Khoa Kinh tế và Kinh doanh Quốc Tế (Fibe)
 
Tọa đàm Công bố Báo cáo Kinh tế Vĩ mô Quý IV và cả năm 2019

Vào sáng ngày 16/01/2020 tại khách sạn Sheraton Hà Nội, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN đã tổ chức Tọa đàm "Công bố Báo cáo Kinh tế Vĩ mô Quý IV và cả năm 2019". Chuỗi Báo cáo Kinh tế vĩ mô hàng quý được VEPR thực hiện dưới sự hỗ trợ của Viện Konrad-Adenauer (KAS).


Tải tài liệu hội thảo TẠI ĐÂY. Ảnh sự kiện được cập nhật liên tục TẠI ĐÂY.

Kể từ năm 2016, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) đã bắt đầu công bố rộng rãi, định kỳ Báo cáo Kinh tế Vĩ mô hàng Quý nhằm cập nhật và thảo luận kịp thời những vấn đề đang đặt ra cho kinh tế Việt Nam. Các buổi tọa đàm này được đóng góp ý kiến, chia sẻ từ rất nhiều chuyên gia và thu hút sự quan tâm của báo chí.

Buổi tọa đàm có sự tham gia của PGS.TS. Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR); PGS.TS. Phạm Thế Anh, Kinh tế trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR); TS. Võ Trí Thành, Chuyên gia Kinh tế cao cấp, Nguyên Phó Viện Trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương; TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Tài chính Ngân hàng cao cấp, Giám đốc Viện Đào tạo và Nghiên cứu Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam BIDV; Ông Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia Kinh tế cao cấp và đại diện các cơ quan báo chí.

PGS.TS. Nguyễn Anh Thu, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN phát biểu khai mạc sự kiện

 Tọa đàm Công bố Báo cáo Kinh tế Vĩ mô Quý IV và cả năm 2019

Mở đầu tọa đàm, PGS.TS. Nguyễn Anh Thu đã có bài phát biểu chào đón các khách mời tham dự tọa đàm. Bà đánh giá cao những nỗ lực mà đội ngũ VEPR đã dành để xây dựng các số báo cáo Kinh tế Quý trong thời gian qua, cũng như bày tỏ hy vọng vào một tình hình kinh tế Việt Nam tiếp tục khởi sắc trong năm 2020.

Mr. Peter Girke, Đại diện Viện Konrad – Adenauer Stiftung (KAS)

Ông Peter Girke, Đại diện Viện Konrad - Adenauer Stiftung (KAS) Việt Nam cũng đã có bài phát biểu chào đón các khách mời tham dự tọa đàm. Ông Peter rất quan tâm đến tình hình kinh tế Việt Nam quý IV và cả năm 2019.

PGS. TS. Phạm Thế Anh trình bày nội dung báo cáo

Tiếp theo, PGS. TS. Phạm Thế Anh trình bày nội dung báo cáo. Ông cho biết, trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động về kinh tế - chính trị, nền kinh tế Việt Nam trong Quý IV năm 2019 chỉ tăng trưởng ở mức 6,97%, thấp hơn so với năm 2018.

“Lạm phát tăng mạnh trong giai đoạn cuối năm do giá thực phẩm tăng vì hoạt động chăn nuôi suy giảm. Đây là quan ngại lớn của nền kinh tế trong Quý IV năm nay. Nhìn chung, so với cùng kì năm ngoái, kinh tế Việt Nam đối mặt với nhiều diễn biến kém tích cực hơn”, ông Thế Anh nhận xét.

Cũng theo Kinh tế trưởng VEPR Phạm Thế Anh, tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam cả năm 2019 đạt mức 7,02%, mặc dù thấp hơn so với mức tăng trưởng năm 2018 nhưng vẫn là điểm sáng trong khu vực và thế giới.

