Khoa Kinh tế Phát triển (VN)
 
NCKH sinh viên để yêu quê và hiểu quê hương hơn

Qua NCKH, Giang và Nga càng thêm yêu mái trường và quê hương
Đó là chia sẻ của cặp đôi Phạm Thị Hà Giang và Nguyễn Thúy Nga, QH-2017-E Kinh tế Phát triển, Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN khi giành đồng giải Nhất NCKH sinh viên năm học 2019 – 2020.


Thương mãi miền quê

Phạm Thị Hà Giang quê tại thành phố Ninh Bình còn Nguyễn Thúy Nga quê tại thị xã Từ Sơn, Bắc Ninh. Công trình NCKH của nhóm có tên "Định giá đất theo giá thị trường trên cơ sở ứng dụng mô hình định giá ngẫu nhiên Hedonic Pricing và hệ thống thông tin địa lý GIS tại Thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh" với sự hướng dẫn trực tiếp của PGS TS. Nguyễn An Thịnh - Phó Chủ nhiệm phụ trách khoa Kinh tế Phát triển và TS. Nguyễn Văn Hồng - Phòng sinh thái cảnh quan, Viện địa lý, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.

Sở dĩ Giang và Nga lựa chọn một đề tài vừa khó vừa “dễ” đến từ 2 nguyên nhân. Đầu tiên, đó là cả hai đều mong muốn để lại "dấu vết" tại Trường khi cả hai đã cùng năm thứ 3, chẳng mấy chốc nữa sẽ tốt nghiệp, hưởng ứng phong trào nghiên cứu khoa học vừa là một cơ hội tốt để thực hiện điều đó vừa giúp nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ. Điều quan trọng thứ hai đó chính là khâu lựa chọn đề tài, nhận thấy thị trường đất ở thị xã Từ Sơn đang biến chuyển rất mạnh, đây lại là vùng cửa ngõ Thủ đô ở phía đông bắc nên cả hai cùng khẳng định đây là đề tài thiết yếu phục vụ xã hội, tuy khó nhưng lại có "lợi thế sân nhà" của Nga. Thêm vào đó, Nga chia sẻ “Em muốn làm một điều gì đó cho quê hương, để hiểu quê hương hơn, vì vậy mà em đã thống nhất cùng Giang hãy về Từ Sơn thực hiện đề tài, thế là cả hai bắt tay vào công việc ngay khi Trường phát động NCKH”

"Quá trình thực hiện đề tài nghiên cứu này rất vất vả, tốn nhiều thời gian và công sức của cả nhóm. Nhóm bắt đầu khi chưa biết gì về mô hình định giá ngẫu nhiên Hedonic và hệ thống thông tin địa lý GIS. TS. Nguyễn Văn Hồng dạy sử dụng phần mềm ArcGIS từ những gì cơ bản đầu tiên cho đến khi kết thúc đề tài cả 2 thành viên trong nhóm đều đã thành thạo phần mềm này, hoàn thành được yêu cầu về thành lập hệ thống bản đồ của đề tài nghiên cứu. Số liệu nhóm sử dụng trong bài hầu hết là dữ liệu sơ cấp nên quá trình đi khảo sát thực địa tốn nhiều thời gian, nhóm đã thực hiện khảo sát trong thời gian dài tại Thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh" Giang chia sẻ.

Đôi bạn cùng tiến trong NCKH sinh viên 2019 - 2020

Giang còn cho biết thêm, "Thành phố Ninh Bình của em - em mới chỉ đi được từ nhà đến trường từ trường về nhà, mà nhóm nghiên cứu đã đi khảo sát khắp từ đường to đến ngõ nhỏ, đến nhớ cả tên rất nhiều con đường của thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Điều thuận lợi của nhóm là nhà bạn Nga ở xã Phù Chẩn thuộc thị xã Từ Sơn, tuy nhiên thì vì thị xã Từ Sơn rất rộng, nghiên cứu đòi hỏi độ chính xác cao về khoảng cách tới các đối tượng nên chúng em phải sử dụng đến bản đồ, có những hôm mưa lạnh chúng em đi về khi trời đã tối mà kết quả khảo sát có thể không được như mong đợi thì hai đứa rất buồn”.

Bài NCKH của nhóm được trình bày tại hội nghị trực tuyến trong mùa dịch Covid-19

“Trong quá trình làm bài, hai đứa đã có mâu thuẫn, cãi nhau, có những khi bất đồng quan điểm, cũng đã có nhiều khi định dừng lại. Tuy nhiên đến cuối cùng, hai đứa cũng đã cùng nhau nỗ lực để vượt qua tất cả và đạt được kết quả ngoài sức mong đợi’ Nga tâm sự.

Những người lái đò tâm huyết

Trong quá trình nghiên cứu, nhóm đã có được sự hướng dẫn, tư vấn nhiệt tình của nhiều thầy cô đặc biệt là PGS.TS Nguyễn An Thịnh và TS. Nguyễn Văn Hồng. Mặc dù đề tài vẫn còn nhiều thiếu sót và chưa được như các thành viên trong nhóm mong đợi, sự giúp đỡ của các thầy cô đã giúp nhóm hoàn thiện hơn. TS. Nguyễn Văn Hồng khi được hỏi về 2 sinh viên có chia sẻ rằng: "Các bạn có tinh thần trách nhiệm cao, ham học hỏi những kiến thức và những kỹ năng mới. Có tinh thần tự lập trong nghiên cứu, mạnh dạn đưa ra những ý tưởng có tính thực tiễn. Có sự tiến bộ qua thời gian nghiên cứu đề tài”.

PGS. TS Nguyễn An Thịnh - Phó Chủ nhiệm Khoa Kinh tế Phát triển cho biết thêm “Định giá đất là một đề tài khó, tôi đề cao sự cố gắng, thái độ chủ động trong điều tra thực địa, thu thập số liệu, tài liệu và phân tích số liệu cũng như viết báo cáo”.

Nghiên cứu khoa học sinh viên là hoạt động bổ ích, bên cạnh việc giúp sinh viên áp dụng kiến thức được học còn thúc đẩy tìm tòi, khám phá, nâng cao tinh thần tự lập. Nó phân tích, đánh giá, liên tưởng, kết hợp với những điều mới để giải quyết những vấn đề ta quan tâm, thắc mắc… từ một vấn đề sẽ mở rộng ra nhiều vấn đề làm phong phú kiến thức cũng như vốn sống. Những kinh nghiệm từ việc viết báo cáo là rất bổ ích đặc biệt là các bạn sinh viên năm cuối phải làm niên luận, khóa luận và những kỹ năng sau này đi làm việc.

“Hiện tại, nhóm cùng hai thầy hướng dẫn tiếp tục hoàn thiện bài nghiên cứu để gửi hồ sơ dự thi cấp Đại học Quốc gia Hà Nội và chuẩn bị tham dự Hội nghị Kinh tế trẻ 2020 do YSI (INET) tổ chức dự kiến vào tháng 9/2020 tại Budapest, Hungary”, Nguyễn Thúy Nga chia sẻ.

Biết từng ngõ, gõ mõ từng xóm ở Từ Sơn khi đi NCKH

Cả Nga và Giang cho biết, nếu như đạt giải cao cấp ĐHQGHN và Hội nghị Kinh tế trẻ 2020 thì cả hai sẽ có thể đi theo con đường nghiên cứu chuyên nghiệp, vì qua các cấp thi sẽ định hình được năng lực cũng như sự kiên trì, tình yêu với công việc nghiên cứu. “Chắc chắn, nếu sau này thành công trên con đường nghiên cứu khoa học thì chúng em sẽ phải cảm ơn Hội nghị NCKH cấp Trường rất nhiều, vì đó chính là bước đà quan trọng để mở ra một cánh cửa mới, một ước mơ mới mà hồi đầu vào trường chúng em chưa bao giờ nghĩ đến.”


Văn Công