Khoa Kinh tế và Kinh doanh Quốc Tế (Fibe)
 
Hội thảo “Thuận lợi hoá thương mại và đầu tư tại các Khu Kinh tế qua biên giới”

PGS.TS Nguyễn Anh Thu là chủ nhiệm đề tài
Ngày 05/2/2018, tại Hội trường 801 Nhà E4, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN (ĐHKT) đã phối hợp với Ngân hàng Phát triển Châu Á - ADB tổ chức Hội thảo “Thuận lợi hoá thương mại và đầu tư tại các Khu Kinh tế qua biên giới” (Trade and Inverstment facilitation in cross border economics zones).


Hội thảo nằm trong khuôn khổ đề tài “Luận cứ khoa học cho sự hình thành và phát triển các khu kinh tế xuyên biên giới ở Việt Nam” (KX.01.09/16-20) thuộc Chương trình Khoa học và Công nghệ trọng điểm cấp quốc gia giai đoạn 2016-2020 “Nghiên cứu những vấn đề trọng yếu về khoa học xã hội và nhân văn phục vụ phát triển xã hội” (KX.01/16-20).

Hội thảo được tổ chức nhằm mục đích tăng cường trao đổi học thuật và thực tiễn, cung cấp diễn đàn cho các nhà khoa học và các chuyên gia trong nước và quốc tế thảo luận về mô hình khu kinh tế qua biên giới, kinh nghiệm quốc tế, cũng như thực trạng và triển vọng xây dựng, quản lý và phát triển các khu kinh tế qua biên giới tại Việt Nam.
 
Hội thảo thu hút đông đảo nhà khoa học lớn

Tham dự Hội thảo, về phía ADB có ông Eric Sidgwik - Giám đốc ADB Việt Nam, ông Daid Roland Holst - Chuyên gia Kinh tế phát triển và Hợp tác Khu vực, trưởng nhóm Dự án, ông Bod Haywood - Chuyên gia cao cấp về Khu kinh tế biên giới, Trưởng nhóm Kỹ thuật Dự án, cùng sự có mặt của các chuyên gia về hợp tác vùng của ADB.

Về phía trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN có PGS.TS. Nguyễn Trúc Lê - Hiệu trưởng, PGS.TS. Nguyễn Anh Thu - Phó Hiệu trưởng, Chủ nhiệm đề tài KX.01.09/16-20.

Hội thảo cũng thu hút sự tham gia của đại diện lãnh đạo Sở, Ban, Ngành một số tỉnh biên giới, các chuyên gia, nhà nghiên cứu đến trường các trường đại học và viện nghiên cứu, cũng như giảng viên và sinh viên trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN.

Phát biểu khai mạc, PGS.TS. Nguyễn Trúc Lê - Hiệu trưởng gửi lời cảm ơn tới ADB đã đồng hành và phối hợp với ĐHKT trong việc tổ chức hội thảo này. Ông cũng khẳng định các hoạt động nghiên cứu thuộc Đề tài KX.01.09/16-20 cũng sẽ góp phần quan trọng giúp Nhà trưởng trở thành một trường đại học nghiên cứu hàng đầu trong nước và khu vực. Ông Eric Sidgwik chia sẻ rằng nội dung Hội thảo này gắn chặt chẽ với hoạt động hỗ trợ của ADB liên quan hợp tác trong khuôn khổ hợp tác tiểu vùng sông Mekong (GMS). Chính vì thế, Hội thảo sẽ mang lại lợi ích cho cả ADB và ĐHKT, cũng như các học giả, nhà nghiên cứu và sinh viên tham gia.

 

PGS.TS Nguyễn Trúc Lê phát biểu khai mạc 

Hội thảo được chia thành hai phiên, dưới sự chủ trì của PGS.TS. Nguyễn Anh Thu và ông Yuebin Zhang - Chuyên gia cao cấp về Hợp tác khu vực - ADB.

Trong phần I, Hội thảo được nghe bốn bài trình bày, bao gồm: “Border trade facilitation for Inclusive Regional Development” (Tạo thuận lợi hoá thương mại biên giới nhằm phát triển khu vực bao trùm” do ông David Roland-Holst trình bày, “CBEZ model and establishment conditions: Preliminary findings in Vietnam” (Mô hình và các điều kiện hình thành CBEZ: Những kết quả ban đầu ở Việt Nam) của PGS.TS. Nguyễn Anh Thu, “Assessment of Special Economic Zones in Vietnam” (Đánh giá các khu kinh tế đặc biệt tịa Việt Nam) của TS. Đặng Thị Phương Hoa – Viện Kinh tế Việt Nam và “Summary and Recommendations for an Inclusive and Sustainable Approach to Border Economic Developement” (Tóm tắt và khuyến nghị về cách tiếp cận bao trùm và bền vững đối với phát triển kinh tế thế giới) do ông Bob Haywood trình bày. Nội dung của phiên I tập trung thảo luận về các vấn đề như kinh nghiệm từ CBEZs thành công ở châu Âu, Châu Mỹ, Trung Đông và Trung Quốc và những khía cạnh khác nhau làm nền tảng cho CBEZs (hợp tác hải quan, hợp tác thương mại, du lịch, vận tải, lao động, cơ chế quản lý chung…); các chính sách để thúc đẩy thương mại và đầu tư ở khu vực biên giới để có thể mang lại lợi ích cho các đối tượng liên quan, bao gồm cả doanh nghiệp vừa và nhỏ và các cư dân biên giới; đánh giá tính khả thi của việc hình thành các CBEZs thông qua việc xem xét các điều kiện chung và điều kiện cụ thể của 5 tỉnh biên giới của Việt Nam (Quảng Ninh, Lào Cai, Cao Bằng, Lạng Sơn và Tây Ninh); thực trạng hiện nay của các Khu kinh tế đặc biệt, Khu kinh tế cửa khẩu …Kết quả thảo luận của phiên I cho thấy hiện nay đã có một số mô hình CBEZs thành công trên thế giới.