Dự báo về tốc độ tăng trưởng cũng như tỷ lệ lạm phát trong năm 2020 theo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội do Quốc hội mới ban hành, nhóm nghiên cứu của VEPR cho rằng, những mục tiêu của năm 2020 là có thể đạt được. Tuy nhiên, Việt Nam sẽ cần rất nhiều nỗ lực để đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,8% và lạm phát dưới 4% do những bất ổn chính trị trên thế giới có ảnh hưởng không nhỏ đến kinh tế trong nước. Nhóm nghiên cứu dự báo, mức tăng trưởng kinh tế Quý I/2020 sẽ ở mức 6,33%; Quý II ở mức 6,27%; Quý III ở mức 6,58%; Quý IV ở mức 6,64% và tăng trưởng cả năm 2020 chỉ ở mức 6,48%. Tương tự, tỷ lệ lạm phát trong các quý năm 2019 tương ứng ở các mức 4,88%; 4,49%; 4,13% và 4,04%. Cùng với đó, VEPR cũng dự báo, triển vọng kinh tế Việt Nam trong dài hạn sẽ phụ thuộc vào FDI với kết quả gỡ bỏ rào cản thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Hoạt động thương mại và đầu tư quốc tế được kỳ vọng sẽ khởi sắc sau việc kí kết các Hiệp định thương mại tự do như CPTPP và EVFTA. Tuy nhiên, Việt Nam cũng cần phải thận trọng trong quan hệ thương mại quốc tế. Việc đối xử với các quốc gia trong thương mại quốc tế là một trong những vấn đề lớn của Việt Nam trong năm 2020.

Phiên thảo luận của tọa đàm

Sau khi PGS.TS Phạm Thế Anh trình bày nội dung báo cáo, tọa đàm bước sang phiên thảo luận do PGS. TS. Nguyễn Đức Thành chủ trì và điều hành.

PGS.TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách trong phiên thảo luận

Theo PGS. TS Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng VEPR, mặc dù kinh tế Việt Nam có nhiều ấn tượng với những điểm sáng trong năm 2019 và được nhiều tổ chức quốc tế đánh giá lạc quan hơn so với thế giới trong năm 2020, nhưng con số tăng trưởng 6,8% mà Chính phủ đặt ra cho năm 2020 là con số lạc quan, tham vọng và không dễ thực hiện.

Ông cho biết việc đối xử với các quốc gia trong thương mại quốc tế. Dẫn ra việc Trung Quốc trở thành thị trường nhập khẩu lớn trong khi Mỹ là đối tác xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, ông Thành cảnh báo: "Việt Nam nên thận trọng để không trở thành sân sau của Trung Quốc và Hàn Quốc để xuất khẩu sang Mỹ". Ông lấy ví dụ việc thép bị đánh thuế đến hơn 400% trong năm 2019 vừa qua đặt ra các vấn đề về nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa Việt Nam.

TS. Cấn Văn Lực trong phiên thảo luận tọa đàm

Trong năm vừa qua, Việt Nam trở thành 1 trong 7 đối tác xuất khẩu nhiều nhất sang Mỹ. Nhưng cùng với dự trữ ngoại hối ngày càng gia tăng, Việt Nam nằm trong danh sách theo dõi thao túng tiền tệ của Mỹ. Điều này yêu cầu Ngân hàng Nhà nước cẩn trọng trong việc điều hành chính sách tiền tệ, linh hoạt và khách quan.

Đề xuất giải pháp cho vấn đề này, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, Việt Nam vẫn tiếp tục thực hiện dự trữ ngoại hối nhưng không phải 1 chiều mà theo hướng có mua, có bán, không can thiệp liên tục trong 6/12 tháng. Đồng thời, không dùng công cụ tỷ giá để làm tăng ngoại thương, bởi nếu Việt Nam chủ ý phá giá tiền tệ để thúc đẩy xuất khẩu thì lập sẽ bị Mỹ xếp vào danh sách trên. TS. Cấn Văn Lực cũng nêu thách thức về cải cách thể chế, nhất là thể chế cho kinh tế số chậm quá. “Những nghị định cho mô hình kinh doanh mới như fintech, cho vay ngang hàng vẫn chưa có. Điều chỉnh chậm về thể chế sẽ làm mất cơ hội trong nền kinh tế số” - ông Lực nhấn mạnh.

