Khoa Kế toán Kiểm toán (Vi)
 
BÁO CÁO TƯ VẤN CHÍNH SÁCH - GIẢI PHÁP HẠN CHẾ TRỐN TRÁNH BẢO HIỂM XÃ HỘI

Bắt đầu từ ngày 1/1/2018 Quyết định Số 595/QĐ-BHXH có hiệu lực. Nội dung cơ bản của Quyết định trên là yêu cầu tất cả các doanh nghiệp phải có nghĩa vụ đóng BHXH và các khoản theo lương cho người lao động có thời gian tham gia làm việc tại đơn vị từ 30 ngày trở lên. Tuy nhiên trên thực tế quy định này lại là cơ sở để các doanh nghiệp lạm dụng trong việc tránh (trốn) nộp các khoản theo lương cho người lao động.


Nhóm nghiên cứu Khoa Kế toán Kiểm toán bao gồm cả giảng viên và sinh viên đã tiến hành nghiên cứu “Tình trạng thất thu quỹ BHXH, BHYT, BHTN, KPCĐ và một vài gợi ý chính sách” và rút ra một số cách thức tiến hành để tránh nộp các khoản theo lương cho người lao động tại các doanh nghiệp hiện nay và đưa ra một số gợi ý chính sách.

Một số hành vi tránh (trốn) nộp BHXH, BHYT, BHTN, KPCĐ cho người lao động mà các doanh nghiệp đang áp dụng

Thứ nhất: theo cách thức (Hợp lý hóa thông qua các hợp đồng hoặc căn cứ tính lương, thưởng)

a. Hình thức hợp đồng

Thực tế hiện nay các DN sử dụng các loại hợp đồng để tránh nộp BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động: khoán, thử việc, thực tập sinh… hoặc sử dụng hình thức đảo nhân sự giữa các Công ty có cùng 1 chủ, chi phí đi lại, công tác phí…

Hợp đồng thử việc: thông thường các doanh nghiệp sẽ ký hợp đồng thử việc với người lao động trong thời hạn 3 tháng, đương nhiên trong 3 tháng này người lao động sẽ không được hưởng quyền lợi đóng các khoản theo lương từ phía doanh nghiệp. Khi hết thời hạn 3 tháng doanh nghiệp sẽ cân nhắc ký hợp đồng tiếp tục hoặc dừng hợp đồng với người lao động. Mục đích của việc ký các loại hợp đồng này là để trì hoãn việc nộp các khoản theo lương cho người lao động.

Hợp đồng khoán việc: một số doanh nghiệp do đặc thù hoạt động, một số công việc có thể mang tính thời vụ nên họ đã tận dụng tính chất này trong quy định để thực hiện việc ký hợp đồng với người lao động theo hình thức khoán việc. Tất nhiên loại hợp đồng này người lao động cũng sẽ không được hưởng quyền lợi tham gia BHXH, BHYT và BHTN.

Hợp đồng thực tập sinh: loại hợp đồng này thường được thực hiện ở những đơn vị lớn, có hình thức như 1 tập đoàn hoặc các tập đoàn. Họ thường xuyên đăng tuyển các thực tập sinh cho các vị trí công việc, tiến hành làm nhiều đợt liên tiếp. Các thực tập sinh thường là các sinh viên chưa tốt nghiệp nên có cơ hội tiếp xúc thực tế sẽ rất hào hứng, tuy nhiên họ vẫn làm các hợp đồng lao động cho đối tượng này nhưng sẽ không trả họ các khoản thù lao như trong hợp đồng.

