Khoa Kinh tế và Kinh doanh Quốc Tế (Fibe)
 
Gợi mở các chính sách ưu đãi vượt trội để thu hút FDI vào Việt Nam trong bối cảnh mới

Với mục đích phân tích, đánh giá tác động của bối cảnh mới trong nước và quốc tế đến dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) toàn cầu cũng như dòng vốn FDI vào Việt Nam; đánh giá hoạt động và ứng biến của doanh nghiệp FDI tại Việt Nam trước những biến động của nền kinh tế thế giới, từ đó dự báo về các xu hướng và triển vọng của dòng vốn FDI, đồng thời đưa ra khuyến nghị cho Việt Nam, ngày 8/10/2021, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN (đầu mối là Khoa Kinh tế và Kinh doanh Quốc tế) phối hợp với Trường Đại học Thương mại, Đại học Hải phòng và Ban quản lý Khu kinh tế Hải phòng tổ chức Hội thảo khoa học Quốc tế với chủ đề “FDI toàn cầu và ứng biến của doanh nghiệp FDI tại Việt Nam trong bối cảnh mới”.


Hội thảo được diễn ra với 3 điểm cầu chính đặt tại: Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN, Trường Đại học Hải Phòng, Trường Đại học Thương mại; được phát trực tiếp (livestream) trên Fanpage “UEB - Research & Sharing” của Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN; do Viện Friedrich Naumann for Freedom (FNF) tài trợ.

Tham dự hội thảo có PGS.TS. Nguyễn Trúc Lê - Hiệu trưởng, PGS.TS Nguyễn Anh Thu - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN; PGS.TS. Nguyễn Hoài Nam - Hiệu trưởng Trường ĐH Hải Phòng; PGS.TS. Nguyễn Thị Bích Loan - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Thương mại, GS.TS. Andreas Stoffers - Giám đốc Quốc gia Viện FNF Việt Nam cùng gần 350 đại biểu là các nhà hoạch định chính sách, các nhà quản trị doanh nghiệp / hiệp hội doanh nghiệp, các nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế.

PGS.TS. Nguyễn Trúc Lê - Hiệu trưởng Trường ĐHKT, ĐHQGHN phát biểu khai mạc hội thảo
 
Hội thảo được tổ chức trực tuyến với sự tham gia của gần 350 đại biểu Việt Nam và quốc tế
 

Hội thảo được chia thành 2 phiên. Phiên 1 của Hội thảo đã cung cấp cho người nghe một bức tranh tổng quát về dòng FDI toàn cầu và FDI vào Việt Nam trong bối cảnh biến động của nền kinh tế thế giới cũng như tác động của FDI đối với Việt Nam. Phiên 2 của Hội thảo phân tích FDI từ góc độ của doanh nghiệp, trong đó tập trung trung vào vấn đề trách nhiệm xã hội (TNXH) của doanh nghiệp FDI, cũng như ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 tới hoạt động của doanh nghiệp. 

 

 GS.TS. Andreas Stoffers, Giám đốc Quốc gia Viện FNF tại Việt Nam

Trong phần trình bày về“Vai trò của EVIPA trong việc mở rộng FDI của EU vào Việt Nam”, GS.TS. Andreas Stoffers, Giám đốc Quốc gia Viện FNF Việt Nam đã chỉ ra cơ hội phục hồi của Việt Nam trong năm 2021 thông qua việc điểm lại tình hình kinh tế thế giới, đồng thời nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của EU đối với nền kinh tế Việt Nam. Ông cũng chỉ ra rằng Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA) sẽ mang lại nhiều cơ hội cho Việt Nam như tạo điều kiện để cải thiện luật trong nước, mang lại niềm tin cho các nhà đầu tư, thu hút thêm các khoản đầu tư chất lượng cao từ EU, mang hiệu ứng lan tỏa và chuyển giao tri thức; đồng thời giúp Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn hơn và thúc đẩy sự hội nhập của Việt Nam vào chuỗi giá trị toàn cầu. Từ đó, ông Andreas Stoffers cũng đưa ra một số hàm ý chính sách cho chặng đường tiếp theo của Việt Nam.

