Khoa Kế toán Kiểm toán (Vi)
 
Giải pháp ứng phó BĐKH đối với thủy sản miền Bắc

Trong khuôn khổ Đề tài “Lượng giá kinh tế do biến đổi khí hậu đối với thủy sản miền Bắc và đề xuất giải pháp giảm thiểu thiệt hại do biến đổi khí hậu" (BĐKH-25) thuộc Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp Nhà nước, do Trường ĐHKT - ĐHQGHN chủ trì, sáng ngày 10/3/2015, Trường ĐHKT đã tổ chức hội thảo “Đề xuất giải pháp ứng phó BĐKH đối với thủy sản miền Bắc”.


Hội thảo do PGS.TS. Nguyễn Ngọc Thanh - Nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế (ĐHKT), Hiệu trưởng Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường, chủ trì, nhằm báo cáo những kết quả đã đạt được và tham khảo các ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà nghiên cứu, giảng viên cho việc hoàn thiện đề tài.

Tham dự hội thảo có đại diện Viện Kinh tế và Quy hoạch Thủy sản, lãnh đạo các sở, ban, ngành các địa phương chịu ảnh hưởng trực tiếp của biến đổi khí hậu (BĐKH), các chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu, đối tác chiến lược của Đề tài BĐKH-25 và Trường  ĐHKT. Về phía nhà trường có lãnh đạo các đơn vị cùng cán bộ, giảng viên và sinh viên tham gia hội thảo.


TS. Nguyễn Viết Thành trình bày tóm tắt kết quả nghiên cứu của đề tài

Mở đầu hội thảo, TS. Nguyễn Viết Thành trình bày tóm tắt kết quả đạt được của đề tài. Nghiên cứu đã chỉ ra và lượng hóa những tổn thương do BĐKH gây ra đối với nuôi trồng (NT) và khai thác (KT) thủy sản miền Bắc. Các số liệu điều tra tại 10 tỉnh cũng cho thấy thiệt hại về KT lớn hơn nhiều giá trị thiệt hại NT. Thiệt hại của ngành thủy sản cũng cao hơn các ngành khác.

Trên cơ sở những phân tích, đánh giá về thiệt hại đã nêu, trong phần tiếp theo của hội thảo, TS. Đỗ Tiến Anh đã trình bày những giải phảp nhằm ứng phó và giảm thiệt hại của BĐKH đối với thủy sản miền Bắc. Các giải pháp được đưa ra, bao gồm: Giải pháp về kỹ thuật như đầu tư, nâng cấp cơ sở tránh bão, trạm quan trắc, xây dựng kịch bản chủ động ứng phó với thiên tai, gia cố, tăng chiều cao hồ nuôi tôm, cá; giải pháp về chính sách như lập kế hoạch thích ứng liên ngành, gia tăng giá trị sản phẩm xuất khẩu, xây dựng chiến lược cho từng vùng, nâng cao nguồn nhân lực…



Ông Phạm Anh Chiến - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Nam Định phát biểu tại hội thảo

Thảo luận về những báo cáo của đề tài, các vị khách mời là đại diện lãnh đạo các sở ban ngành phụ trách trực tiếp lĩnh vực thủy sản của các địa phương chịu nhiều ảnh hưởng của BĐKH như Nam Định, Hải Phòng, Thanh Hóa, Quảng Trị đã đóng góp những số liệu, bối cảnh và ảnh hưởng thực tế của BĐKH tại từng địa phương cũng như những giải pháp đã được địa phương áp dụng nhằm hạn chế ảnh hưởng của BĐKH. Ngoài ra, đề tài cũng nhận được những ý kiến đóng góp quý báu của các chuyên gia, giảng viên, các nhà nghiên cứu nhằm hoàn thiện và nâng cao chất lượng đề tài.

Kết thúc buổi hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Ngọc Thanh gửi lời cảm ơn đến các đối tác, các đại biểu đã tham gia đóng góp xây dựng để hoàn thiện đề tài, đồng thời bày tỏ mong muốn sẽ tiếp tục nhận được sự cộng tác tích cực của các chuyên gia, các nhà nghiên cứu trong tương lai.


Thanh Tú