Khoa Kế toán Kiểm toán (Vi)
 
Hội thảo Kinh tế thế giới và Việt Nam năm 2016, triển vọng năm 2017 và một số gợi ý chính sách cho Việt Nam

Ngày 17/3/2017, Trường ĐHKT - ĐHQGHN đã tổ chức Hội thảo “Kinh tế thế giới và Việt Nam năm 2016, triển vọng năm 2017 và một số gợi ý chính sách cho Việt Nam”.


Hội thảo nằm trong khuôn khổ đề tài cấp cơ sở năm 2016, được Nhà trường triển khai theo mô hình mới là đặt hàng đối với chủ nhiệm đề tài, nhằm mục đích xây dựng một số chiến lược trong năm 2016, 2017 của trường.

Tham dự hội thảo có TS. Nguyễn Đức Thành - Viện Trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, TS. Nguyễn Quốc Việt - Chủ nhiệm Khoa Kinh tế Phát triển, PGS.TS Nguyễn Việt Khôi - Phó Chủ nhiệm Khoa kinh tế và Kinh doanh quốc tế.

Hội thảo đã nghe 2 báo cáo của các nhóm nghiên cứu, đề cập đến các vấn đề kinh tế thế giới và Việt Nam trong năm 2016, từ đó gợi mở một số chính sách cho Việt Nam trong năm 2017.

TS. Nguyễn Cẩm Nhung - Giảng viên Khoa Kinh tế và Kinh doanh Quốc tế đại diện nhóm nghiên cứu trình bày báo cáo: “Đánh giá tác động của kinh tế thế giới năm 2016 và quý I/2017 tới nền kinh tế Việt Nam”. Nội dung báo cáo đề cập trong thời gian qua, kinh tế thế giới đã tác động mạnh mẽ tới nền kinh tế Việt Nam trên rất nhiều lĩnh vực. Trong bối cảnh thương mại toàn cầu liên tiếp sụt giảm trong 6 tháng vừa qua, thương mại Việt Nam cũng bị ảnh hưởng mạnh. Hoạt động xuất khẩu nói riêng và nền kinh tế nói chung của Việt Nam vẫn phụ thuộc nhiều vào khu vực FDI. Trong bối cảnh TPP rơi vào bế tắc, Việt Nam sẽ gặp khó khăn hơn trước trong việc thu hút vốn FDI trong thời gian tới. Trên cơ sở đó, nhóm nghiên cứu đề xuất cần đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu, cải thiện môi trường kinh doanh, tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp, khuyến khích khởi nghiệp…

PGS.TS. Phí Mạnh Hồng đã có bài báo cáo về: “Tình hình kinh tế Việt Nam 2016, triển vọng trong 2017”. Theo báo cáo, kinh tế Việt Nam trong năm 2016 lạm phát vẫn còn cao, tăng trưởng chững lại, gắn liền với những bất cập về cấu trúc kinh tế và mô hình tăng trưởng chậm đổi mới.

Hội thảo được đánh giá tuy có quy mô không lớn nhưng có chất lượng cao. Kết quả nghiên cứu sẽ là tiền đề để đề xuất một số chính sách nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2017.


Nguyệt Nương - Lương Thu