Khoa Kinh tế và Kinh doanh Quốc Tế (Fibe)
 
Tọa đàm “Trung Quốc: Một số vấn đề kinh tế - chính trị sau Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ XVIII”

Tại buổi tọa đàm (Ảnh: Đỗ Chiêm)
Ngày 18/1/2013, Chương trình Nghiên cứu kinh tế Trung Quốc (VCES) thuộc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN đã tổ chức cuộc tọa đàm khoa học “Trung Quốc: Một số vấn đề kinh tế - chính trị sau Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ XVIII”.


Do ảnh hưởng của Trung Quốc đối với thế giới và khu vực ngày càng lớn, Đại hội XVIII Đảng Cộng sản Trung Quốc - Đại hội chuyển giao quyền lực lãnh đạo từ thế hệ thứ 4 sang thế hệ thứ 5 - thu hút không chỉ sự chú ý của người dân Trung Quốc mà còn của nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là các quốc gia lân cận.
Trong bối cảnh đó, tọa đàm khoa học lần này của VCES đã quy tụ được các học giả, các nhà nghiên cứu đầu ngành trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị, ngoại giao đến từ nhiều cơ quan nghiên cứu uy tín của cả nước như: Viện Chiến lược phát triển, Viện Nghiên cứu quản lí kinh tế Trung ương (Bộ Kế hoạch - Đầu tư); Viện Nghiên cứu Trung Quốc, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á, Viện Kinh tế VN, Trung tâm Phân tích và dự báo (Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam); Hội Khoa học kinh tế Việt Nam; HV Ngoại giao… Ngoài ra còn có sự góp mặt của nhiều chuyên viên cao cấp của Vụ Tổng hợp kinh tế, Vụ Đông Bắc Á, Vụ Đông Nam Á; các nhà nghiên cứu đến từ Viện Nghiên cứu Chiến lược Ngoại giao (Bộ Ngoại giao), giảng viên và sinh viên các trường đại học…
Trong buổi tọa đàm khoa học, sau khi nghe 2 diễn giả (TS. Phạm Sỹ Thành và TS. Võ Trí Thành) trình bày bài tham luận, các học giả đã cùng nhau trao đổi, thảo luận các kết quả nghiên cứu, quan điểm và nhận định về những vấn đề căn bản tình hình kinh tế, chính trị của Trung Quốc, từ đó có những gợi ý mở, những hàm ý chính sách cho Việt Nam.
Nhận định về chuyển đổi phương thức phát triển của Trung Quốc sau Đại hội XVIII, TS. Đặng Xuân Thanh nhấn mạnh các nghiên cứu cần tập trung tìm hiểu hơn nữa về các “ngưỡng” của kinh tế Trung Quốc, xem xét khả năng “đến ngưỡng” hay chưa của nền kinh tế này. Một số “ngưỡng” cụ thể được tiến sĩ trao đổi bao gồm: vấn đề bất bình đẳng, vấn đề chi tiêu cho an ninh nội địa và an ninh quốc phòng, vấn đề môi trường, vấn đề đô thị hóa, các sự kiện mang tính công chúng... Đặc biệt, TS. Đặng Xuân Thanh cho rằng, quá trình chuyển đổi phương thức phát triển ở Trung Quốc không thể tách rời được quá trình cải cách chính trị, xét từ kinh nghiệm thành công cũng như kinh nghiệm thất bại của nhiều quốc gia trên thế giới.
Chia sẻ quan điểm với TS. Đặng Xuân Thanh và quan điểm trong tham luận của TS. Phạm Sỹ Thành, TS. Võ Trí Thành nhận định điều thế giới quan tâm hiện nay không phải là Trung Quốc có thực hiện giảm tốc tăng trưởng kinh tế hay không mà là thực hiện như thế nào. Đồng thời, ông cho rằng, Trung Quốc đang chuyển từ mô hình “10 + 2” (tăng trưởng 10%, lạm phát 2%) sang mô hình “8 + 4”. TS. Võ Trí Thành đề nghị 3 lĩnh vực cần tập trung nghiên cứu về kinh tế Trung Quốc. Đó là: (1) kinh tế chính trị, trong đó đáng chú ý là vai trò của lãnh tụ đối với sự phát triển của Trung Quốc nói chung và kinh tế Trung Quốc nói riêng; tình hình phân quyền ở địa phương; (2) tăng trưởng kinh tế: Trung Quốc đang thực hiện sự chuyển dịch sang “chiến lược cân bằng tăng trưởng”; (3) vấn đề innovation của Trung Quốc.
Với tư cách là người trao đổi chính cho báo cáo tham luận mang tên “Quốc tế hóa đồng Nhân dân tệ và tác động đối với Việt Nam” của TS. Võ Trí Thành, TS. Nguyễn Đức Thành chia sẻ và tán đồng với các kết luận nghiên cứu mà báo cáo đưa ra. Chẳng hạn, tốc độ quốc tế hóa đồng Nhân dân tệ nhanh hơn rất nhiều so với những gì mà đồng Đôla Mỹ và Yên Nhật làm được nhưng quy mô thì còn rất khiêm tốn; nhiều hiệp định SWAP mà Trung Quốc ký kết với các nước mới chỉ dừng ở mức văn bản chưa đi vào thực tiễn ...
Song song với phần trình bày và trao đổi các kết quả nghiên cứu là phần thảo luận sôi nổi của các khách mời có mặt tại buổi tọa đàm. Các chuyên gia đưa ra những nhận xét và những đóng góp thẳng thắn về nội dung của các phần trình bày.

Tin: Dương Vân Nga