Khoa Kế toán Kiểm toán (Vi)
 
Hội nghị Định hướng nghiên cứu khoa học đến 2020 Khoa KTPT

Ngày 27/7/2015, tại thành phố Hạ Long - Quảng Ninh, Khoa Kinh tế Phát triển (KTPT), Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN đã tổ chức hội nghị Định hướng nghiên cứu khoa học đến 2020 của Khoa.


Hội nghị có sự tham dự của PGS.TS. Nguyễn Hồng Sơn - Hiệu trưởng nhà trường; đại diện lãnh đạo một số phòng ban và toàn thể cán bộ, giảng viên Khoa Kinh tế Phát triển.
Phát biểu khai mạc hội nghị, TS. Nguyễn Quốc Việt - Chủ nhiệm Khoa KTPT cho biết, trong năm học vừa qua, Khoa đã đạt được nhiều thành công trong các mảng hoạt động, đặc biệt mảng có nhiều thế mạnh là nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên để xác định được vị thế và phát huy được năng lực nghiên cứu của nhóm cũng như từng cá nhân giảng viên trong Khoa, cần có những thảo luận để nhìn nhận lại những thành quả nghiên cứu trong những năm vừa qua, từ đó đưa ra những định hướng nghiên cứu lớn với những mục tiêu và giải pháp cụ thể trong 5 năm tới.


PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn - Hiệu trưởng nhà trường (bên trái) và TS. Nguyễn Quốc Việt chủ trì hội nghị


TS. Nguyễn Viết Thành, Phó chủ nhiệm Khoa KTPT đã mở đầu hội nghị với tham luận về “Định hướng nghiên cứu khoa học của Khoa KTPT đến năm 2020”. Tham luận chỉ rõ cơ cấu tổ chức hoạt động nghiên cứu khoa học hiện tại của Khoa KTPT với 3 bộ môn và 2 hướng nghiên cứu chính. Kết quả thống kê nghiên cứu khoa học giai đoạn 2010-2015 cho thấy số lượng và chất lượng của các công bố trong nước và quốc tế ngày càng tăng lên, đặc biệt là trong năm học 2014-2015. Có thể thấy rằng, với đội ngũ giảng viên có trình độ chuyên môn và nền tảng tốt, một số giảng viên có kinh nghiệm lâu năm, có mối quan hệ rộng và vững chắc với các đối tác trong và ngoài nước… cùng với sự quan tâm hỗ trợ của Nhà trường, bước đầu Khoa đã có được lực lượng nghiên cứu mạnh.

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi đó thì vấn đề nghiên cứu khoa học của Khoa vẫn còn gặp nhiều khó khăn như: một số giảng viên trẻ chưa có nhiều kinh nghiệm, thiếu định hướng nghiên cứu và mục tiêu rõ ràng, hướng nghiên cứu của giảng viên trong Khoa còn phân tán, Khoa chưa có chương trình đào tạo sau đại học… Mặt khác, nguồn lực đầu tư cho nghiên cứu khoa học hiện tại còn nhiều hạn chế trong khi những chủ đề nghiên cứu của Khoa khó thu hút được tài trợ từ doanh nghiệp và địa phương.
Từ những phân tích trên, TS. Nguyễn Viết Thành cũng đã đưa ra một số mục tiêu nghiên cứu khoa học đến 2020 và một số định hướng nghiên cứu khoa học của Khoa như: (1) Chính sách công và phát triển; (2) Nhóm lợi ích và lựa chọn công; (3) Tăng trưởng và phát triển kinh tế trong bối cảnh toàn cầu hóa và kinh tế tri thức; (4) Chính sách giá của các nguồn năng lượng sạch; (5) Các mô hình tích hợp…
Tiếp đó, Trưởng nhóm nghiên cứu “Tập mờ và các mô hình nghiên cứu định lượng” - TS. Lưu Quốc Đạt đã trình bày những kết quả đạt được của nhóm và kế hoạch ngắn hạn năm học 2014-2015. Tính đến nay sau một năm triển khai, nhóm nghiên cứu đã có những kết quả bước đầu khá khả quan với việc cung cấp được các mô hình ra quyết định tối ưu trên cơ sở đặt hàng của các doanh nghiệp; đào tạo hàng tuần cho sinh viên về lý thuyết tập mờ và các mô hình ra quyết định đa tiêu chuẩn; báo cáo về mô hình này tại các hội thảo trong và ngoài nước. Đặc biệt, về mặt công bố, nhóm đã có 2 bài quốc tế trong danh mục SCI/ISI, 1 chương sách quốc tế, 2 bài báo trong nước và 4 nhóm sinh viên đang cùng tham gia. Những thành công bước đầu đã cho thấy việc triển khai mô hình nhóm nghiên cứu trong Khoa, Trường là có hiệu quả và cần được phát huy.



Các giảng viên trao đổi về định hướng nghiên cứu của Khoa KTPT


Hai tham luận đã nhận được rất nhiều góp ý của các thành viên tham dự. PGS.TS Phí Mạnh Hồng cho rằng các định hướng nghiên cứu đặt ra cần phải gắn với chức năng, nhiệm vụ và hướng đào tạo của Khoa. Trong đó, kinh tế tri thức là hướng nghiên cứu tiềm năng có thể tập trung nghiên cứu, có thể đăng ký thành một nhóm nghiên cứu khi có đủ điều kiện. Định hướng nhóm nghiên cứu nên lâu dài vì thế nội lực của Khoa là rất quan trọng để có thể dẫn dắt nhóm nghiên cứu; và vấn đề đặt ra chính là bổ sung nguồn nhân lực, những người thực sự có tiềm năng trong hoạt động nghiên cứu.

Liên quan đến các mục tiêu nghiên cứu và hướng nghiên cứu, TS. Lê Trung Thành, Trưởng phòng NCKH&HTPT cho rằng những nội dung này cần được xác định rõ ràng hơn. Nên chăng xây dựng các nhóm nghiên cứu mềm, ví dụ kết hợp với nhóm nghiên cứu vĩ mô, nhóm nghiên cứu hội nhập kinh tế quốc tế, năng suất chất lượng… Kết nối xâu chuỗi để tập trung nguồn lực, chuỗi công bố theo từng chủ đề trong vòng 5 năm và từng năm. Bên cạnh đó, Khoa cần nỗ lực hơn trong việc thu hút thêm các tài trợ để đảm bảo nguồn lực cho nghiên cứu.
Các giảng viên khác cũng đã có những góp ý cụ thể xoay quanh việc xây dựng vấn đề nghiên cứu lớn cho Khoa, mục tiêu cần đạt được và những giải pháp cụ thể.
Góp ý cho hoạt động nghiên cứu chung của Khoa KTPT, PGS.TS.Nguyễn Hồng Sơn nêu rõ, để làm nghiên cứu cần có nguồn lực và người hỗ trợ nghiên cứu. Ngoài ra để có nghiên cứu mạnh cần có định hướng nghiên cứu, đặc thù nghiên cứu và cách thức tổ chức nghiên cứu khoa học rõ ràng. Khoa cũng cần bám sát vào nghiên cứu theo định hướng: nghiên cứu gắn với đào tạo, gắn với thực tiễn và gắn với quốc tế. Hiện tại, mũi nhọn nghiên cứu của Khoa nên tập trung vào (1) Kinh tế ngành: Kinh tế biển, Nông nghiệp và thủy sản; (2) Phát triển bền vững: Kinh tế môi trường, Biến đổi khí hậu; (3) Phát triển khu vực công: Chính sách công và phát triển bền vững, thể chế.
Tổng kết hội nghị, TS. Nguyễn Quốc Việt đã cảm ơn lãnh đạo nhà trường, các cán bộ, giảng viên đã tới tham dự hội nghị của Khoa. Chủ nhiệm Khoa KTPT hy vọng trong thời gian tới sẽ tiếp tục nhận được sự đóng góp tích cực từ phía các giảng viên trong Khoa, và sự hỗ trợ từ lãnh đạo Nhà trường, các phòng ban chức năng để Khoa KTPT có thể triển khai thành công và phát triển các hướng nghiên cứu, góp phần xây dựng Khoa ngày càng lớn mạnh.
 

Hoa Hạnh (Khoa KTPT)