Theo PGS.TS. Hà Văn Hội, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN trong bài trình bày “Bức tranh FDI toàn cầu và định hướng thu hút FDI thế hệ mới của Việt Nam trong bối cảnh kinh tế thế giới suy giảm trên diện rộng”, kinh tế thế giới năm 2020 giảm mạnh (-4,2%); trong đó, phần lớn các nền kinh tế đều tăng trưởng âm, ngoại trừ Trung Quốc, Ai Cập và Việt Nam. Trong thời gian gần đây, thu hút vốn FDI vào Việt Nam đã bắt đầu có những chuyển hướng tích cực về chất lượng: (1) Thu hút FDI từ các tập đoàn lớn, công nghệ cao, tạo điều kiện chuyển giao công nghệ và kiến thức, tăng khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam; (2) Góp phần tạo ra việc làm "tử tế" và giá trị gia tăng; (3) Doanh nghiệp FDI hoạt động một cách có TNXH và quan tâm môi trường. Một số hạn chế của dòng vốn FDI cũng được chỉ ra cùng với một số giải pháp đẩy mạnh thu hút FDI thế hệ mới vào Việt Nam.

Đại điện cho Trường ĐH Hải Phòng, TS. Nguyễn Thị Thuý Hà mang đến Hội thảo bài trình bày với chủ đề “Phân tích mối quan hệ giữa đầu tư trực tiếp nước ngoài và tăng trưởng kinh tế Việt Nam giai đoạn 2010 - 2020”. Sử dụng phương pháp OLS, nghiên cứu đã chỉ ra vai trò của FDI với phát triển kinh tế, đặc biệt nhấn mạnh vào hai biến số kinh tế vĩ mô là GDP và FDI; từ đó đưa ra kết luận về kinh tế vĩ mô, thương mại, chính sách về môi trường đầu tư và cạnh tranh của Việt Nam, nguồn lực khoa học công nghệ và nhân lực.

Bà Nguyễn Thị Thúy Hà - Trường ĐH Hải Phòng phát biểu tại hội thảo

PGS.TS. Nguyễn Thị Minh Nhàn, Trường ĐH Thương mại với chủ đề “Giải pháp cho doanh nghiệp FDI trong thực hiện trách nhiệm xã hội đối với người lao động khi Việt Nam tham gia các FTA thế hệ mới” đã phân tích thực trạng thực hiện TNXH đối với người lao động tại doanh nghiệp FDI Việt Nam. Cụ thể là về thực hiện TNXH đối với quyền tự do hiệp hội và thương lượng tập thể; quyền nghiêm cấm sử dụng lao động cưỡng bức; quyền nghiêm cấm sử dụng lao động trẻ em; cấm phân biệt đối xử trong lao động; và đảm bảo điều kiện làm việc chấp nhận được. Tác giả cũng phân tích những thành công, hạn chế của doanh nghiệp FDI về thực hiện TNXH, đưa ra nguyên nhân và nhận định về xu hướng phát triển doanh nghiệp FDI Việt Nam liên quan tới vấn đề này.

PGS.TS. Nguyễn Thị Minh Nhàn tại điểm cầu Trường ĐH Thương mại

Đi vào trường hợp cụ thể của doanh nghiệp FDI tại Việt Nam, hội thảo đã được nghe chia sẻ kinh nghiệm ứng phó với đại dịch Covid-19 của ông Ou Yan Fen Fei, Phó Tổng giám đốc, Regina Miracle International Vietnam, Co., Ltd - doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài thuộc tập đoàn Regina Miracle, HongKong, chuyên sản xuất đồ nội y, quần áo thể thao và giày thể thao. Diễn giả đã chia sẻ những khó khăn của doanh nghiệp; những thành công vượt bậc và những bài học trong giai đoạn Covid-19 vừa qua, cũng như chiến lược của Công ty trong tương lai.

