Khoa Kinh tế Phát triển (VN)
 
Hội thảo quốc tế về đổi mới sáng tạo trong dịch vụ công và chi tiêu công

Sáng 12/11/2015, Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHKT-ĐHQGHN) đã tổ chức Hội thảo quốc tế “Đổi mới sáng tạo trong dịch vụ công và chi tiêu công: Kinh nghiệm quốc tế và bối cảnh Việt Nam”.


Tham dự hội thảo có đại diện Quỹ Hanns Seidel Foundation; lãnh đạo của các cơ quan, viện nghiên cứu, các trường đại học, các hội và hiệp hội, các chuyên gia trong nước và quốc tế; lãnh đạo Trường ĐHKT cùng đại diện các đơn vị và cán bộ giảng viên, sinh viên Nhà trường. Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn - Hiệu trưởng Trường ĐHKT cho biết: Đây là hội thảo thứ 11 trong chuỗi hội thảo thường niên về Chính sách công và Phát triển và là một cấu phần quan trọng trong định hướng nghiên cứu và tư vấn chính sách của Trường ĐHKT - ĐHQGHN. Chuỗi hội thảo cũng gắn với sự ra đời và phát triển của Khoa Kinh tế Phát triển của Trường. Qua các năm, nội dung hội thảo đều tập trung phân tích, đánh giá chính sách công của Việt Nam trong sự so sánh đối chiếu với kinh nghiệm quốc tế. Hội thảo nhằm mục đích tăng cường trao đổi học thuật cũng như thực tiễn, tạo nên một diễn đàn mà qua đó các chuyên gia trong nước và quốc tế có cơ hội trao đổi về các chủ đề liên quan tới chính sách công và phát triển bền vững.
 Hiệu trưởng Trường ĐHKT - ĐHQGHN PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn phát hiểu khai mạc hội thảo  Ông Axel Neubert - Trưởng đại diện Quỹ Hanns Seidel Foundation tại Việt Nam phát biểu chào mừng hội thảo
Hội thảo năm nay gồm hai phiên: Phiên 1 “Cải cách sáng tạo trong dịch vụ công” và Phiên 2 “Cải cách sáng tạo trong chi tiêu công và các chương trình mục tiêu quốc gia”. Bên cạnh các tham luận được trình bày trực tiếp, hội thảo cũng nhận được sự tham gia tham luận và thảo luận của nhiều chuyên gia kinh tế, cố vấn chính sách cao cấp cũng như các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam trong các lĩnh vực dịch vụ công và chi tiêu công.
 Toàn cảnh hội thảo
Trong phiên 1, các nhà nghiên cứu và hoạch định chính sách đã nhấn mạnh việc cần xác định lại vai trò và chức năng của nhà nước trong việc cung cấp các dịch vụ công, là những dịch vụ có đặc tính không loại trừ và không cạnh tranh. Các vấn đề được nêu trong tham luận của TS. Đặng Đức Đạm - nguyên Phó trưởng Ban Nghiên cứu của Thủ tướng và GS. Adam Fforde - Viện Nghiên cứu Kinh tế học chiến lược Victoria, Đại học Victoria Úc.
Các học giả nhấn mạnh trong bối cảnh ngân sách hiện đang rất khó khăn, mô hình nhà nước chuyển mạnh từ hành chính sang nhà nước phục vụ, thì sự “rút lui vai trò độc quyền” của nhà nước trong lĩnh vực dịch vụ công là cơ hội để tạo dựng một thị trường dịch vụ công hiệu quả đóng góp vào tăng trưởng kinh tế. Trong khi đó nhà nước nên tập trung nguồn lực hạn chế của mình vào bốn trụ cột chính sau: quản lý vĩ mô, quản trị các đơn vị công lập, tài trợ những dịch vụ cơ bản, thiết yếu, hỗ trợ các đối tượng chính sách và người yếu thế. Phần thảo luận trong phiên 1 với sự chủ trì của TS. Nguyễn Quốc Việt - Chủ nhiệm Khoa Kinh tế Phát triển (Trường ĐHKT - ĐHQGHN) và tham gia của chuyên gia kinh tế cao cấp Lê Đăng Doanh, GS. Adam Fforde