Khoa Kinh tế Phát triển (VN)
 
UEB - Quốc tế hóa giáo dục mạnh mẽ với mô hình lớp học toàn cầu

Hiện thực hóa mục tiêu quốc tế hóa giáo dục của Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội, Khoa Kinh tế Phát triển đã tổ chức thành công chuỗi bài giảng quốc tế - International Lecture Series 2021. Đây là cơ hội giúp các bạn sinh viên của UEB, sinh viên các trường đại học quốc tế tham gia phát triển toàn diện về kiến thức chuyên ngành cũng như các kỹ năng để hội nhập quốc tế.


International Lecture Series - bước chuyển trong quá trình quốc tế hóa giáo dục của UEB

Chuỗi bài giảng quốc tế với 5 vấn đề nổi bật của nền kinh tế thế giới và Việt Nam hiện nay: “FDI & ODA in Vietnam” (Nguồn vốn FDI và ODA tại Việt Nam), “Commodities: Have we entered a new supper-cycle?” (Thị trường hàng hóa: Có phải chúng ta đang bước vào một siêu chu kì mới?), “Addressing food security from climate change and Covid 19 pandemic” (An ninh lương thực trong bối cảnh biến đổi khí hậu và đại dịch Covid-19), “Asia Dialogue 2021” (Đối thoại châu Á 2021) và “Current issues and changes in Japanese-style HRM” (Những vấn đề hiện tại và sự thay đổi trong quản trị nguồn nhân lực kiểu Nhật).

International Lecture Series 2021 thu hút được lượng lớn các bạn sinh viên UEB và sinh viên quốc tế tham gia

Chuỗi bài được tổ chức online, bắt đầu từ tháng 6/2021 và có sự tham gia giảng dạy của các giáo sư đến từ những trường đại học lớn của Mỹ, Ý, Nhật và giảng viên Khoa Kinh tế Phát triển, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN.

Từ kiến thức trong sách vở đến hiện thực “bức tranh” toàn cảnh nền kinh tế

Đi qua từng bài giảng, sinh viên, học viên tham gia được mở rộng vốn kiến thức về chuyên ngành, đồng thời đây cũng là những nội dung có tính cập nhật và thực tế cao, giúp các bạn có được cái nhìn chân thực nhất về bức tranh toàn cảnh của nền kinh tế thị trường hiện nay.

Bài giảng số 1 mang nội dung “FDI & ODA in Vietnam”

Vấn đề về nguồn vốn FDI và ODA tại Việt Nam (“FDI & ODA in Vietnam”) là chủ đề đầu tiên được các giảng viên lựa chọn. Trong bức tranh nền kinh tế tại Việt Nam và thế giới bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid 19, các giảng viên, diễn giả khách mời: bà Gretchen Shinoda - Giám đốc trung tâm hỗ trợ sinh viên, Đại học Quốc tế Nhật Bản, TS. Hoàng Việt Khang - Tư vấn của Ngân Hàng Phát triển ADB, Nguyên Vụ trưởng Vụ Quan hệ Kinh tế quốc tế, Bộ Kế hoạch Đầu tư, giảng viên Khoa Kinh tế Phát triển đã chia sẻ những câu chuyện thực tế về mối quan hệ giữa kinh tế - chính trị, những giải pháp thực tế để thu hút nguồn vốn FDI và ODA trong bối cảnh dịch bệnh. Cùng với đó, những mảng màu về bức tranh kinh tế của Việt Nam trong những năm gần đây cũng được các diễn giả mang đến và truyền tải đầy thu hút.

 Series 2 - Thị trường hàng hóa: Có phải chúng ta đang bước vào một siêu chu kì mới?