TS. Võ Trí Thành trong phiên thảo luận

Chia sẻ tại buổi tọa đàm, TS. Võ Trí Thành cho hay nhiều chuyên gia nước ngoài đánh giá cao tốc độ tăng trưởng kinh tế mà Việt Nam đã đạt được năm 2019, đặc biệt là trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu có nhiều biến động và thách thức. Tuy nhiên, vị chuyên gia kinh tế này cũng chỉ ra những điều chưa đạt được. “Năm 2019, trong Nghị quyết 01 có từ “bứt phá”. Nếu xét theo từ này, thì chúng ta chưa đạt. Vấn đề tăng trưởng bền vững trở nên nhức nhối, câu chuyện không chỉ là đo độ ô nhiễm mà còn là chính sách, chiến lược, cơ chế phản ứng nhanh, kể cả về mặt truyền thông. Nếu nói về bứt phá cải cách, môi trường kinh doanh còn xa so với yêu cầu. Thoái vốn, cổ phần hóa rất chậm. Đổi mới sáng tạo còn nhiều vấn đề” - ông Thành nói. Theo TS. Võ Trí Thành, điểm sáng của năm 2019 đến từ ngành ngân hàng khi từng bước đạt chuẩn Basel 2, xử lý nợ xấu có nhiều bước tiến rõ rệt. Đánh giá về Báo cáo kinh tế vĩ mô Quý IV và cả năm 2019 của VEPR, chuyên gia kinh tế, TS. Võ Trí Thành cho rằng, dù con số nào thì tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2019 vẫn thực sự ấn tượng trong bối cảnh hiện nay. Đi cùng với đó, TS. Võ Trí Thành cũng lưu ý, năm 2019, Việt Nam là 1 trong 7 đối tác xuất khẩu nhiều nhất sang Mỹ, cùng với lượng dự trữ ngoại hối tăng tới hơn 71 tỷ USD. Điều này cũng đồng nghĩa với việc Việt Nam có nguy cơ bị Mỹ cáo buộc thao túng tiền tệ. Vì thế, TS. Võ Trí Thành khuyến nghị Ngân hàng nhà nước cần cẩn trọng trong việc điều hành chính sách tiền tệ, linh hoạt và khách quan.

PGS. TS. Phạm Thế Anh trong phiên thảo luận

Đóng góp chủ yếu vào mức tăng trưởng vẫn là hai khu vực công nghiệp, xây dựng và khu vực dịch vụ với sự tăng trưởng nổi bật là ngành chế biến chế tạo, sản xuất phân phối điện nước và xây dựng. Cùng với đó, ngành khai khoáng cũng đã có sự tăng trưởng nhẹ sau 3 năm liên tiếp sụt giảm. Đáng chú ý, khu vực nông, lâm và ngư nghiệp trong năm 2019 đã gặp nhiều yếu tố bất lợi từ thời tiết và dịch tả lợn châu Phi bùng phát và sự thu hẹp của thị trường xuất khẩu nhưng vẫn tăng trưởng ở mức 2,01% với sự tăng trưởng ấn tượng của ngành thủy sản trên 6%. Trong năm 2019, khu vực dịch vụ tăng trưởng cao hơn năm 2019 với sự tăng trưởng khá đồng đều với đa số ở mức trên 7% thuộc về các ngành tài chính, ngân hàng và bảo hiểm, bán buôn, bán lẻ và vận tải kho bãi. Tăng trưởng vốn đầu tư khu vực nhà nước thấp, trong khi khu vực FDI và tư nhân tăng trưởng và tỷ lệ giải ngân cao. Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung khiến dòng vốn từ Trung Quốc tăng trưởng nhanh nhưng có thể kéo theo những rủi ro về môi trường và quản lý lao động nước ngoài. Lạm phát ở dưới ngưỡng 4% nhưng việc CPI leo dốc trong tháng 12 vượt qua ngưỡng 5% sẽ tiềm ẩn không ít lo ngại cho các quý trong năm 2020. “Tính đến hết năm 2019, chỉ số PMI đã đánh dấu chuỗi 49 tháng mở rộng liên tiếp của khu vực sản xuất. Điều này chứng tỏ niềm tin của các doanh nghiệp vào nền sản xuất là không thay đổi, họ vẫn hi vọng sản lượng sẽ tiếp tục mở rộng trong những năm mới. Đó là triển vọng tích cực của khu vực sản xuất nói riêng và của nền kinh tế nói chung trong thời gian tới”, PGS.TS. Phạm Thế Anh nhận định.

TS. Nguyễn Trí Hiếu trong phiên thảo luận tọa đàm

Nhắc lại thông điệp “mặt trời đang toả nắng ở Việt Nam” của WB. TS. Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia kinh tế, đã đưa ra những con số tổng quan về tình hình tăng trưởng kinh tế Việt Nam.