và TS. Đặng Đức Đạm cũng nhận được nhiều ý kiến trao đổi của đại biểu tham dự. Trong phiên 2 của hội thảo, các nhà nghiên cứu tập trung xem xét vấn đề đổi mới chi tiêu công hiệu quả và phục vụ tốt các mục tiêu phát triển bền vững mà Việt Nam đã cam kết với quốc tế. Diễn giả của phiên 2 là PGS.TS Trần Thị Thanh Tú - Chủ nhiệm Khoa Tài chính - Ngân hàng (Trường ĐHKT - ĐHQGHN), bà Chu Thị Hạnh - Vụ phó Văn phòng Chương trình giảm nghèo (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), GS. Finn Tarp - Giám đốc UNU-WIDER, tư vấn trưởng dự án Danida - VARHS.
 Từ phải qua: bà Chu Thị Hạnh, PGS.TS Trần Thị Thanh Tú, GS. Finn Tarp
Các diễn giả tập trung thảo luận những cơ sở chính sách và giải pháp cụ thể thực hiện giảm nghèo bền vững cho nông thôn và miền núi, trên cơ sở những định hướng và chỉ tiêu cụ thể về giảm nghèo bền vững đến năm 2020. Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu của đề tài nghiên cứu cấp Nhà nước KHCN TB 03X/13.18  thuộc Chương trình Tây Bắc gồm TS. Nguyễn Quốc Việt, PGS.TS Trần Thanh Tú, TS. Hoàng Khắc Lịch đã đề xuất khung phân tích 5 khoảng cách - 5 GAPs để đánh giá sự phù hợp và hiệu lực thực thi của các Chương trình mục tiêu quốc gia(CTMTQG) tại Tây Bắc trong giai đoạn từ 2001-2015. Kết quả nghiên cứu cho thấy có sự chênh lệch đáng kể  giữa mục tiêu đặt ra và kết quả đạt được của các CTMTQG, giữa đánh giá của cán bộ thực thi và người dân thụ hưởng, cũng như giữa các cấp chính quyền về sự phù hợp của các chương trình cũng như mức độ tham gia của người dân.
 Các chuyên gia Việt Nam và quốc tế trao đổi tại hội thảo
Nhiều ý kiến khác tại hội thảo cũng khẳng định mục tiêu cuối cùng của các chương trình mục tiêu quốc gia trong giai đoạn tới là giúp góp phần lập tăng trưởng công bằng, bền vững hơn giữa nông thôn với thành thị, giữa miền núi với đồng bằng và giữa các nhóm/cộng đồng dân cư với những đặc thù riêng về điều kiện tự nhiên, văn hóa xã hội và bản sắc, phong tục tập quán khác nhau. Hội thảo đã kết thúc tốt đẹp, nhận được sự quan tâm và trao đổi của nhiều chuyên gia và đại biểu. Ban tổ chức hy vọng rằng, các kết quả của hội thảo sẽ góp phần vào việc hoạch định và thực hiện các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam trong giai đoạn phát triển tiếp theo 2016-2020. Hội thảo sẽ tiếp tục là cầu nối giữa các giảng viên, các nhà khoa học, các đối tác, nghiên cứu sinh, học viên, sinh viên quan tâm tới chi tiêu công, dịch vụ công và các xu hướng đổi mới chi tiêu công theo hướng xanh và bền vững.
Với phương châm: Hoạt động nghiên cứu cần dẫn dắt hoạt động đào tạo của Nhà trường, cùng với việc duy trì chuỗi hội thảo, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN nói chung, Khoa Kinh tế Phát triển thuộc Trường Đại học Kinh tế nói riêng đang triển khai xây dựng các chương trình đào tạo sau đại học gắn với các nghiên cứu lý thuyết và ứng dụng trong lĩnh vực chính sách công và quản lý công. Đó là chương trình đào tạo Thạc sĩ Kinh tế biển và chương trình đào tạo Thạc sĩ Chính sách công và Phát triển. Các chương trình thạc sĩ này đều được thiết kế một cách khoa học vừa mang tính nghiên cứu ứng dụng thực tiễn cao, vừa tham khảo các chương trình đào tạo tốt và tương tự trên thế giới.


Đỗ Chiêm