Khoa Kinh tế Phát triển (VN)
 
Nghiệm thu cấp Đại học Quốc Gia đề án mở mới Chương trình đào tạo Thạc sĩ Kinh tế biển của Khoa Kinh tế Phát triển – Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN

TS. Nguyễn Quốc Việt trình bày tóm tắt nội dung đề án tại Hội đồng nghiệm thu
Sáng ngày 02/7/2015, tại Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội đã tổ chức họp đánh giá, nghiệm thu Đề án mở mới thí điểm Chương trình đào tạo Thạc sĩ Kinh tế biển.


Hội đồng do GS TSKH Nguyễn Đình Đức, Trưởng Ban Đào tạo - ĐHQGHN chủ tọa cùng các thành viên trong Hội đồng là các nhà khoa học đầu ngành trong các lĩnh vực kinh tế, quản lý tài nguyên và môi trường, khoa học biển đảo. PGS.TS. Nguyễn Hồng Sơn - Hiệu Trưởng Trường Đại học Kinh tế và các lãnh đạo phụ trách công tác đào tạo của nhà trường tham dự buổi nghiệm thu Đề án.

Tại buổi nghiệm thu, TS. Nguyễn Viết Thành- Phó Chủ nhiệm Khoa Kinh tế Phát triển, thay mặt Ban xây dựng đề án trình bày khái quát nội dung của Đề án chương trình đào tạo Thạc sĩ Kinh tế biển tại Trường Đại học Kinh tế, trong đó nhấn mạnh tính cấp thiết, nội dung cốt lõi và tính khác biệt của chương trình. Chương trình đào tạo Thạc sĩ Kinh tế biển là một chương trình đào tạo mang tính liên ngành, có định hướng ứng dụng. Chương trình có mục tiêu chung là đào tạo thạc sĩ Kinh tế biển với kiến thức chuyên sâu về hoạch định chính sách, quản trị, quản lý về kinh tế biển. Học viên sau khi tốt nghiệp có thể trở thành nhà quản lý, chuyên gia trong lĩnh vực kinh tế biển, có đủ năng lực để tổ chức, điều hành, thực thi các hoạt động hoạch định chính sách, quản trị và quản lý trong lĩnh vực kinh tế biển.                  

Các nhà khoa học trong Hội đồng đã đánh giá cao tính thiết thực của việc xây dựng chương trình Thạc sĩ Kinh tế biển cũng như những nỗ lực của Ban xây dựng Đề án.Thực tế hiện nay, phát triển kinh tế biển giữ vai trò rất quan trọng đối với phát triển kinh tế  và đảm bảo an ninh quốc phòng của Việt Nam. Các thành viên Hội đồng  thống nhất cho rằng: ở Việt Nam hiện nay chỉ có một vài chương trình thạc sĩ chuyên biệt, chủ yếu khai thác các ngành kinh tế biển đặc thù như vận tải biển và cảng biển hay khai thác thủy sản, chưa có một chương trình đào tạo sau đại học nào trực tiếp đào tạo chuyên ngành Kinh tế biển. Vì thế việc xây dựng đề án Chương trình đào tạo Thạc sĩ Kinh tế biển tại Đại học Kinh tế, ĐHQGHN là rất cần thiết nhằm phục vụ phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho chiến lược phát triển kinh tế biển của Đảng và Nhà nước.

Bên cạnh đó, các thành viên Hội đồng cũng  đưa ra một số góp ý thiết thực để hoàn thiện Đề án: Đề án cần làm rõ tính liên ngành của chương trình, cần bổ sung khung chương trình với những học phần thực sự gắn với thực tiễn phát triển và chính sách, pháp luật về biển nói riêng và phát triển kinh tế biển nói  chung; rà soát lại hệ thống giáo trình, học liệu và làm rõ hơn nữa tính đặc thù, khác biệt của chương trình đào tạo thí điểm.

Thay mặt Ban xây dựng đề án, TS. Nguyễn Quốc Việt Chủ nhiệm Khoa Kinh tế Phát triển cảm ơn những ý kiến đóng góp của các thành viên Hội đồng và nhất trí tiếp thu và chỉnh sửa phù hợp để sớm triển khai chương trình. Hội đồng nghiệm thu đã bỏ phiếu thông qua Đề án với kết quả xếp loại Khá. Thay măt hội đồng, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức yêu cầu nhóm xây dựng đề án điều chỉnh, bổ sung một số điểm theo kết luận và góp ý của các thành viên Hội đồng

Sau khi nghiệm thu, Đề án sẽ được chỉnh sửa và hoàn thiện, trình Đại học Quốc gia thẩm định và cho phép triển khai. Dự kiến, Chương trình sẽ tuyển sinh mỗi năm hai đợt: vào tháng 5 và tháng 9 hàng năm. Thời gian cho toàn khóa học là 20 tháng. Ngoài những kiến thức chung và chuyên ngành mà chương trình trang bị, học viên sẽ có cơ hội được học một số học phần có sự tham gia hướng dẫn của các chuyên gia, nhà hoạch định chính sách có kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh tế biển và các giảng viên quốc tế. Bên cạnh đó, học viên còn có cơ hội thực tập thực tế tại một số trường Đại học đối tác ở nước ngoài trong số các Đại học nằm trong top 500 Đại học hàng đầu trên thế giới có các chương trình đào tạo liên quan đến Kinh tế biển.


Hoa Hạnh (Khoa KTPT)