Khoa Kế toán Kiểm toán (Vi)
 
Hội thảo “Thúc đẩy tăng trưởng bao hàm ở Việt Nam: Những hàm ý từ cách tiếp cận chẩn đoán tăng trưởng”

Sáng ngày 28/08/2014, Trung Tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), Trường ĐHKT - ĐHQGHN tổ chức Hội thảo về chủ đề “Thúc đẩy tăng trưởng bao hàm ở Việt Nam: Những hàm ý từ cách tiếp cận chẩn đoán tăng trưởng”.


Hội thảo nằm trong khuôn khổ đề tài nghiên cứu “Xây dựng hệ thống chẩn đoán tăng trưởng mang tính bao hàm: Phát triển cách tiếp cận mới nhằm xác định các ưu tiên quốc gia góp phần củng cố luận cứ khoa học cho các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 5 năm của Việt Nam” do Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ quốc gia (NAFOSTED) tài trợ. Hội thảo được tổ chức nhằm công bố một số kết quả để các học giả, các nhà nghiên cứu trao đổi các kết quả nghiên cứu, quan điểm và nhận định về những vấn đề của kinh tế Việt Nam đóng góp thêm ý tưởng cho chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và góp phần phục vụ công tác tổng kết 30 năm đổi mới và chuẩn bị cho Nghị quyết Đại hội XII sắp tới.  

Tham dự Hội thảo có sự góp mặt của nhiều nhà nghiên cứu và chuyên gia đến từ Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam; Viện Chiến lược Phát triển, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Vụ Kinh tế tổng hợp, Vụ Hợp tác Kinh tế đa phương (Bộ Ngoại giao); Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp và Nông thôn, Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh… cùng nhiều giảng viên, nghiên cứu sinh và học viên cao học các viện nghiên cứu và trường đại học tại Hà Nội.

Mở đầu buổi hội thảo là bài phát biểu khai mạc của TS. Nguyễn Đức Thành - Giám đốc VEPR về khuôn khổ đề tài nghiên cứu. Tiếp đó, TS. Nguyễn Đức Thành trình bày tham luận với chủ đề “Chẩn đoán tăng trưởng kinh tế Việt Nam: Những rào cản cho giai đoạn 2015 - 2020”. Bài trình bày của TS. Nguyễn Đức Thành giới thiệu về khung phân tích chẩn đoán tăng trưởng, vốn đã được áp dụng rộng rãi trên thế giới, nhưng lại chưa hề được biết đến nhiều tại Việt Nam. Cùng với đó, TS. Nguyễn Đức Thành điểm qua một số điểm chính về tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, với những vấn đề chính như tốc độ đang suy giảm, năng suất ít được cải thiện, tăng trưởng theo chiều rộng và thiếu tính bền vững, cũng như vấn đề về bẫy thu nhập trung bình, và đặt ra câu hỏi liệu những vấn đề trên có phải là những ràng buộc cho tăng trưởng hay không? Trên cơ sở đó, TS. Nguyễn Đức Thành đi vào phân tích những vấn đề trên dựa trên những dữ liệu vĩ mô của nền kinh tế Việt Nam. Từ những dữ liệu này, TS. Nguyễn Đức Thành đưa ra một số nhận định về các ràng buộc đối với nền kinh tế Việt Nam bao gồm: (i) môi trường kinh doanh, quyền sở hữu bị xâm phạm và tình trạng tham nhũng; (ii) cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông; (iii) sự yếu kém của các trung gian tài chính; (iv) vấn đề thất bại thị trường; và (v) nguồn cung lao động. Đồng thời, TS. Nguyễn Đức Thành cũng đưa ra một số kịch bản tăng trưởng quan trọng cho giai đoạn 2016-2020 tùy thuộc vào điều kiện quốc tế và quyết tâm cải cách của Việt Nam. Những kịch bản tăng trưởng này cũng chỉ dao động trong khoảng 5-6%, cho thấy rằng Việt Nam vẫn chưa thể quay trở lại được quỹ đạo tăng trưởng như trước khi diễn ra khủng hoảng và suy thoái kinh tế.

