Khoa Kinh tế và Kinh doanh Quốc Tế (Fibe)
 
Cần đổi mới tư duy quản lý an ninh nguồn nước

Cuốn “Kinh tế và quản lý an ninh nguồn nước lưu vực sông” và các tác giả chủ biên của sách
Đó là khuyến nghị mà nhóm tác giả cuốn sách “Kinh tế và quản lý an ninh nguồn nước lưu vực sông” (gồm PGS.TS. Nguyễn Trúc Lê, PGS.TS. Nguyễn An Thịnh, ThS. Nguyễn Đức Lâm - Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN; ThS. Nguyễn Tất Tuấn - Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia, Bộ Tài nguyên và Môi trường) muốn gửi đến lực lượng vũ trang, các cơ quan quản lý Trung ương và các địa phương lưu vực nguồn nước. Bên cạnh đó, các nhà khoa học này cũng đã gợi mở một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng nước hợp lý, tiết kiệm tài nguyên nước và phòng chống các tác hại do nước gây ra.


Đảm bảo an ninh nguồn nước đã trở thành vấn đề cấp bách ở quy mô toàn cầu và của mỗi khu vực, mỗi quốc gia nói riêng. Mặc dù là một trong số các quốc gia được xem là có trữ lượng nước dồi dào, tuy nhiên Việt Nam đang phải đối đầu với thách thức về an ninh nguồn nước do những tác động tổng hợp cả về tự nhiên (phân bố nguồn nước không đồng đều, sự phụ thuộc mạnh mẽ vào nguồn nước các con sông bên ngoài,…) và nhân sinh (các hoạt động phát triển liên quan đến sử dụng nước, chất lượng nguồn nước, chu trình nước, khả năng sinh thủy và phân phối nguồn nước theo không gian và thời gian,…). Việt Nam cũng chưa có công cụ pháp lý với những chế tài đủ mạnh để bảo đảm an ninh nguồn nước cho phát triển bền vững. Vấn đề an ninh nguồn nước đã được cảnh báo với những phân tích rủi ro có thể ảnh hưởng đến tiến trình phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, chưa có những nghiên cứu hệ thống và chuyên sâu về an ninh nguồn nước trên lãnh thổ Việt Nam.
Cuốn sách “Kinh tế và quản lý an ninh nguồn nước lưu vực sông” trình bày các kết quả nghiên cứu xây dựng các bộ chỉ số, phát triển các mô hình đánh giá kinh tế tài nguyên nước và đánh giá an ninh nguồn nước áp dụng cho các lưu vực sông chính của Việt Nam. Các kết quả nghiên cứu đóng góp vào hoạch định hệ thống giải pháp nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng nước hợp lý, tiết kiệm tài nguyên nước và phòng chống các tác hại do nước gây ra.
Trong cuốn sách này, nhóm tác giả của Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN đã đề xuất các giải pháp về an ninh, quốc phòng đối với lực lượng vũ trang, các cơ quan quản lý Trung ương và các địa phương lưu vực nguồn nước. Trong đó đặc biệt khuyến nghị đối với các lực lượng vũ trang:
- Cần tiếp tục tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước và các kế hoạch, chỉ thị của Bộ Công an về công tác bảo vệ môi trường, phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường, đe dọa an ninh nguồn nước làm cho mỗi cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân hiểu sâu sắc và nhận thức rõ nhiệm vụ công tác bảo vệ an ninh nguồn nước trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
- Rà soát kỹ các văn bản pháp luật liên quan đến hoạt động của lực lượng Cảnh sát môi trường để tham mưu cho Chính phủ, Quốc hội bổ sung, hoàn thiện theo hướng tăng thẩm quyền điều tra tố tụng và xử lý vi phạm hành chính cho lực lượng Cảnh sát môi trường.
- Triển khai các kế hoạch, biện pháp nghiệp vụ Công an nhân dân nhằm nhanh chóng phát hiện và xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật và tội phạm về môi trường, đe dọa an ninh nguồn nước.
- Kiện toàn chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường các cấp. Làm tốt công tác tuyển dụng, đào tạo huấn luyện, phân công bố trí cán bộ Cảnh sát môi trường. Đồng thời phối hợp với lực lượng Cảnh sát các nước có kinh nghiệm để tổ chức phòng ngừa, đấu tranh phòng, chống tội phạm môi trường, đe dọa an ninh nguồn nước.
Các giải pháp về cơ chế, chính sách nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng nước hợp lý, tiết kiệm tài nguyên nước và phòng chống các tác hại do nước gây ra cũng đã được chỉ rõ trong ấn phẩm này, bao gồm:
  • Hoàn thiện thể chế quản lý tài nguyên nước
  • Quản lý nước ở quy mô lưu vực thông qua các giải pháp quản trị tổng hợp
  • Nâng cao giá trị các hoạt động sản xuất có sử dụng nước trong lĩnh vực nông nghiệp
  • Hoàn thiện chính sách kiểm soát tình trạng ô nhiễm hiện nay
  • Nâng cao chất lượng quản lý rủi ro, ứng phó với thiên tai và tăng cường sức chống chịu
  • Thiết lập và mở rộng quy mô tài chính và các ưu đãi dựa trên thị trường
  • Tăng cường an ninh nguồn nước cho các khu định cư.
 
>> Về cuốn sách: Kinh tế và quản lý an ninh nguồn nước lưu vực sông
Sách có tại:
Khoa Kinh tế Phát triển, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN
Phòng 711, Nhà E4, số 144 đường Xuân Thủy, Cầu Giấy, Hà Nội
Điện thoại: 0912.300.314 (Mr. Thịnh)
 
  
PGS.TS Nguyễn Trúc Lê - một trong hai tác giả chủ biên của cuốn sách "Kinh tế và quản lý an ninh nguồn nước lưu vực sông" - hiện đang giữ chức vụ Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - ĐHQG Hà Nội. Ông có bằng Tiến sĩ, chuyên ngành kinh tế tại Đại học Kingston, London, Vương quốc Anh năm 2006.
PGS.TS Trúc Lê từng là nhà tư vấn tài chính trong lĩnh vực tín dụng ngân hàng và từng làm việc tại Ngân hàng Trung ương Ba Lan, BIG Bank Gdank, nay là Deutsche Bank. PGS.TS Trúc Lê cũng là cố vấn nghiên cứu của chính phủ trong các lĩnh vực an ninh phi truyền thống và cải cách hành chính công.
  PGS.TS Nguyễn An Thịnh  - Chủ nhiệm Khoa Kinh tế Phát triển, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN, là một trong hai tác giả chủ biên của cuốn sách "Kinh tế và quản lý an ninh nguồn nước lưu vực sông". Ông là chuyên gia nghiên cứu về Kinh tế môi trường, Kinh tế du lịch, du lịch sinh thái, Quản lý tài nguyên và môi trường, Sinh thái cảnh quan, Đánh giá đất đai và quy hoạch sử dụng đất, Mô hình hóa không gian và phân tích định lượng, Thiên tai và biến đổi khí hậu, Công nghệ GIS ứng dụng trong các lĩnh vực liên ngành.
 

Phòng Tạp chí - Xuất bản Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN