Khoa Kế toán Kiểm toán (Vi)
 
Tọa đàm về mối quan hệ giữa vị trí địa lý, quyền kiểm soát truy nhập và nắm giữ tiền mặt

Sáng 4/6/2014, Khoa Tài chính - Ngân hàng thuộc Trường ĐHKT đã tổ chức tọa đàm khoa học với đoàn chuyên gia đến từ Cộng hòa Pháp và Thụy Điển.


Thành viên chính phía nước ngoài gồm có GS. Sabri Boubaker đến từ Khoa Luật - Kinh tế - Tài chính, Trường Đại học Quản lý thuộc Hệ thống đại học ESC Troyes - CH Pháp, TS. Nguyễn Đức Khương - Trường Đại học Ipag CH Pháp và nghiên cứu sinh Gazi Salah Uddin của ĐH Linkoping Thụy Điển.

Tham dự tọa đàm còn có Ban Chủ nhiệm và cán bộ giảng viên Khoa Tài chính - Ngân hàng, Trường ĐHKT - ĐHQGHN cùng một số giảng viên đến từ Trường Đại học Kinh tế Quốc dân.

Xuất phát từ những quan sát cụ thể và mục tiêu khám phá hành vi nắm giữ tiền mặt của hai nhóm doanh nghiệp nằm ở gần và ở xa trung tâm tài chính Paris với các bán kính, vĩ độ và kinh độ khác nhau, GS. Boubaker phát hiện các doanh nghiệp nằm ngoài khu vực trung tâm tài chính Paris thường ít chịu sức ép về kiểm soát thông tin thuộc hệ thống kiểm soát truy cập, vì vậy việc nắm giữ tiền mặt trở nên phổ biến hơn các công ty nằm ở gần trung tâm tài chính. Với nghiên cứu được thiết kế bài bản chặt chẽ và sáng tạo về mặt học thuật, giáo sư Boubaker chỉ ra luận cứ cho “Mối quan hệ giữa vị trí địa lý, quyền kiểm soát truy nhập và nắm giữ tiền mặt” và khẳng định mình là người đầu tiên đánh giá ảnh hưởng của vị trí địa lý, quyền kiểm soát truy nhập của nhà quản trị đến lượng tiền mặt nắm giữ của các hãng.
Với bộ dữ liệu bảng đồ sộ về nhóm các doanh nghiệp thuộc 10 lĩnh vực ngành nghề căn bản trong địa bàn thành phố và ngoại ô Paris giai đoạn (1987 - 2013), giao diện nghiên cứu không chỉ đủ rộng cho mô hình đánh giá tác động ngẫu nhiên mà còn đủ sâu để kiểm chứng các mối quan hệ đa chiều giữa đặc trưng ngành, quy mô doanh nghiệp, lược đồ kiểm soát kim tự tháp, quyền biểu quyết gấp đôi số phiếu sở hữu, cổ tức, địa lý không gian thời gian và các chỉ số tài chính của doanh nghiệp.


GS. Sabri Boubaker trình bày nghiên cứu tại tọa đàm


Hầu hết ý kiến của các giảng viên tham dự tọa đàm đều đánh giá cao những đóng góp học thuật của công trình nghiên cứu và nhiều ý kiến cũng cho rằng để mô hình đánh giá mối quan hệ nói trên có thể ứng dụng tại châu Âu với những trung tâm tài chính lớn ở Đức, Anh và cỡ nhỏ ở Bỉ, Lúc-xăm-bua thì nghiên cứu cần đánh giá kỹ hơn bối cảnh và tính chất địa lý ở các khu vực này cũng như vấn đề nội sinh giữa các biến số cũng cần được giải quyết triệt để hơn.
Kết thúc buổi tọa đàm khoa học đầy thú vị và bổ ích, Ban Chủ nhiệm Khoa Tài chính - Ngân hàng đã đề xuất những nội dung hợp tác nghiên cứu trong tương lai với đối tượng doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam trong bối cảnh kinh tế Việt Nam và các điều kiện để có thể phát triển nghiên cứu đi xa hơn nữa tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.


Lãnh đạo Khoa TC-NH và đoàn công tác chụp ảnh lưu niệm sau tọa đàm


Tin: Phú Hà (Khoa TCNH) - Ảnh: Thùy Dung