đổi toàn cầu, đặc biệt là dưới tác động của đô thị hóa và biến đổi khí hậu. Việc xây dựng chiến lược phát triển bền vững của Thủ đô và hoạch định các chính sách quy hoạch, quản lý và phát triển cụ thể càng cần thiết phải nghiên cứu làm rõ những thế mạnh, giá trị và tiềm năng của các tài nguyên, những vấn đề môi trường sinh thái v.v... đồng thời chỉ rõ những khó khăn, thách thức mà Hà Nội cần vượt qua trong lộ trình phát triển. Các tham luận cũng sẽ trao đổi làm rõ các mối quan hệ xã hội, xu hướng hình thành và phát triển của các nhóm xã hội cơ bản, các vấn đề xã hội đã và đang nảy sinh, những vấn đề mà xã hội đang rất quan tâm hiện nay như giảm nghèo và trợ giúp các đối tượng yếu thế, bán hàng rong, v.v… Trên cơ sở đó, hướng tới đề xuất những giải pháp trước mắt và lâu dài nhằm phát huy các thế mạnh, và khắc phục những tệ nạn và bức xúc xã hội của Thủ đô hiện nay.

Qua hội thảo này, các nhà lãnh đạo sẽ thu nhận được những thông tin, giải pháp quý báu trong việc thực hiện xây dựng chiến lược, chính sách quản lý và phát triển bền vững thủ đô Hà Nội.

Đây là Hội thảo khoa học quốc tế duy nhất, vừa mang tính chất của một sự kiện khoa học, vừa là một hoạt động nằm trong Chương trình đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Do đó có ý nghĩa chính trị, ý nghĩa văn hóa quan trọng góp phần đánh giá, tôn vinh, phát huy những giá trị văn hóa và những truyền thống tốt đẹp của thủ đô Hà Nội nói riêng và của dân tộc Việt Nam nói chung.


Tin: Xuân Lê - Ảnh: Mạnh Tuấn