 
Ông Eric Sidgwik - Giám đốc Quốc gia, Phái đoàn thường trú của ADB tại Việt Nam
Đây là những bài học quan trọng cho Việt Nam trong việc xác định mô hình và lộ trình CBEZs phù hợp. Bài trình bày của các nhà nghiên cứu cũng cho thấy, hiện nay việc hình thành CBEZ giữa Việt Nam và các nước láng giềng còn nhiều khó khăn do chưa đáp ứng được các điều kiện của mô hình (ví dụ như chưa có chính sách hợp tác đồng bộ giữa hai bên, cơ sở hạ tầng và dịch vụ còn kém, tính kết nối của khu vực biên giới với thị trường trong nước và nước láng giềng còn thấp, rủi ro khi hoạt động ở đây còn cao …).
 
 Daid Roland-Holst - Chuyên gia Kinh tế phát triển và Hợp tác Khu vực, trưởng nhóm Dự án

Phần II của Hội thảo tập trung vào thảo luận các vấn đề liên quan tới các khía cạnh cụ thể của Khu hợp tác kinh tế qua biên giới như “Conditions for establishment of Cross-border Economic Zone in Lao Cai (Vietnam) - Yunnan (China)” (Điều kiện tiến tới hình thành Khu hợp tác kinh tế biên giới Lào Cai (Việt Nam) - Vân Nam (Trung Quốc)) do ông Nguyễn Trường Giang - Phó Giám đốc Sở Công thương Lào Cai trình bày; bài “Application of modern technology to customs management in key areas through road and rail border gates” (Ứng dụng công nghệ hiện đại vào quản lý hải quan trên địa bàn trọng điểm qua cửa khẩu đường bộ và đường sắt) của ông Lê Đức Thọ, Phó Cục trưởng, Cục Hải quan tỉnh Lạng Sơn; và bài “Cross-border transportation activities in reality, advantages, difficulties and proposals” (Hoạt động vận tải qua biên giới: Thuận lợi, khó khăn và đề xuất giải pháp) do bà Mai Thị Thu Dung - Đại diện AsiaTrans Vietnam.

Ông Bod Haywood - Chuyên gia cao cấp về Khu Kinh tế biên giới, Trưởng nhóm Kỹ thuật Dự án 
Góc nhìn của các nhà quản lý địa phương và doanh nghiệp tập trung vào mô hình dự kiến ở phía địa phương (tỉnh Lào Cai) với quy hoạch các khu cụ thể, thực trạng khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai, những ý tưởng ban đầu liên quan tới mô hình CBEZs đề xuất giữa Lào Cai - Vân Nam (Trung Quốc); thực trạng ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác hải quan tại Lạng Sơn và một số đề xuất. AsiaTrans Việt Nam đã cung cấp những thông tin rất thực tế về thực tiễn hoạt động của công ty khi cung cấp dịch vụ vận tải qua biên giới, những thuận lợi và khó khăn của AsiaTrans, từ đó đưa ra một số gợi ý để có thể kết nối thành công các CBEZs trong tương lai đối với thị trường trong và ngoài nước.
 
TS. Đặng Thị Phương Hoa thuyết trình tại Hội thảo 

Hội thảo đã nhận được sự đóng góp ý kiến sôi nổi và tâm huyết của các học giả tham dự về các bài tham luận. Các ý kiến thảo luận tập trung vào tác động cũng chính sách để thúc đẩy thương mại chính thức, các điều kiện chung và cụ thể để hình thành khu kinh tế qua biên giới, đặt biệt là sự đồng thuận chính sách giữa Việt Nam và các quốc gia láng giềng (Trung Quốc, Lào và Campuchia); dự báo về quan hệ thương mại giữa Việt Nam và các nước này; các gợi ý để phát triển các khía cạnh khác nhau của CBEZs (hợp tác dịch vụ logistics giữa hai nước láng giềng; kết nối hạ tầng giao thông, thương mại, đầu tư, cơ chế chính sách) … Các học giả cũng đưa ra một số gợi ý về nội dung mà nhóm đề tài cần tập trung phân tích để có thể hoàn thiện đề tài một cách tốt nhất, từ đó có thể đưa ra đề xuất khả thi về mô hình và lộ trình CBEZs phù hợp với điều kiện thực tế tại Việt Nam, Trung Quốc, Lào và Campuchia.

Hội thảo đã thành công tốt đẹp và tạo ra một diễn đàn để các nhà khoa học và các chuyên gia chia sẻ ý kiến. Nhóm nghiên cứu cũng thu thập được nhiều ý tưởng mới để hoàn thiện Đề tài KX.01.09/16-20, có thể đáp ứng yêu cầu đặt hàng của Chương trình KX.01/16-20, từ đó góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương vùng biên giới và cả nước.
 
 
 
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm 

Thanh Mai - Nguyễn Công


Các tin khác