I. Giới thiệu chương trình
Mục tiêu của chương trình cử nhân ngành KTPT là đào tạo những cử nhân KTPT có trình độ chuẩn, có định hướng chuyên gia trong lĩnh vực kinh tế phát triển.
Sau khi tốt nghiệp, cử nhân KTPT có thể làm việc trong môi trường kinh tế và phát triển, có khả năng thích ứng với công việc nhanh chóng nhờ có kiến thức hiện đại về kinh tế học và các vấn đề phát triển, kỹ năng phát hiện, đánh giá, xử lý các vấn đề của nền kinh tế đang phát triển, có trình độ Tiếng Anh tốt, có kỹ năng làm việc theo nhóm và giao tiếp hiệu quả. Sinh viên tốt nghiệp có thể làm việc cho các cơ quan quản lý Nhà nước, cơ quan nghiên cứu kinh tế, nghiên cứu phát triển, các tổ chức phát triển, các doanh nghiệp, hoặc tiếp tục học tập ở những bậc học cao hơn ở trong nước và nước ngoài.
Định hướng nghề nghiệp của sinh viên ngành KTPT gồm 4 nhóm nghề nghiệp chính:
- Nhóm 1: Trợ giảng và tiến tới (trong tương lai) thành giảng viên ngành kinh tế tại các trường đại học, chuyên viên nghiên cứu, tư vấn, phân tích, hoạch định chính sách về kinh tế và phát triển trong các cơ sở đào tạo và/hoặc nghiên cứu về kinh tế và phát triển.
- Nhóm 2: Chuyên viên nghiên cứu, tư vấn, phân tích, hoạch định chính sách về kinh tế và phát triển tại các cơ quan quản lý nhà nước ở các cấp trung ương và địa phương (cơ quan bộ-vụ-viện-sở-phòng) thuộc các bộ ngành Công Thương, Ngoại giao, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Giáo dục và Đào tạo, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Kho bạc, Du lịch, Thể thao và Văn hóa, Thông tin Truyền thông, Khoa học Công nghệ, Tài Nguyên và Môi trường, Văn phòng Chính phủ, Ủy ban Nhân dân các cấp, chuyên viên các Vụ Kế hoạch-Tài chính, Vụ Tổng hợp của các bộ ngành Y tế, Giao thông, Xây dựng,...
- Nhóm 3: Chuyên viên, tiến tới (trong tương lai) trở thành các chuyên gia (cao cấp) trong các dự án phát triển của các bộ ban ngành và các tổ chức phát triển trong nước và quốc tế như ILO, UNDP, ADB, IMF, World Bank, các NGOs...
- Nhóm 4: Cán bộ, chuyên viên trong các doanh nghiệp trong và ngoài nước ở các vị trí có liên quan đến kinh tế, phát triển như cán bộ ngân hàng, cán bộ đối ngoại, cán bộ hành chính... Ngoài ra, bằng cách học hỏi thêm trong quá trình làm việc, cử nhân KTPT cũng có thể đảm nhận các vị trí khác liên quan đến kinh tế như kế toán, kinh doanh, xuất nhập khẩu, Logistics, phát triển thị trường và thương hiệu, thanh toán, trợ lý giám đốc hoặc hội đồng quản trị trong các doanh nghiêp trong nước và quốc tế, v.v.
II. Chuẩn đầu ra Chương trình cử nhân ngành Kinh tế Phát triển
Chuẩn đầu ra cho sinh viên ngành KTPT tại Trường ĐHKT – ĐHQGHN gồm:
1. Về kiến thức:
Sinh viên tốt nghiệp có các khối kiến thức chung (tin học, ngoại ngữ, nguyên lý cơ bản Mác-Lênin...), kiến thức toán và khoa học tự nhiên (toán cao cấp, toán kinh tế, xác suất, thống kê), kiến thức cơ bản của nhóm ngành (bao gồm nhóm các môn Nguyên lý kinh tế học, nghiên cứu định lượng, pháp luật, lịch sử, ...), kiến thức cơ sở ngành (bao gồm nhóm các môn học về kinh tế học nâng cao, các môn kinh tế chuyên sâu trong các lĩnh vực cụ thể liên quan đến kinh tế phát triển,...), và khối kiến thức chuyên ngành (kinh tế học xã hội, kinh tế công, kinh tế môi trường,...).
2. Về kỹ năng và thái độ cá nhân và nghề nghiệp:
Sinh viên tốt nghiệp có khả năng:
- Lập luận tư duy và giải quyết các vấn đề kinh tế và phát triển như phát hiện và hình thành vấn đề, đánh giá, phân tích, tổng hợp và đưa ra đề xuất giải pháp.
