Khoa Kế toán Kiểm toán (Vi)
 
Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN Công bố Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2019

Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam năm 2019 với chủ đề Việt Nam trước ngưỡng cửa nền kinh tế số
Sáng nay 29/5, tại Hà Nội, Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội (UEB - VNU) đã tổ chức Hội thảo công bố Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2019. Hội thảo có sự phối hợp và tài trợ của Viện Friedrich Naumann Foundation (FNF) Việt Nam.


Tham dự Hội thảo có ông Lê Bộ Lĩnh - Phó Tổng thư ký Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội; các nhà khoa học, học giả trong và ngoài nước; lãnh đạo một số ban ngành trung ương; đại diện nhiều doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế; về phía Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN có PGS.TS Nguyễn Trúc Lê - Hiệu trưởng; PGS.TS Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, chủ trì báo cáo cùng lãnh đạo các đơn vị trực thuộc và đông đảo giảng viên, nghiên cứu viên của trường.
 
 Hội thảo thu hút sự quan tâm của đông đảo giới chuyên môn, quản lý, lãnh đạo các doanh nghiệp

Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Trúc Lê nói: Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam là một sản phẩm tự hào của Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN do Viện Nghiên cứu Kinh tế Chính sách thực hiện, suốt 11 năm qua đều được xuất bản và nhận được sự đánh giá cao của giới chuyên môn, nhà quản lý. Báo cáo năm nay với chủ đề Việt Nam trước ngưỡng cửa nền kinh tế số là kết quả  nghiên cứu miệt mài của nhóm tác giả tâm huyết với sự hỗ trợ của hội đồng tư vấn, phản biện gồm các nhà kinh tế giàu kinh nghiệm. Với tư cách là đơn vị chủ trì, thay mặt cho trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN, tôi xin bày tỏ niềm trân trọng với các nhà khoa học, đối tác đã đồng hành cùng chương trình nghiên cứu này suốt 11 năm qua.

Hiệu trưởng Trường ĐHKT, ĐHQGHN - PGS.TS Nguyễn Trúc Lê phát biểu tại Hội nghị

Tiếp nối thành công của những năm trước, báo cáo kinh tế thường niên năm 2019 tập trung vào chủ đề Việt Nam trước ngưỡng cửa nền kinh tế số. Xu hướng số hóa nền kinh tế và các hoạt động xã hội là nền tảng cho phép cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 bùng nổ đang diễn tiến sâu sắc ở các nước đang phát triển. Điều này đặt ra những thách thức mới trước khả năng phá vỡ cấu trúc ngành và thị trường, cùng sự chuyển đổi của toàn bộ hệ thống sản xuất, quản lý và quản trị toàn cầu. Việt Nam không thể nằm ngoài xu thế đó, nhưng sự chuẩn bị còn thiếu đầy đủ. Báo cáo năm nay, bên cạnh việc phân tích , đánh giá kinh tế thế giới và Việt Nam, còn đi sâu đánh giá nhận định tương lai cho nền kinh tế số Việt Nam, từ đó chỉ ra cơ hội thách thức đối với các doanh nghiệp và xã hội Việt Nam trước bối cảnh mới.

 

 PGS.TS Nguyễn Đức Thành trình bày Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam năm 2019 

Tiếp sau phần khai mạc, PGS.TS Nguyễn Đức Thành đã thay mặt nhóm tác giả trình bày Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam năm 2019. Trong đó, ông đặc biệt nhấn mạnh vào 2 kịch bản kinh tế Việt Nam năm 2019 trong bối cảnh cách mạng công nghệ 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung chưa có hồi kết.
Kịch bản thứ nhất là GDP tăng trưởng 6,56%, tăng trưởng khu vực nhà nước là 4,51%, ngoài nhà nước là 6,31%; khu vực FDI là 12,34%. Theo ngành, nông lâm ngư tăng 3,68%, công nghiệp xây dựng tăng 8,78%, dịch vụ tăng 7,34%. Lạm phát cả năm 4,21%.

Kịch bản thứ hai là tăng trưởng GDP 6,81%, tăng trưởng khu vực nhà nước là 5,23%, ngoài nhà nước là 6,07%, khu vực FDI là 12,52%. Theo ngành, nông lâm ngư tăng 3,94%, công nghiệp xây dựng tăng 9,02%, dịch vụ tăng 7,565. Lạm phát cả năm 4,79%.

Theo PGS.TS. Nguyễn Đức Thành, kịch bản thứ nhất có thể xảy ra khi các điều kiện kinh tế thế giới kém thuận lợi do tác động từ sự gia tăng căng thẳng chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đem đến những sức ép mới khiến Việt Nam đứng trước nguy cơ nhập siêu trầm trọng hơn từ thị trường Trung Quốc, gia tăng cạnh tranh trên thị trường nội địa khi cả Mỹ và Trung Quốc có thể đẩy mạnh xuất khẩu sang Việt Nam.

Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2019 bao gồm 6 Chương và 2 Phụ lục.

Chương 1, “Tổng quan Kinh tế thế giới 2018” tóm lược bức tranh kinh tế trên toàn cầu trong năm 2018.

Chương 2, “Tổng quan Kinh tế Việt Nam 2018” cung cấp một cái nhìn và đánh giá toàn cảnh về kinh tế Việt Nam trong năm 2018. Bất chấp sự phục hồi không đồng đều và nhiều biến động bất thường của kinh tế thế giới, Việt Nam tiếp tục hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội mà Quốc hội đề ra trong năm 2018. ra sự bất bình đẳng trong môi trường kinh doanh với khu vực trong nước.

Chương 3, “Tương lai Nền Kinh tế Số của Việt Nam”, đã làm nổi bật những xu thế chủ đạo đối với tương lai nền kinh tế số của Việt Nam và tạo ra 4 kịch bản có thể cho tương lai nền kinh tế số của Việt Nam vào năm 2045.

Chương 4, “Sự tham gia của Việt Nam vào chuỗi giá trị toàn cầu trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4”, khai thác hai khía cạnh đe dọa nghiêm trọng tới sự tăng trưởng kinh tế bền vững dựa vào xuất khẩu của nền kinh tế Việt Nam: thứ nhất, nút thắt nội sinh của trong mô hình tăng trưởng dựa vào xuất khẩu; và thứ hai là cách thức Việt Nam tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.

Chương 5, “Ứng dụng dữ liệu lớn trong thống kê kinh tế vĩ mô: trường hợp thu thập giá cả trực tuyến để ứng báo lạm phát”,cung cấpmột cái nhìn tổng quan về tiềm năng của việc sử dụng dữ liệu được quét trên web để thống kê giá tiêu dùng.

Chương 6, “Viễn cảnh kinh tế Việt Nam 2019 và hàm ý chính sách”, trên cơ sở phân tích về các xu hướng diễn biến chính của kinh tế thế giới cùng những đánh giá rủi ro và thuận lợi trên thị trường quốc tế cũng như trong nước, có thể nhận định phạm vi và mức độ của các rủi ro vĩ mô cho nền kinh tế Việt Nam trong năm 2019.

Đoàn chủ tọa hội thảo

Về tầm nhìn chính sách trong dài hạn, các tác giả khẳng định vai trò thiết yếu của hệ thống luật pháp (với luật sở hữu trí tuệ đóng vai trò đột phá) và cải cách giáo dục (với trọng tâm là giải độc quyền chương trình và sách giáo khoa) cho Việt Nam trong tương lai.

Để kiềm chế lạm phát, Nhóm tác giả cho rằng các cơ quan điều hành sẽ cần phải tiếp tục theo sát diễn biến giá cả trong những tháng còn lại của năm. NHNN cần thận trọng với việc điều tiết cung tiền, lãi suất và tín dụng trong thời gian tới nếu muốn duy trì mức lạm phát không vượt khỏi mức mục tiêu.

 


 
Các học giả đặt câu hỏi cho nhóm tác giả với mong muốn hoàn thiện hơn nữa báo cáo trong 2 tháng tới
Ông Lê Bộ Lĩnh - Phó Tổng thư ký Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội trao đổi với các diễn giả tại hội thảo
 
 PGS.TS Nguyễn Việt Khôi, Phó Chủ nhiệm Khoa Kinh tế và Kinh doanh Quốc tế, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN thay mặt nhóm tác giả trả lời đại biểu tham dự hội thảo
Báo cáo khuyến nghị rằng trong ngắn hạn, Chính phủ cần tiếp tục kiểm soát chặt chi thường xuyên, minh bạch và tránh lãng phí trong sử dụng vốn đầu tư công. Đối với lĩnh vực phân bổ ngân sách nhà nước, các văn bản pháp luật cần được xây dựng theo hướng đánh giá kết quả đầu ra và hiệu quả cuối cùng của chi tiêu công chứ không chỉ tập trung chủ yếu vào việc kiểm soát đầu vào và kiểm soát quy trình, thủ tục.
 
Phóng viên các hãng thông tấn báo chí phỏng vấn PGS.TS Nguyễn Đức Thành - Chủ trì Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam
Năm nay là năm thứ 11 Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN công bố Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam. Trong ảnh là bìa các ấn phẩm báo cáo do Trường công bố
 _____________
THÔNG TIN LIÊN QUAN:
- Chuỗi hoạt động công bố báo cáo kinh tế thường niên Việt Nam của ĐHKT: xem tại đây

Văn Công - Lưu Nguyễn Cùng các CTV