Khoa Kế toán Kiểm toán (Vi)
 
Chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo chiều sâu nhằm nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế giai đoạn 2016-2020

TS. Nguyễn Quốc Việt thay mặt nhóm nghiên cứu trình bày tại hội thảo
Là chủ đề hội thảo khoa học do Khoa Kinh tế Phát triển, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN tổ chức chiều ngày 14/4/2016 trong khuôn khổ đề tài hợp tác nghiên cứu giữa Trường Đại học Kinh tế và Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV). Đề tài do TS. Nguyễn Quốc Việt - Chủ nhiệm Khoa Kinh tế Phát triển làm Chủ nhiệm.


Hội thảo được tổ chức nhằm công bố kết quả nghiên cứu của đề tài, đồng thời lấy ý kiến của các nhà khoa học trong và ngoài trường, từ đó hoàn thiện báo cáo cuối cùng gửi BIDV.
Phản biện trong hội thảo gồm có TS. Lê Xuân Sang - Viện phó Viện Kinh tế Việt Nam và PGS.TS. Lê Danh Tốn (Khoa Kinh tế Chính trị, Trường Đại học Kinh tế). Đại diện Trung tâm Nghiên cứu BIDV có bà Vũ Thị Khánh Hiền - Phó Trưởng phòng Nhóm Kinh tế vĩ mô. Đại diện Trường Đại học Kinh tế, TS. Lê Trung Thành - Trưởng phòng Nghiên cứu Khoa học và Hợp tác Phát triển đã tham dự và phát biểu khai mạc hội thảo.

Hội thảo cũng thu hút được nhiều nhà khoa học như TS. Lưu Bích Hồ, TS. Nguyễn Văn Lịch, TS. Đỗ Đức Định,… cán bộ các viện, trung tâm, giảng viên trong và ngoài trường cùng sinh viên của Trường Đại học Kinh tế.

Tại hội thảo, TS. Nguyễn Quốc Việt đã thay mặt nhóm nghiên cứu báo cáo vắn tắt các nội dung chính, các kết quả chủ yếu của đề tài, đồng thời đưa ra một số khuyến nghị chính sách.

Dựa trên việc phân tích, so sánh các mô hình tăng trưởng, đồng thời chỉ ra những bất cập, những điểm hạn chế của mô hình tăng trưởng theo chiều rộng, với mục đích hướng tới tăng trưởng và phát triển bền vững, đề tài đã chỉ ra tính cấp thiết của việc cần phải chuyển đổi nền kinh tế sang mô hình tăng trưởng theo chiều sâu.

Minh họa về mặt thực nghiệm cho sự cần thiết này, đề tài đã cố gắng phác họa toàn cảnh bức tranh tăng trưởng kinh tế Việt Nam kể từ năm 1986 đến nay không chỉ từ góc nhìn của phía “cung” mà còn dưới góc nhìn của phía “cầu”; đồng thời đánh giá năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam; quá trình tái cơ cấu nền kinh tế và thực hiện 3 đột phá chiến lược; chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế Việt Nam.

Căn cứ vào mối liên kết, tác động lan tỏa, mức độ kích ứng nhập khẩu và năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế, đề tài đã đề xuất đầu tư trọng điểm vào 2 ngành là công nghiệp điện tử và dệt may trong giai đoạn tới.

Đề tài cũng đưa ra một số kinh nghiệm quốc tế về lựa chọn mô hình tăng trưởng tại các nước như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, từ đó rút ra bài học cho Việt Nam về cách thức chuyển đổi mô hình tăng trưởng.

Các nhà khoa học trao đổi, góp ý cho các kết quả của đề tài nghiên cứu
Ngoài ra, nhằm nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh, đề tài nhấn mạnh vào sự thay đổi của (i) môi trường kinh doanh, (ii) hệ thống quản trị (nhà nước), và (iii) quản lý của doanh nghiệp. Ngoài các khuyến nghị chính sách ở tầm vĩ mô, đề tài còn đưa ra các khuyến nghị cụ thể cho 2 ngành đề xuất đầu tư trọng điểm trong giai đoạn tới là công nghiệp điện tử và dệt may.

Hội thảo đã nhận được nhiều ý kiến góp ý của các nhà khoa học có uy tín. Với tinh thần trao đổi tích cực, hiệu quả, cầu thị và lắng nghe, TS. Nguyễn Quốc Việt thay mặt nhóm nghiên cứu cảm ơn các nhà khoa học đã có những góp ý xác đáng cho đề tài, giúp buổi hội thảo thành công tốt đẹp.

Tin: Thanh Hằng (Khoa KTPT) - Ảnh: Đỗ Đỗ