Ngoài ra còn có một số cách thức các doanh nghiệp đang áp dụng để tránh nộp BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động: một chủ doanh nghiệp có nhiều công ty. Họ sử dụng cách thức tuyển một lượng nhân viên nhất định nhưng mỗi nhân viên sẽ làm việc tại một đơn vị của họ một thời gian rồi lại đứng tên trên bảng lương của công ty khác, cứ như vậy các nhân viên này luôn ở dạng thử việc nên chưa thuộc diện nộp bảo hiểm. Bên cạnh đó, để tăng thu nhập cho các nhân viên trong doanh nghiệp mà không hiển thị số tiền trên hợp đồng họ thay bằng các loại chứng từ rất hợp lệ: tiền công tác phí, chi phí đi lại hàng tháng, tiền điện thoại, internet, chi phí ngoại giao…

b. Thông qua hệ thống đánh giá chất lượng công việc (KPI)

Các doanh nghiệp lớn hay các tập đoàn thường xây dựng hệ thống đánh giá chất lượng công việc và trả thu nhập cho người lao động dựa trên hệ thống đó. Họ sẽ có một hợp đồng lao động, trong đó ghi rõ mức lương cơ bản – chính là mức dùng làm căn cứ trích nộp và đóng BHXH của họ. Tuy nhiên mức thu nhập thực tế của họ sẽ bao gồm lương và phần được trả trên cơ sở đánh giá KPI, và họ cũng cân đối mức thu nhập dựa trên KPI cũng chỉ vừa phải để cá nhân người lao động không phải nộp thuế thu nhập cá nhân.

Thứ hai: theo độ tuổi

a. Trong độ tuổi lao động

Các doanh nghiệp sử dụng lao động trong độ tuổi lao động là chủ yếu, tuy nhiên họ vẫn có những thỏa thuận riêng với những lao động này để tránh nộp BHXH cho họ: đối với các lao động phổ thông tại địa phương họ sẽ sử dụng các hợp đồng thử việc và thường xuyên có sự ra – vào số lượng công nhân mỗi ngày tại các doanh nghiệp sản xuất này. Các doanh nghiệp khác họ thỏa thuận với người lao động sẽ ký 2 HĐLĐ cho mỗi người, nhưng mức thu nhập vẫn chưa đến mức phải nộp BHXH. Thậm chí có nhiều doanh nghiệp còn sử dụng cách thức như trong HĐLĐ ghi rõ mức lương trả cho người lao động nhưng người lao động phải có trách nhiệm tự nộp bảo hiểm.

b. Ngoài độ tuổi lao động

Lực lượng lao động này chiếm tỷ lệ nhỏ trong các doanh nghiệp hiện nay. Họ là những người đã hoàn thành nghĩa vụ lao động và đã có lương hưu. Tuy nhiên thực tế trên bảng lương, danh sách những người ngoài độ tuổi lao động rất nhiều nhưng họ lại không làm việc thực tế, họ được đóng vai là các cộng tác viên, nhân viên kinh doanh, cố vấn cho doanh nghiệp và mức lương của họ trên bảng lương là rất cao để giúp doanh nghiệp tăng chi phí nhưng họ lại không thuộc đối tượng nộp BHXH.

Thứ ba: hình thức thanh toán lương

a. Chuyển khoản

Đây là hình thức phổ biến được áp dụng hiện nay tại các DN vì thông qua việc trả lương cho nhân viên qua ngân hàng thông tin về tiền công, tiền lương của doanh nghiệp sẽ được các cơ quan chức năng kiểm soát nhưng thực chất không phải toàn bộ thu nhập của NLĐ đều nhận qua ngân hàng.

b. Tiền mặt

Một trong các hình thức tránh nộp BHXH cho NLĐ là các DN chọn việc trả lương hoặc trả một phần thu nhập và các khoản trợ cấp hàng tháng cho NLĐ bằng tiền mặt. Tuy nhiên khoản thanh toán bằng tiền mặt này lại không xuất hiện trên bảng lương, thậm chí sẽ không ghi tăng chi phí tại các doanh nghiệp nên các cơ quan chức năng không có căn cứ để xử phạt.

