Khoa Kinh tế Phát triển (VN)
 
Luận cứ khoa học chuyên ngành Kinh tế biển

Phát triển kinh tế biển có thể được xem là điểm cốt lõi của chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 được ban hành tại Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 9/2/2007. Với tiềm năng và nhu cầu phát triển kinh tế biển của Việt Nam hiện nay, ta cần có nguồn nhân lực có trình độ để có khả năng quản lý, khai thác các lợi thế của biển.


Phát triển kinh tế biển có thể được xem là điểm cốt lõi của chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 được ban hành tại Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 9/2/2007. Với tiềm năng và nhu cầu phát triển kinh tế biển của Việt Nam hiện nay, ta cần có nguồn nhân lực có trình độ để có khả năng quản lý, khai thác các lợi thế của biển. Trong bối cảnh các lợi thế tĩnh có tính cạnh tranh giảm dần, việc đào tạo nhân lực ở trình độ thạc sĩ cho các cơ quan quản lý nhà nước và các bên liên quan khác là thực sự cần thiết để đẩy mạnh khai thác lợi thế động của biển.

Luật Biển Việt Nam số 18/2012/QH13 được Quốc hội ban hành ngày 21 tháng 6 năm 2012 đã nêu các nguyên tắc phát triển kinh tế biển bền vững, hiệu quả bao gồm: Phục vụ xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; Gắn với sự nghiệp bảo vệ chủ quyền quốc gia, quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn trên biển: Phù hợp với yêu cầu quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường biển; và Gắn với phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương ven biển và hải đảo. Việc đào tạo nhân lực ở trình độ thạc sĩ về kinh tế biển sẽ góp phần thực hiện các nguyên tắc phát triển kinh tế biển vừa được ban hành theo Luật.

Cũng theo Luật Biển Việt Nam, Nhà nước ưu tiên tập trung phát triển các ngành kinh tế biển sau đây: 1. Tìm kiếm, thăm dò, khai thác, chế biến dầu, khí và các loại tài nguyên, khoáng sản biển; 2. Vận tải biển, cảng biển, đóng mới và sửa chữa tàu thuyền, phương tiện đi biển và các dịch vụ hàng hải khác; 3. Du lịch biển và kinh tế đảo; 4. Khai thác, nuôi trồng, chế biến hải sản; 5. Phát triển, nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học - công nghệ về khai thác và phát triển kinh tế biển; 6. Xây dựng và phát triển nguồn nhân lực biển. Chương trình đào tạo thạc sĩ Kinh tế biển sẽ cung cấp kiến thức, kỹ năng cần thiết cho người học nhằm mục tiêu hướng tới việc đầu tư phát triển các ngành kinh tế biển nói trên.

Với sứ mệnh cung cấp cho xã hội nguồn nhân lực chất lượng cao theo định hướng chuyên gia, lãnh đạo trong các lĩnh vực kinh tế, quản lý và quản trị kinh doanh đáp ứng nhu cầu phát triển chất lượng, hiệu quả và bền vững của Việt Nam, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN sẽ là đơn vị tiên phong triển khai chương trình đào tạo sau đại học về Kinh tế biển tại Việt Nam nhằm đáp ứng chủ trương của Đảng và Nhà nước về chiến lược phát triển biển, đáp ứng nhu cầu xã hội. Chương trình Thạc sĩ Kinh tế biển của Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN có mục tiêu:

- Cung cấp cho học viên các kiến thức nâng cao mang tính liên ngành của ngành Kinh tế Phát triển, Hải dương học và một số ngành liên quan như Kinh doanh, Quản lý, Môi trường, Thủy sản, Xuất nhập khẩu, có định hướng chất lượng cao và ứng dụng đáp ứng nhu cầu của xã hội.
- Cung cấp cho học viên cơ sở lý luận, phương pháp tư duy, kiến thức thực tiễn cùng các công cụ và kỹ năng cần thiết cho việc phân tích, đánh giá hiệu quả phát triển kinh tế biển, hoạch định chính sách và quản lý kinh tế tài nguyên biển hướng đến phát triển bền vững.
- Đào tạo cán bộ quản lý, phân tích, nghiên cứu chính sách, cán bộ hoạch định, xây dựng chiến lược trong lĩnh vực liên quan đến kinh tế biển, đáp ứng yêu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao.
 
Mọi ý kiến thắc mắc về chương trình học, cách đăng ký học, vui lòng liên hệ:
Khoa Kinh tế Phát triển, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN
Phòng 305, nhà E4, 144 Xuân Thủy, Cầu Giấy, Hà Nội
Điện thoại: 043 7547 506 (máy lẻ 309) - Hotline: 0989.526.632
Website: http://ktpt.ueb.edu.vn
Fanpage: www.facebook.com/thacsikinhtebien
 

Chương trình Thạc sĩ Kinh tế biển - Trường ĐHKT