Tiếp nối thành công, bài giảng số 2 với nội dung: “Commodities: Have we entered a new supper-cycle?” đạt được con số tham gia kỷ lục với hàng trăm sinh viên UEB và quốc tế. Tại đây, hai giảng viên - Giáo sư Christopher L.Gilbert - Đại học Trento, Ý và Tiến sĩ Nguyễn Bích Diệp – Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc Gia Hà Nội đã có một buổi chia sẻ thú vị về “những thay đổi ngược” của thị trường kinh tế trên thế giới hiện nay. Mặc những tác động tiêu cực từ đại dịch, chỉ số giá năng lượng của Ngân hàng thế giới vẫn tăng đến 93% (tính đến tháng 6 năm 2021). Trong bối cảnh này, hai giảng viên – diễn giả đặt vấn đề rằng liệu chúng ta có đang bước vào một siêu chu kỳ mới? Câu trả lời được GS. Christopher L.Gilbert phân tích đầy thuyết phục, mang đến cho các bạn sinh viên tham dự những kiến thức mới không có trong sách vở.

 Bài giảng số 3 đặt ra vấn đề an ninh lương thực trong bối cảnh biến đổi khí hậu và đại dịch Covid-19

Với nội dung an ninh lương thực trong bối cảnh biến đổi khí hậu và đại dịch Covid-19 (“Addressing food security from climate change and Covid 19 pandemic”), bài giảng số 3 thu hút được hơn 100 sinh viên, học viên tham dự. Qua bài giảng, bên cạnh việc phân tích nội dung đề ra, các vấn đề như an toàn thực phẩm, an ninh dinh dưỡng cũng được các diễn giả và sinh viên quan tâm. Thực tế cho thấy, dù có ảnh hưởng tiêu cực nhưng Covid-19 cũng có ảnh hưởng tích cực đến các vấn đề về môi trường, hạn chế ô nhiễm, giảm lượng khí thải nhà kính…

“Đối thoại Châu Á 2021” tiếp tục tạo nên thành công cho Chuỗi bài giảng quốc tế

Hướng tới chủ đề “nóng”, bài giảng “Chính sách xóa đói giảm nghèo của Việt Nam nhằm đạt mục tiêu phát triển bền vững” của TS. Nguyễn Bích Diệp – giảng viên khoa Kinh tế Phát triển, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN và “Tác động của đại dịch COVID-19 đến chuỗi giá trị toàn cầu” của GS.TS Mukunoki Hiroshi, Đại học Gakushuin, Nhật Bản là nội dung series 4 – Đối thoại Châu Á. Bên cạnh bài giảng, sinh viên tham dự còn được trao đổi thông tin, đặt các vấn đề để cùng thảo luận, từ đó mở rộng vốn kiến thức và kết nối với các sinh viên đến từ Đại học Gakushuin, Nhật Bản.

 Bài giảng số 5 với đặt vấn đề: Những vấn đề hiện tại và sự thay đổi trong quản trị nguồn nhân lực theo phong cách Nhật Bản

Chuỗi bài giảng quốc tế cuối cùng của năm 2021 với nội dung “Những vấn đề hiện tại và sự thay đổi trong quản trị nguồn nhân lực theo phong cách Nhật Bản” cùng sự tham gia của PGS.TS Hideki Kakinuma (Khoa Thương mại, Đại học Khoa học Marketing và Phân phối, Nhật Bản). Bài giảng này đã tổng hợp các kiến thức lý thuyết và thực tiễn liên quan đến vấn đề quản trị nguồn nhân lực tại Nhật, so sánh sự thay đổi về phương pháp quản trị nguồn nhân lực trong thập niên 90 của thế kỷ trước với những năm gần đây và đưa ra những góc nhìn thú vị về quản trị nhân lực tại các công ty Nhật Bản ở nước ngoài.

Phát triển toàn diện để trở thành công dân toàn cầu

Chuỗi bài giảng quốc tế đã đi qua 5 số, mang đến cho các bạn sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh UEB những kiến thức mới, thú vị và ứng dụng vào thực tiễn công việc tương lai. Đồng thời, đây cũng chính là nơi để mỗi thành viên tham gia khóa học được giao lưu văn hóa, mở rộng vốn ngôn ngữ, kết nối quan hệ với bạn bè quốc tế.

Năm 2022, International Lecture Series sẽ tiếp tục với những bài giảng mới, tiếp tục hành trình phát triển mục tiêu quốc tế hóa giáo dục sâu rộng của Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội.


Thu Uyên - UEB Media


Các tin khác