Bài tham luận thứ hai của NCS. Phạm Minh Thái về “Tăng trưởng bao hàm ở Việt Nam: Khía cạnh thị trường lao động”. Bài tham luận này tập trung vào ba nội dung chính: (1) Thị trường lao động (2007-2013) qua một số chỉ tiêu cở bản, (2) Dịch chuyển lao động từ 2007 đến 2013 và (3) Phân tích nhân tố: thất nghiệp và làm công ăn lương. Tham luận chỉ ra rẳng trong giai đoạn 2007-2013, Việt Nam có nhiều biến động bất ổn kinh tế vĩ mô và suy giảm tăng trưởng; vì vậy, thị trường lao động có sự điều chỉnh về số lượng trước những biến động kinh tế vĩ mô và sự chững lại ở mức thấp của tỷ lệ lao động làm việc trong ngành chế biến/chế tạo trong giai đoạn 2007-2013 có thể là một dấu hiệu cho thấy sự bắt đầu quá sớm của quá trình giải công nghiệp hóa ở Việt Nam.

Trong phiên thứ hai của Hội thảo, PGS.TS. Đặng Nguyên Anh - Viện trưởng Viện Xã hội học, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt trình bày tham luận về “Bao hàm xã hội: An sinh xã hội trong phát triển ở Việt Nam”. Bên cạnh việc chia sẻ về khái niệm, chức năng, nguyên tắc và các mô hình an sinh xã hội (ASXH) trên thế giới, PGS.TS. Đặng Nguyên Anh cũng chỉ ra một số vấn đề nổi bật của thực trạng an sinh xã hội ở Việt Nam. Đặc thù của mô hình an ninh xã hội ở Việt Nam hiện nay là các hoạt động do Nhà nước bao cấp và thực hiện. Nhận thức của các cấp chính quyền địa phương và người dân về an sinh xã hội nói chung còn hạn chế. Đây không được coi là lĩnh vực ưu tiên trong chính sách và thực tiễn. Vì vậy, hệ thống ASXH nước ta vẫn còn nhiều hạn chế, diện bao phủ còn hẹp. Để giải quyết thực trạng này, PGS.TS. Đặng Nguyên Anh đã đề xuất định hướng mô hình và giải pháp ASXH nhằm tăng cường bao hàm xã hội, bao gồm: chính sách ASXH phải được đặt ngang tầm với các chính sách kinh tế và phải được chú trọng ưu tiên phát triển đồng thời với phát triển kinh tế, phù hợp với khả năng nguồn lực trong từng thời kỳ; nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong việc tổ chức thực hiện ASXH, nhưng không trực tiếp làm thay xã hội, cộng đồng; xác định thống nhất và rõ ràng tiêu chí xác định đối tượng ASXH theo một tiêu chí thống nhất (ví dụ ở Mỹ thì chỉ dựa trên thu nhập cá nhân).

Bài tham luận cuối cùng là của TS. Lê Kim Sa - Trung tâm Phân tích và Dự báo, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam “Khung khổ phân tích tăng trưởng bao hàm ở Việt Nam”. Bài tham luận đưa ra khái niệm và ba trụ cột của tăng trưởng bao hàm, khung phân tích tăng trưởng bao hàm cho Việt Nam: tiếp cận qua chuyển dịch lao động, từ giảm nghèo đến bao hàm cho Việt Nam: tiếp cận qua cấu trúc xã hội và tầng lớp dân cư. Cùng với đó, TS. Lê Kim Sa cũng đưa ra những cảm nhận của bản thân về bao hàm qua cuộc sống của công nhân và người lao động tự do.

Thảo luận tại Hội thảo, các chuyên gia cũng đều chia sẻ những quan điểm đồng thuận với các tác giả trình bày về các vấn đề đối tăng trưởng kinh tế của Việt Nam hiện nay. TS. Lưu Bích Hồ, PGS. TS. Phạm Quốc Trung hay PGS.TS. Lê Cao Đoàn đồng quan điểm cho rằng tại Việt Nam hiện nay, thuật ngữ tăng trưởng vẫn còn rất mơ hồ, phản ánh về lượng nhiều hơn về chất. Chính vì vậy, cách tiếp cận chẩn đoán tăng trưởng là rất hợp lý, tuy nhiên số liệu của Việt Nam hiện nay chưa thể đáp ứng được yêu cầu tối thiểu của khung phân tích này. Chính vì vậy những kết quả nghiên cứu có thể không thực sự phản ánh đúng những “căn bệnh” của nền kinh tế. Các chuyên gia cho rằng để có được những số liệu chính xác và thực sự có ý nghĩa, nhóm nghiên cứu sẽ cần thực hiện những cuộc khảo sát nghiêm túc trên quy mô rộng, lấy nhận xét của người dân làm nền tảng đo lường cho sự phát triển ở Việt Nam.

>>> Download tài liệu Hội thảo tại đây


VEPR