Khoa Kinh tế Phát triển (VN)
 
Đoàn công tác của Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN tham dự hội thảo "Nghiên cứu khoa học và công nghệ phục vụ quản lý biển, hải đảo và phát triển kinh tế biển".

Ngày (15/12), tại Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE), TP. Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, Bộ KH&CN tổ chức Hội thảo khoa học "Nghiên cứu khoa học và công nghệ phục vụ quản lý biển, hải đảo và phát triển kinh tế biển". Dự hội thảo có ông Lê Quang Thành, Vụ trưởng Vụ KHXH,NV&TN (Bộ KH&CN), GS.TSKH Phạm Hoàng Hải, Chủ nhiệm Chương trình KC. 09/16-20 và hơn 100 nhà khoa học trong nước tham dự.


Đoàn công tác của Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN do TS. Phạm Minh Tuấn- Phó Hiệu trưởng Nhà trường làm trưởng đoàn, cùng với các thầy lãnh đạo phòng ban (TS. Hoàng Khắc Lịch) và lãnh đạo Khoa Kinh tế Phát triển (TS. Nguyễn Quốc Việt, PGS.TS. Nguyễn An Thịnh).

Đây là Hội thảo khoa học nằm trong Chương trình KC. 09/16-20. Trong 1 ngày diễn ra Hội thảo với hơn 30 báo cáo khoa học của các giáo sư tiến sĩ đầu ngành về nghiên cứu khoa học và công nghệ phục vụ quản lý biển, hải đảo và phát triển kinh tế biển. Hội thảo chia làm 3 tiểu ban.

 

 Ảnh: Quang cảnh hội thảo

Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN tham dự tại tiểu ban Phát triển kinh tế biển, hải đảo. TS. Nguyễn Quốc Việt và PGS.TS. Nguyễn An Thịnh trình bày báo cáo: “Các khu kinh tế ven biển trong không gian phát triển và chuỗi giá trị vùng kinh tế trọng điểm: trường hợp vùng kinh tế trọng điểm miền Trung”.

Nội dung báo cáo đề cập tới Chiến lược biển Việt Nam với mục tiêu tổng quát là “đến năm 2020, phấn đấu đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển”. Chiến lược đã đề ra chủ trương phát triển các loại hình Khu chế xuất, Khu công nghiệp tập trung, Khu cụm dịch vụ cảng biển và Khu kinh tế ven biển như một trong những giải pháp quan trọng thúc đẩy Kinh tế biển Việt Nam. Sứ mệnh của các khu kinh tế này là sẽ liên kết chuỗi giá trị sản xuất-dịch vụ, cùng hình thành các cực và không gian phát triển giữa các vùng đô thị năng động ven biển, nhằm tạo ra thế và lực cho một vùng kinh tế trọng điểm, thu hút các nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước. Đồng thời các khu kinh tế cũng góp phần kết nối và phát triển các vùng còn gặp nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế nằm trong phạm vi không gian hoặc bên cạnh các vùng kinh tế trọng điểm.

Các báo cáo viên đã đưa ra nhận định, sau hơn 10 năm thực hiện chiến lược biển Việt Nam, các địa phương ven biển đã có nhiều động thái tích cực trong việc xây dựng quy hoạch, kế hoạch và chiến lược phát triển kinh tế hướng biển, trong đó có các khu kinh tế, khu công nghiệp và khu chế xuất gắn với xây dựng cảng biển. Tuy nhiên, các vấn đề về quy hoạch không gian liên kết vùng, gắn kết lợi thế vùng và các chiến lược gắn kết các chuỗi giá trị nhằm phát huy các thế mạnh đặc thù của cả vùng vẫn còn là những vấn đề dường như bị bỏ ngỏ hoặc ít được quan tâm bởi các địa phương và vùng kinh tế trọng điểm. Báo cáo đi sâu phân tích các vấn đề lý thuyết và thực tiễn quốc tế gắn với chủ trương xây dựng không gian liên kết chuỗi giá trị của cả một vùng kinh tế trọng điểm, cụ thể hóa trong trường hợp vùng kinh tế trọng điểm miền Trung Việt Nam. Kết quả nghiên cứu gợi mở một vài chính sách và giải pháp góp phần phát huy hiệu quả của các khu kinh tế tại vùng kinh tế trọng điểm quan trọng này của đất nước, góp phần thực hiện thành công chiến lược biển Việt Nam.


An Thịnh


Các tin khác