Khoa Kinh tế và Kinh doanh Quốc Tế (Fibe)
 
Hội thảo “Đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đối với đánh bắt và nuôi trồng thủy sản khu vực phía Bắc”

Các tác giả trình bày báo cáo tại hội thảo
Đây là hội thảo được tổ chức ngày 12/11/2013, trong khuôn khổ Đề tài “Lượng giá kinh tế do biến đổi khí hậu đối với thủy sản miền Bắc và đề xuất giải pháp giảm thiểu thiệt hại do biến đổi khí hậu (BĐKH-25)” thuộc Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp Nhà nước mã số KHCN-BĐKH/11-15 do cán bộ, giảng viên Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN làm chủ nhiệm.


Hội thảo do PGS.TS. Nguyễn Ngọc Thanh - Phó Hiệu trưởng Trường ĐHKT chủ trì, nhằm tham khảo ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà nghiên cứu, giảng viên cho việc nghiên cứu các chuyên đề thuộc đề tài.
Tới tham dự hội thảo có TS. Vũ Minh Sơn - Phó Chánh Văn phòng Bộ Tài nguyên và Môi trường, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu, đối tác chiến lược của Đề tài BĐKH-25 và Trường Đại học Kinh tế (ĐHKT) - ĐHQGHN. Về phía nhà trường có TS. Vũ Anh Dũng - Phó Hiệu trưởng, lãnh đạo các đơn vị cùng cán bộ, giảng viên và sinh viên tham gia hội thảo.

PGS.TS Nguyễn Ngọc Thanh - Phó Hiệu trưởng Trường ĐHKT chủ trì hội thảo
PGS.TS Nguyễn Ngọc Thanh - Phó Hiệu trưởng Trường ĐHKT chủ trì hội thảo
Tại phiên thứ nhất của hội thảo, các báo cáo tập trung vào những chuyên đề tổng quan và phương pháp được áp dụng vào đề tài nghiên cứu. TS. Nguyễn Viết Thành (giảng viên Khoa Kinh tế Phát triển) đã trình bày về phương pháp tiếp cận thay đổi năng suất (phương pháp CP). Đây là phương pháp đã được sử dụng rộng rãi, đặc biệt trong đánh giá tác động thay đổi chất lượng môi trường.
Báo cáo của ThS. Đàm Thị Tuyết (giảng viên Khoa Kinh tế Phát triển) nêu lên phương pháp mô hình đánh giá rủi ro và tổn thương do biến đổi khí hậu (BĐKH) đến ngành thủy sản (gọi tắt là phương pháp VRA). Mục đích của phương pháp này để t
ổng hợp và phân tích các nghiên cứu về đánh giá rủi ro và tổn thương do BĐKH đến ngành thủy sản, nhằm xây dựng cơ sở phương pháp luận cho việc xây dựng mô hình đánh giá tổn thương do BĐKH đến nuôi trồng thủy sản ở miền Bắc Việt Nam.
Ngoài ra, để có thể lượng giá được những tổn thất của BĐKH trong đánh bắt và nuôi trồng thủy sản, các mô hình lượng giá kinh tế do biến đổi khí hậu và phương pháp chuyển giao lợi ích là không thể thiếu. Nội dung này được trình bày trong báo cáo của TS. Bùi Đại Dũng (giảng viên Khoa Kinh tế Phát triển).
Báo cáo của TS. Nguyễn Đăng Mậu (Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Môi trường) phân tích và đánh giá tình hình biến đổi khí hậu của Việt Nam nói chung và miền Bắc nói riêng; xây dựng các kịch bản biến đổi khí hậu cho các khu vực có thủy sản chịu tác động của biến đổi khí hậu ở miền Bắc theo các kịch bản BĐKH của Bộ Tài nguyên và Môi trường.



Toàn cảnh hội thảo


Thảo luận về những báo cáo này, các đại biểu đến từ Viện Kinh tế và Quy hoạch thủy sản, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, Viện Nghiên cứu Quản lý Biển và Hải đảo... đã nêu lên những điểm mạnh, điểm hạn chế của các báo cáo và gợi ý những nội dung cần bổ sung như: tránh sai số cộng dồn của cơ sở dữ liệu, tối ưu hóa số liệu đầu vào trước khi chạy mô hình...

Trong phiên thứ hai của hội thảo, các báo cáo tập trung vào đánh giá tác động của BĐKH với đánh bắt và nuôi trồng thủy sản khu vực phía Bắc. Trong đó, các báo cáo được những chuyên gia chuyên ngành như ThS. Cao Thị Lệ Quyên (Viện phó Viện Kinh tế và Quy hoạch thủy sản), ThS. Thân Thị Hiền (Trung tâm Bảo tồn sinh vật biển và Phát triển cộng đồng - MCD) tổ chức nghiên cứu tại các tỉnh miền Bắc như Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình.

Các báo cáo đã chỉ rõ đặc điểm kinh tế - xã hội, hiện trạng đánh bắt và nuôi trồng thủy sản tại các tỉnh khu vực phía Bắc; đồng thời cũng đề cập đến những nhiệm vụ và kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu tại các huyện ven biển; các giải pháp thực hiện như: giải pháp về chính sách hỗ trợ nghề cá của tỉnh, giải pháp về khoa học, công nghệ - kỹ thuật làm cơ sở khoa học xây dựng các thể chế, chính sách, giải pháp về tài chính...
Theo ý kiến các chuyên gia tại hội thảo, với số liệu thực tế tại địa phương, các báo cáo đã được phân tích một cách thuyết phục hơn và có cơ sở kết luận. Tuy nhiên, số liệu cần được tổng hợp hơn để đề tài nghiên cứu được hoàn chỉnh hơn nữa.



Các đại biểu và khách mời chụp ảnh lưu niệm tại hội thảo


Sau một ngày làm việc nghiêm túc và hiệu quả, các tác giả đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp bổ ích của các chuyên gia và giảng viên, góp phần hoàn thiện và nâng cao chất lượng của đề tài.
Hội thảo đã kết thúc tốt đẹp. Thay mặt Ban chủ nhiệm đề tài, PGS.TS. Nguyễn Ngọc Thanh gửi lời cám ơn các đối tác, các đại biểu, các chuyên gia và giảng viên đã tham dự, đóng góp nhiều ý kiến cho quá trình triển khai và nội dung của đề tài, đồng thời bày tỏ mong muốn sẽ tiếp tục nhận được sự cộng tác tích cực của các chuyên gia, các nhà nghiên cứu... để đề tài đạt hiệu quả cao, có ý nghĩa thiết thực với cuộc sống.

Tin: Nha Đam - Ảnh: Đỗ Đỗ


Các tin khác