Ông Phạm Huy Hùng chia sẻ các khó khăn và hoạt động xã hội của Ngân hàng Shinhan
 

Ông Phạm Huy Hùng - Giám đốc Khối Bán lẻ, Ngân hàng Shinhan, Chi nhánh Hải Phòng cũng đề cập đến ảnh hưởng của đại dịch Covid đến Ngân hàng Shinhan Việt Nam và các biện pháp ứng phó. Những khó khăn của ngân hàng được đề cập tới gồm có điều chỉnh giảm lãi suất với khách hàng vay, gia hạn thời gian trả nợ, cơ cấu nợ vay quá hạn… Diễn giả cũng chia sẻ về hoạt động xã hội của ngân hàng như giải cứu nông sản, Tết Trung thu, tài trợ quỹ vắc-xin phòng chống Covid-19…

Hội thảo cũng đã nhận được sự chia sẻ và thảo luận của các chuyên gia trong nước và quốc tế, đại diện các hiệp hội, ngành hàng, doanh nghiệp, nghiên cứu viên các viện nghiên cứu, giảng viên các trường đại học về các bài trình bày của các diễn giả. 

PGS.TS Nguyễn Anh Thu - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN điều hành hội thảo
 
Các đại biểu tham gia hội thảo tại đầu cầu Đại học Hải Phòng
 

Sau 6 tháng chuẩn bị, Ban tổ chức hội thảo đã nhận được hơn 100 bài viết đến từ các tác giả trong và ngoài nước. Sau khi tiến hành phản biện hai vòng độc lập, Ban chuyên môn của Hội thảo đã lựa chọn ra 88 bài để đăng trong Kỷ yếu. Nội dung của Kỷ yếu Hội thảo gồm ba chủ đề chính: (1) Bối cảnh quốc tế và ảnh hưởng đến dòng FDI toàn cầu và khu vực; (2) Bối cảnh mới và ảnh hưởng đến dòng FDI vào Việt Nam; (3) Tác động của bối cảnh mới đến hoạt động FDI và ứng biến của doanh nghiệp FDI tại Việt Nam.

Thông qua các bài viết trong Kỷ yếu cũng như các bài trình bày và thảo luận tại Hội thảo, có thể thấy rằng Việt Nam đang đứng trước cơ hội mới trong thu hút FDI. Để nắm bắt cơ hội tiếp nhận dòng FDI trong bối cảnh mới phù hợp với tinh thần Nghị quyết 50-NQ/TW về thu hút FDI chất lượng cao, Việt Nam cần có chiến lược và kế hoạch hành động gắn liền với việc cải cách môi trường đầu tư, chính sách và thể chế cụ thể. Chính phủ và các doanh nghiệp Việt Nam cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp sau:

Đối với Chính phủ:

Một là, đổi mới khung chính sách về ưu đãi đầu tư với các chính sách ưu đãi vượt trội, mang tính cạnh tranh, tạo điều kiện kinh doanh thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn đa quốc gia đầu tư, đặt trụ sở và thành lập các trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D), trung tâm đổi mới sáng tạo tại Việt Nam với các dự án lớn, trọng điểm quốc gia, dự án công nghệ cao, ít tác động tiêu cực tới môi trường...

Hai là, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về FDI; đặc biệt tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán để đảm bảo các doanh nghiệp FDI sử dụng đúng, hiệu quả nguồn lực, cũng như đảm bảo cam kết đầu tư.

Ba là, hoàn thiện cơ chế, chính sách để tạo động lực mới cho thu hút và sử dụng nguồn vốn FDI vào các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghệ cao, khu nông nghiệp công nghệ cao; tăng cường thu hút nhà đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp FDI, đặc biệt là các tập đoàn đa quốc gia liên kết với doanh nghiệp trong nước hình thành và phát triển cụm liên kết ngành theo từng chuỗi giá trị.

Bốn là, chủ động theo dõi, đánh giá xu hướng dịch chuyển dòng vốn FDI và công nghệ vào Việt Nam để có thể lựa chọn và thu hút được những dự án đầu tư phù hợp.

Năm là, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để tiếp nhận FDI thế hệ mới. Trong bối cảnh CMCN 4.0, để đáp ứng được thời kỳ “chuyển đổi số” cũng như đáp ứng những yêu cầu thu hút FDI chất lượng cao, nguồn nhân lực cần phải được cải thiện, không thể mãi phụ thuộc vào gia công giá rẻ.

