Khoa Kế toán Kiểm toán (Vi)
 
Seminar “Góp ý các chương trình đào tạo của Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN”

Seminar Góp ý các chương trình đào tạo của ĐHKT - ĐHQGHN
Ngày 18/9/2009, tại Trường ĐHKT - ĐHQGHN đã diễn ra seminar “Góp ý các chương trình đào tạo của Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN” do TS. Nguyễn Ngọc Thanh, Phó hiệu trưởng nhà trường chủ trì.


Tham dự hội nghị về phía khách mời có GS.TS. Nguyễn Thiết Sơn - Tổng biên tập Tạp chí Châu Mỹ ngày nay, GS.TS Bùi Xuân Phong – Phó chủ nhiệm Khoa Quản trị Kinh doanh, Học viện Bưu chính Viễn Thông, TS. Nguyễn Minh Phong – Trưởng phòng Nghiên cứu Kinh tế, Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế - Xã hội, TS. Nguyễn Phương Bắc, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh Bắc Ninh, ThS. Đỗ Hoài Nam - Trưởng phòng Nghiên cứu, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển, ThS. Lê Việt Nga, Phó Trưởng phòng tổ chức & Hành chính, Chi nhánh Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam khu vực Hà Nội và một số đại diện các nhà tuyển dụng, đối tác khác của Trường ĐHKT...; về phía Trường ĐHKT có đại diện lãnh đạo các Khoa, Phòng, Ban cùng đại diện giảng viên, sinh viên và cựu sinh viên của Trường.
Trong hơn hai năm trở lại đây, Trường ĐHKT luôn chú trọng cải tiến chương trình, nâng cao chất lượng đào tạo, phát triển hoạt động nghiên cứu khoa học và các dịch vụ với mục tiêu trở thành một trung tâm nghiên cứu, đào tạo chất lượng cao trong các lĩnh vực kinh tế, quản lý và quản trị kinh doanh ở Việt Nam và quốc tế. Hiện nay Trường ĐHKT đang đào tạo 5 ngành bậc cử nhân, 4 ngành bậc thạc sĩ và 3 ngành bậc tiến sĩ. Seminar này là một trong các hoạt động thường niên nhằm lấy ý kiến chuyên gia, nhà tuyển dụng, sinh viên và cựu sinh viên góp ý cho công tác phát triển, hoàn thiện hơn nữa các chương trình đào tạo của nhà trường.
Tại hội nghị, các đại biểu là những chuyên gia, nhà tuyển dụng, giáo viên, sinh viên và cựu sinh viên đã đánh giá cao những mặt tích cực trong các chương trình đào tạo của trường hiện nay như: hệ thống chương trình đào tạo đã chuyển đổi theo đào tạo tín chỉ, đảm bảo tính hiện đại, liên thông giữa các bậc học, giữa các khoa trong trường và đơn vị ngoài trường, tham khảo chương trình quốc tế, đã có chú ý gắn với thực tiễn và hướng theo chuẩn đầu ra… Bên cạnh đó, các đại biểu cũng chỉ ra những điểm cần bổ sung đáng chú ý trong chương trình đào tạo nói chung và đi sâu vào từng ngành từ bậc cử nhân đến tiến sĩ như phân bố chương trình học nên tăng các môn học chuyên ngành và các chương trình thực hành, thực tập, các “kỹ năng mềm” cho sinh viên nên được trang bị thêm dưới dạng các lớp ngắn hạn hoặc hoạt động ngoại khóa, v.v.
Seminar đã thành công tốt đẹp. Những ý kiến đóng góp tâm huyết, hữu ích trong hội thảo sẽ góp phần phát triển và hoàn thiện chương trình đào tạo của Trường ĐHKT trong thời gian tới, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao của nhà tuyển dụng, của xã hội, hướng tới mục tiêu xây dựng nhà trường trở thành trung tâm đào tạo, nghiên cứu chất lượng cao, tiến tới tiếp cận trình độ quốc tế.


Thùy Dung