- Tư duy theo hệ thống khi tiếp cận và xử lý các vấn đề nói chung và thuộc lĩnh vực KTPT nói riêng.
- Nghiên cứu khoa học và khám phá kiến thức đặc biệt là các vấn đề có liên quan đến lĩnh vực kinh tế và phát triển.
- Thực hành các kỹ năng, kỹ thuật nghề nghiệp như phương pháp nghiên cứu kinh tế, kỹ thuật nghiên cứu định lượng, kỹ thuật điều tra xã hội học, kỹ năng quản trị, quản lý dự án phát triển, và kỹ năng xử lý các vấn đề thực tiễn của kinh tế phát triển ở Việt Nam.
Sinh viên tốt nghiệp có các phẩm chất cá nhân như tự tin, nhiệt tình, say mê, sáng tạo, phản biện, hiểu biết xã hội, khả năng thích ứng nhanh với sự thay đổi của quá trình phát triển kinh tế xã hội... Sinh viên cũng được bồi dưỡng và phát triển các kỹ năng cá nhân tự học tập, quản lý thời gian và bản thân. Sinh viên tốt nghiệp có khả năng sử dụng thành thạo công cụ tin học như các phần mềm văn phòng (Word, Excel, PowerPoint, Internet Explorer), các phần mềm phục vụ công tác chuyên môn như E-View hay SPSS, phần mềm hỗ trợ tư duy và quản lý kế hoạch như MindManager, MS Project.
Sinh viên tốt nghiệp có các kỹ năng và phẩm chất nghề nghiệp gồm đạo đức nghề nghiệp, tính chuyên nghiệp, khả năng lập kế hoạch, tổ chức và sắp xếp công việc, khả năng làm việc độc lập trong môi trường trong nước và quốc tế, khả năng đặt mục tiêu, tự phát triển bản thân và sự nghiệp.
3. Về kỹ năng và thái độ xã hội:
Sinh viên tốt nghiệp có khả năng làm việc nhóm, khả năng hình thành, phát triển và lãnh đạo nhóm, khả năng giao tiếp tốt và hiệu quả. Sinh viên tốt nghiệp có thể sử dụng tiếng Anh trong công việc và đạt mức IELTS 5.0 (hoặc tương đương) trở lên.
4. Về năng lực áp dụng kiến thức vào thực tiễn:
Sinh viên tốt nghiệp có khả năng phát hiện, phân tích, đánh giá, tổng hợp các vấn đề của nền kinh tế đang trong quá trình phát triển; xây dựng, thực hiện, đánh giá các phương án, dự án hay chính sách về KTPT.
III. Các điều kiện thực hiện chương trình
1. Điều kiện tuyển sinh:
Sinh viên đã trúng tuyển vào Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN trong kỳ thi tuyển sinh đại học quốc gia, có điểm trúng tuyển bằng điểm trúng tuyển vào ngành KTPT trở lên
2. Về thực hiện chương trình
Chương trình đào tạo cử nhân ngành KTPT tại Trường ĐHKT – ĐHQGHN được xây dựng và thực hiện trong điều kiện giảng dạy, học tập tốt, đội ngũ giảng viên giỏi và áp dụng phương pháp dạy – học hiện đại để đảm bảo đạt chuẩn đầu ra công bố. Ngoài các hoạt động chính khóa, sinh viên có nhiều cơ hội tham gia các hoạt động ngoại khóa được tổ chức thường xuyên và các khóa đào tạo ngắn hạn về kỹ năng mềm và nghiệp vụ nhằm bồi dưỡng và phát triển các kỹ năng và phẩm chất cá nhân và nghề nghiệp, các kỹ năng xã hội và các năng lực áp dụng kiến thức vào thực tiễn. Sinh viên cũng được tham gia vào các chương trình trao đổi sinh viên, văn hóa, các hoạt động hội nghị, hội thảo (bằng tiếng Việt, tiếng Anh) về lĩnh vực phát triển và chính sách công với sự tham dự của các nhà khoa học trong và ngoài nước... để đạt được các năng lực làm việc trong môi trường trong nước và quốc tế. Sinh viên cũng có cơ hội tham gia các hoạt động nghiên cứu khoa học mang tính thực tiễn. Sinh viên có cơ hội tiếp cận nhiều nguồn học bổng trong và ngoài nước trong quá trình thực hiện chương trình, sau khi tốt nghiệp, các sinh viên có thể học tiếp cao học chuyên ngành Kinh tế Phát triển tại trường.
Bản tóm tắt chuẩn đầu ra chương trình cử nhân ngành Kinh tế Phát triển, xem Tại đây Bản dự kiến tích hợp chuẩn đầu ra trong môn học ngành Kinh tế Phát triển, xem Tại đây