Sáu là, nhà nước cũng cần có cải thiện môi trường vĩ mô để các doanh nghiệp FDI thực hiện tốt TNXH đối với người lao động. Cần hoàn chỉnh khung pháp lý Việt Nam phù hợp cam kết FTA thế hệ mới và định hướng tăng cường khả năng nhận diện, thúc đẩy tuân thủ cam kết lao động. Đồng thời, nhà nước cũng cần tổ chức và triển khai thiết chế thanh tra lao động.

Đối với doanh nghiệp:

  • Một là, cần có giải pháp để doanh nghiệp FDI trong thực hiện TNXH đối với người lao động khi tham gia FTA thế hệ mới ở Việt Nam thông qua nâng cao năng lực người sử dụng lao động, người lao động; và tăng cường kỹ năng thực hành TNXH đối với người lao động. Các doanh nghiệp nên chú trọng xác lập mục tiêu thực hiện TNXH đối với người lao động trong chiến lược doanh nghiệp FDI; trong đó coi TNXH như một chiến lược kinh doanh mới với mục tiêu cải thiện tình hình tài chính, nâng cao động cơ làm việc của NLĐ, tăng cường lòng trung thành của khách hàng, gia tăng giá trị thương hiệu cùng danh tiếng của công ty.
  • Thứ hai, cần xây dựng chiến lược để tăng cường hiệu quả sản xuất, phù hợp với bối cảnh đại dịch Covid-19. Đại dịch đã làm đứt gãy chuỗi cung ứng và tăng cường sự phổ biến của thương mại điện tử, trong đó nhấn mạnh vào quy trình đặt hàng nhanh và vòng sản xuất ngắn để ứng phó với yêu cầu giảm chi phí lưu kho của doanh nghiệp. Chính vì thế, các doanh nghiệp cần cải thiện quy trình sản xuất, đồng thời quản lý được những rủi ro liên quan.
  • Thứ ba, doanh nghiệp cần chủ động áp dụng các biện pháp chuyển đổi số để ứng phó với đại dịch và tạo ra sự phát triển dài hạn, bền vững. Các giải pháp được đưa ra gồm có: áp dụng cách làm mới và linh hoạt; đào tạo kỹ năng số cho người lao động; tìm giải pháp cho chuỗi cung cứng mới; tăng cường áp dụng tự động hoá.
  • Thứ tư, doanh nghiệp có thể xem xét đẩy mạnh nội địa hoá để tránh phụ thuộc vào thị trường nước ngoài. Đây được xem là biện pháp thay thế để doanh nghiệp tìm kiếm nguồn nguyên vật liệu đầu vào.
  • Thứ năm, doanh nghiệp cần tìm kiếm cơ hội đa dạng hoá sản phẩm và thị trường để tránh rủi ro. Kinh nghiệm của Regina Miracle International Vietnam, Co., Ltd chỉ ra rằng, ngoài việc thắt chặt mối quan hệ với các đối tác truyền thống, tìm kiếm và mở rộng sang các thị trường mới sẽ giúp doanh nghiệp phân tán rủi ro và gia tăng lợi nhuận.

Có thể thấy rằng, Hội thảo đã trở thành diễn đàn để các nhà hoạch định chính sách, các nhà quản trị doanh nghiệp, các hiệp hội doanh nghiệp, các nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về các vấn đề liên quan đến sự thay đổi của dòng vốn FDI trên phạm vi toàn cầu, ứng biến của các doanh nghiệp FDI. Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới hiện đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức nghiêm trọng như hiện nay, các hàm ý chính sách cho Chính phủ có ý nghĩa hết sức quan trọng để giúp cho Việt Nam tiếp tục thu hút được dòng vốn FDI một cách chọn lọc và hiệu quả, phù hợp với định hướng phát triển của đất nước. Đồng thời, doanh nghiệp FDI có thể tham khảo các hàm ý từ Hội thảo để ứng phó với đại dịch và xây dựng chiến lược kinh doanh bền vững.

 
>> Download kỷ yếu Hội thảo: https://bit.ly/3ag1kta
>> Download tài liệu hội thảo tại đây: https://bit.ly/3BmInAU
____________
THÔNG TIN LIÊN QUAN:

Nguyễn Thanh Mai


Các tin khác