Theo đó, năm 2019, chỉ số lạm phát của Việt Nam tăng trưởng 2,76%, GDP tăng trưởng 7,02% - tương ứng quy mô trên 300 tỷ USD, giá trị xuất siêu đạt 10 tỷ USD, lượng kiều hối đổ về Việt Nam đạt 6,7 tỷ USD, xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu tăng 10 bậc theo xếp hạng của WEF… “Mặt trời vẫn đang toả nắng ở Việt Nam, trong khi bên ngoài xảy ra chiến tranh, bầu trời u tối. Cá nhân tôi nghĩ mặt trời có toả sáng, nhưng ánh sáng đó có tới được với tất cả chúng ta không hay chỉ toả sáng trên một số thành phần?”, TS. Nguyễn Trí Hiếu đặt câu hỏi. Rồi ông dẫn chứng một loạt số liệu cho thấy những điểm tối trong bức tranh kinh tế - xã hội Việt Nam năm 2019. “Theo cách tính cũ của IMF, quy mô GDP Việt Nam chỉ đứng thứ 146/211 quốc gia. Trong khối ASEAN, chúng ta đứng dưới Singapore, Thái Lan, Malaysia… Thậm chí, Philippines cũng xếp trên Việt Nam. Chúng ta chỉ đứng trên Lào, Campuchia, Myanmar. Còn GDP bình quân đầu người của Việt Nam là 2.698 USD, một con số rất thấp trên thế giới. Trong khu vực cũng chỉ cao hơn Campuchia và Myanmar. Con số tăng trưởng GDP hơn 7%, quy mô GDP hơn 300 tỷ USD đều tốt cả, nhưng với riêng mỗi cá nhân người Việt Nam, chúng ta vẫn ở trong nhóm thu nhập trung bình thấp. Muốn tiến lên nhóm thu nhập trung bình cao, con đường của Việt Nam còn dài, chúng ta vẫn ở trong bẫy thu nhập trung bình”, TS. Nguyễn Trí Hiếu bình luận.

Một vấn đề khác khiến ông Hiếu lưu tâm là xếp hạng tín nhiệm Việt Nam theo đánh giá của Moody’s, Fitch, Standard & Poors vẫn ở mức non-investment grade speculative – không ở nhóm nên/khuyến khích đầu tư, mang tính đầu cơ, rủi ro cao. TS. Nguyễn Trí Hiếu nhận xét: “Trái phiếu của Việt Nam nằm trong nhóm trái phiếu rác. Còn Moody’s cũng hạ triển vọng xếp hạng tín nhiệm Việt Nam từ mức tích cực xuống tiêu cực. Điều này có nghĩa trong tương lai, nếu Việt Nam không thay đổi, xếp hạng của chúng ta sẽ tiếp tục bị giảm. Điểm tín nhiệm thấp như vậy sẽ khiến các thành phần kinh tế, trong đó có khối ngân hàng không có đạt được mức điểm cao hơn điểm tín nhiệm quốc gia. Chính vì vậy, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ xem xét, đánh giá nhiều hơn trước khi quyết định đầu tư vào Việt Nam”.

PGS. TS Nguyễn Thường Lạng, giảng viên ĐH Kinh tế Quốc dân

Phân tích thêm về GDP bình quân đầu người của Việt Nam, PGS. TS Nguyễn Thường Lạng, giảng viên ĐH Kinh tế Quốc dân, nhận xét: “Người Việt Nam vì sao làm mãi không giàu? Vì GDP bình quân đầu người của Việt Nam thì tăng, nhưng GNP càng ngày càng giảm. Còn người nước ngoài vào Việt Nam lại giàu lên. Điều đó cho thấy chúng ta đang mở cửa, ưu ái cho nước ngoài quá nhiều, giúp họ hưởn lợi. Đây là vấn đề chúng ta cần xem xét”. Một vấn đề khác được PGS. TS Nguyễn Thường Lạng nêu ra là chu kỳ khủng hoảng của BĐS Việt Nam. “Giai đoạn 1997 – 1998, Việt Nam có một cuộc khủng hoảng về BĐS, giai đoạn 2008 – 2009, rồi 2019 cũng vậy. Như vậy, tính chu kỳ trong những lần xảy ra khủng hoảng BĐS ở Việt Nam rất rõ. Chính phủ có nên có chính sách chống chu kỳ hay không?”. PGS. TS Nguyễn Thường Lạng đặt câu hỏi.


Phương Hoa (VEPR)


Các tin khác