Thứ tư: một số cách khác

Hiện nay nhiều DN dùng cách xây dựng thang, bảng lương nhiều bậc, tách tiền lương thành nhiều khoản như mức lương, phụ cấp, trợ cấp, các khoản bổ sung khác để trốn đóng các khoản theo lương. Cá biệt nhiều DN quy định tiêu chuẩn nâng lương, điều kiện hưởng trợ cấp, phụ cấp, tiền thưởng và cách thưởng hàng tháng, quý, năm rất phức tạp, khó cho NLĐ theo dõi và giám sát thực hiện. Nhiều DN đang tồn tại ba loại lương gồm: Lương tham gia BHXH, lương quyết toán thuế, lương thực chi cho người lao động. Điều này gây khó khăn cho cơ quan quản lý nhà nước trong việc quản lý, kiểm tra chính sách tiền lương đối với các DN. Ngoài ra, việc chấp hành quy định về thang, bảng lương trong các DN chưa cao. Thực tế có xây dựng nhưng không áp dụng hoặc áp dụng không đúng.

Phía NLĐ ít quan tâm đến việc đóng BHXH mà chỉ chú ý đến thu nhập, hậu quả là chỉ khi nào đi làm chế độ bị ảnh hưởng quyền lợi mới biết thì đã muộn. Do vậy, để tránh thiệt thòi quyền lợi, NLĐ phải tìm hiểu và nhận thức đầy đủ quy định của pháp luật để tự bảo vệ quyền lợi của mình, đặc biệt là khi ký HĐLĐ để tránh thiệt hại về sau.

Kiến nghị

1. Tăng mức xử phạt đối với các DN có hành vi tránh nộp BHXH, BHYT, BHTN, KPCĐ

Ngày 20/6/2017, Quốc hội thông qua Luật số 12/2017/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2018. Một số những nội dung quan trọng được bổ sung là nhóm tội phạm trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BHTN gồm Tội gian lận BHXH, BHTN (Điều 214); Tội gian lận BHYT (Điều 215) và Tội trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động (Điều 216). Tuy nhiên đến nay, quy định này vẫn chưa có văn bản hướng dẫn của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, cũng như chưa có văn bản hướng dẫn về hồ sơ, trình tự thực hiện chuyển hồ sơ vi phạm có dấu hiệu tội phạm về BHXH, BHYT sang cơ quan điều tra để xử lý theo quy định của Bộ luật Hình sự.

Vì vậy, các cơ quan nhà nước cần sớm ban hành các văn bản hướng dẫn để có thể sẵn sàng xử lý các vi phạm của các DN. Các mức xử phạt cần gia tăng hơn để có tính răn đe đối với các chủ DN có ý định trốn tránh trách nhiệm thực hiện các nghĩa vụ về BHXH, BHYT, BHTN, KPCĐ. Nhà nước cần mạnh tay bổ sung các điều kiện pháp lý trong việc xử phạt đối với các DN vi phạm. Nếu DN nào có hành vi trốn tránh nghĩa vụ nộp BH cho NLĐ có thể phạt gấp 10 lần mức phải đóng thực tế, nếu tái phạm có thể thu hồi giấy phép kinh doanh và vĩnh viễn không cho chủ DN có cơ hội làm đại diện pháp lý cho một DN nào khác.

2. Thay đổi chính sách về mức đóng và hưởng các chế độ bảo hiểm

Các quy định pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN, KPCĐ cần được hoàn thiện theo hướng đảm bảo sự bình đẳng và công bằng cho NLĐ tham gia và thụ hưởng. Sự bình đẳng thể hiện thông qua tất cả các quy định có liên quan đến NLĐ về điều kiện được hưởng trong suốt cả quá trình. Ví dụ như NLĐ có mức đóng BHTN cao hơn, đóng trong khoảng thời gian dài hơn thì mức hưởng trợ cấp thất nghiệp cao hơn.

Để đảm bảo cân đối quỹ hưu trí, khi về hưu NLĐ chỉ nên được hưởng một số tiền lương hưu và có thể giới hạn về thời gian nhất định tương thích với số tiền đã tham gia BHXH trong suốt quá trình đi làm.

Người báo cáo

TS,Đỗ Kiều Oanh - Trưởng BM Kế toán