Khoa Kế toán Kiểm toán (Vi)
 
Vận dụng nguyên tắc có tính xây dựng và liên kết trong thiết kế khung chương trình đào tạo nhằm hướng tới kiểm định quốc tế ACBSP tại Đại học Kinh tế

Với các trường đại học, việc đảm bảo chất lượng giáo dục là một nhu cầu tự thân, thông qua công tác kiểm định chất lượng, các trường đại học nhắm đến mục tiêu hoàn thiện và nâng cao chất lượng dạy-học nhằm đóng góp giá trị nhiều hơn cho giáo dục. Với mục tiêu nâng cao chất lượng, quốc tế hóa các hoạt động đào tạo, Trường Đại học kinh tế đã lựa chọn cải tiến liên tục nhằm đem lại lợi ích cao nhất cho người học. Với mục tiêu này, Trường đã lựa chọn kiểm định ACBSP để xác định các lộ trình và hướng đích cần đạt tới trong hành trình của mình. ACBSP là kiểm định quốc tế với các tiêu chuẩn sát sao về chất lượng đào tạo, chú trọng tới phát triển chương trình dựa trên chuẩn đầu ra và có nhiều yêu cầu cao về nguồn nhân lực giảng dạy đang được nhiều trường đại học trên toàn thế giới hướng tới. 

 

 

 



Sáng ngày 07 tháng 06 năm 2022, Trường Đại học Kinh tế, ĐHQG Hà Nội đã tổ chức buổi tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Appling constructive alignment principle in curriculum development” nhằm chia sẻ kinh nghiệm với các giảng viên và cán bộ trường Đại học Kinh tế xây dựng đề cương học phần trong khung chương trình đào tạo theo định hướng chuẩn đầu ra nhằm hướng tới đạt chuẩn kiểm định ACBSP. Buổi tọa đàm có sự tham gia của TS. Kate Mai đến từ Đại học La Trobe (Úc), một chuyên gia có nhiều năm kinh nghiệm của Trường Quản trị Kinh doanh Đại học La Trobe. TS. Nguyễn Thị Hồng Thúy – Chủ nhiệm khoa KTKT chủ trì buổi tọa đàm.

Với chủ đề “Appling constructive alignment principle in curriculum development”, buổi tọa đàm đã diễn ra sôi nổi, được các thành viên tham gia lắng nghe và nhiệt tình trao đổi. Với cách diễn đạt rất gần gũi, diễn giả chia sẻ cách xây dựng đề cương học phần các môn học, đặc biệt lấy minh họa từ chính các đề cương môn học của hai ngành Kế toán và Tài chính Ngân hàng trong khung chương trình đào tạo nhằm giúp người nghe tiếp cận với nội dung một cách dễ dàng. Với các đòi hỏi khắt khe về tính thống nhất trong xây dựng đề cương gồm các chuẩn đầu ra, hoạt động và nội dung và đánh giá, TS. Kate Mai đã đưa ra những gợi ý giúp các giảng viên có thể hoàn thiện được chương trình đào tạo, đề cương và lịch trình giảng dạy của mình. 

TS. Kate Mai, Đại học LaTrobe - Úc trình bày với vai trò là diễn giả chính trong buổi thảo luận

Mở đầu buổi thảo luận, TS. Kate Mai đã giới thiệu về mục tiêu xây dựng đề cương học phần theo chuẩn ACBSP với các tiêu chí vô cùng khắt khe. TS. Kate Mai còn phân tích và giải thích các tiêu chí của ACBSP khi xây dựng đề cương, kết hợp với các ví dụ cụ thể để áp dụng vào xây dựng đề cương mới cho từng học phần dựa trên đề cương sẵn có mà các thầy cô khoa KTKT đã xây dựng. 

Các giảng viên đã đặt ra nhiều câu hỏi từ thực tế xây dựng chương trình đào tạo và triển khai giảng dạy các học phần theo nguyên tắc xây dựng chặt chẽ và liên kết từ chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo đến chuẩn đầu ra môn học, phương pháp giảng dạy và đánh giá. Các giảng viên tham gia tọa đàm cũng chia sẻ những thách thức và khó khăn khi áp dụng cách tiếp cận mới trong xây dựng và vận hành chương trình đào tạo.

Cũng trong buổi thảo luận, TS. Kate Mai còn phân tích cách thức xây dựng và liên kết  từ đề cương học phần đến vận dụng các phương pháp đánh giá theo thang đo nhận thức Bloom - một công cụ nền tảng để phân loại các mục tiêu và kỹ năng khác nhau mà các nhà giáo dục đặt ra cho sinh viên của họ. Buổi tọa đàm đã được truyền tải một cách thực tiễn thông qua các ví dụ minh họa và trao đổi theo nhóm, áp dụng cách tiếp cận mới vào chính đề cương môn học mỗi thầy cô đang giảng dạy để cùng phân tích và trao đổi.   

Áp dụng thang đo nhận thức Bloom’s Taxonomy để xây dựng đề cương học phần môn học 

Tọa đàm thu hút được sự tham gia tích cực của đông đảo giảng viên Khoa Kế toán - Kiểm toán và Khoa Tài chính Ngân hàng. Các trao đổi và thảo luận xung quanh các vấn đề thực tiễn mà các giảng viên đang trăn trở. TS. Nguyễn Phú Hà, Khoa Tài chính ngân hàng cũng trao đổi với diễn giả về cách thức đánh giá tổng kết (summative assessment) và đánh giá thường xuyên (formative assessment).  

Tại tọa đàm, TS. Kate Mai đánh giá rất cao năng lực thể hiện tư duy nhạy bén và mong muốn hoàn thiện chất lượng giáo dục của các giảng viên Trường Đại học Kinh tế, ĐHQG Hà Nội. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề khúc mắc và một số nội dung còn cần được thảo luận chi tiết hơn. Do vậy, TS. Nguyễn Thị Hồng Thúy – Chủ nhiệm khoa KTKT mong muốn mở ra nhiều cơ hội, nhiều buổi thảo luận chuyên sâu để chia sẻ kinh nghiệm, nhận sự giúp đỡ hoàn thiện đề cương môn học theo chuẩn kiểm định ACBSP từ TS. Kate Mai.

Tọa đàm đã đem đến cho các giảng viên Trường Đại học Kinh tế, đặc biệt các giảng viên Khoa Kế toán Kiểm toán và Khoa Tài chính Ngân hàng nhiều kiến thức và kinh nghiệm quý báu.  


Lại Thị Minh Trang - Khoa KTKT