Khoa Kế toán Kiểm toán (Vi)
 
Chia sẻ việc áp dụng IFRS vào thực tế cho học viên cao học, Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội

Vào sáng ngày 28/05/2022, tại giảng đường Việt Úc của Trường Đại học Kinh tế, đã được chào đón sự có mặt của Diễn giả, Hội viên hội Kế toán kiểm toán công chứng Anh Quốc (ACCA), cô giáo: Nguyễn Cẩm Chi.



Buổi chia sẻ diễn ra với chủ đề “Áp dụng Chuẩn mực kế toán quốc tế (IFRS) vào thực tế”. Buổi chia sẻ nằm trong khuôn khổ lớp học môn Kế toán Quốc tế của Khoa Kế toán - Kiểm toán, Trường Đại học Kinh tế với nội dung chính là Quyết định số 345/QĐ-BTC phê duyệt Đề án áp dụng Chuẩn mực Báo cáo Tài chính Quốc tế (IFRS) tại Việt Nam (ngày 16/3/2020) và Khác biệt trong ghi nhận tài sản cố định theo VAS với IFRS.

 

Tại buổi trao đổi, Diễn giả Nguyễn Cẩm Chi đã chia sẻ với các học viên về mục tiêu của Đề án áp dụng Chuẩn mực Báo cáo Tài chính Quốc tế (IFRS) là nhằm xây dựng phương án, lộ trình và công bố hỗ trợ áp dụng IFRS tại Việt Nam cho các doanh nghiệp cụ thể để phù hợp với thông lệ quốc tế nhằm mục đích nâng cao tính minh bạch, trung thực của báo cáo tài chính, nâng cao trách nhiệm giải trình của doanh nghiệp đối với người sử dụng báo cáo tài chính. Quyết định được áp dụng chia thành hai giai đoạn, từ 2022 – 2025 là giai đoạn doanh nghiệp được tạo điều kiện để áp dụng IFRS tự nguyện, sau năm 2025 sẽ là giai đoạn bắt buộc.

 

 

 

Tại đây, các học viên đã được cung cấp nội dung chính đề án này và đồng thời cung cấp góc nhìn toàn diện về tình hình chuẩn bị áp dụng IFRS tại Việt Nam cũng như kinh nghiệm thực tiễn trong việc triển khai IFRS cho các doanh nghiệp tại Việt Nam hiện nay.  Diễn giả đặc biệt nhấn mạnh lợi ích cho doanh nghiệp khi áp dụng IFRS. “Việc áp dụng IFRS sẽ giúp gia tăng chất lượng báo cáo tài chính của doanh nghiệp, tăng tính minh bạch, giải trình và hiệu quả kinh tế. Những lợi ích của việc áp dụng IFRS rõ ràng mang lại rất nhiều lợi ích cho doanh nghiệp và nền kinh tế của Việt Nam; tuy nhiên, việc áp dụng IFRS cũng đặt ra rất nhiều thách thức cho các doanh nghiệp Việt Nam, ví dụ như về xác định giá trị hợp lý, từ việc xử lý khác biệt giữa IFRS và quy định pháp lý về thuế, hay việc áp dụng IFRS đòi hỏi toàn bộ hệ thống quy trình quản trị nội bộ của doanh nghiệp, năng lực đội ngũ cán bộ còn thiếu và yếu những nhân sự am hiểu IFRS”.  Ngoài ra, diễn giải đã chia sẻ “Mô hình 5 bước” để định hướng doanh nghiệp áp dụng IFRS. Trước tiên, doanh nghiệp cần có am hiểu về IFRS, hay phân tích sự khác biệt giữa IFRS và VAS (Chuẩn mực Kế toán Việt Nam). Sau đó, doanh nghiệp cần phân tích tác động về mặt định tính và định lượng khi áp dụng IFRS để đánh giá ảnh hưởng đến báo cáo tài chính của doanh nghiệp. Căn cứ vào kết quả trên, doanh nghiệp cần nhận diện các khoảng cách hệ thống vận hành, kiểm soát để đề xuất kế hoạch phù hợp theo nguồn lực hiện có và thành lập Ban quản lý dự án để xây dựng lộ trình chuyển đổi. Cuối cùng, các đơn vị thực hiện chuyển đổi và đánh giá kết quả thực hiện.

Nội dung thứ hai tại buổi chia sẻ của bà Chi, để các bạn học viên cảm nhận sự khác biệt giữa IFRS và VAS, diễn giả đã chia sẻ chủ đề rất quen thuộc với các bạn học viên với nội dung “Tài sản cố định thay đổi như thế nào khi áp dụng IFRS?”. Theo chuyên gia, tại Việt Nam khi ghi nhận về TSCĐ đã có hệ thống VAS hay Thông tư 45/2013/TT-BTC hướng dẫn về quản lý, sử dụng và trích khấu hao TSCĐ. Tuy đã có hệ thống chuẩn mực, chế độ và thông tư hướng dẫn nhưng vẫn có rất nhiều điểm khác biệt hoặc có rất nhiều nội dung chưa được hướng dẫn nếu so sánh với IFRS/IAS. Một số điểm khác biệt chính đã được diễn giả  chỉ ra như khi ghi nhận ban đầu giá trị của TSCĐ đòi hỏi các kế toán viên có khả năng xét đoán cũng như am hiểu về các chuẩn mực có liên quan thay vì chỉ áp dụng cứng nhắc theo quy định của Việt Nam hiện nay.


Cao Văn Khanh


Các tin khác