Khoa Kinh tế và Kinh doanh Quốc Tế (Fibe)
 
Hội thảo Đào tạo liên ngành Thạc sĩ Tài chính định lượng và Quản trị rủi ro

PGS.TS Nguyễn Trúc Lê và PGS.TSKH Vũ Hoàng Linh đồng chủ trì hội thảo
Chiều ngày 5/1/2018, tại Hội trường 801 đã diễn ra Hội thảo chương trình đào tạo liên ngành trình độ thạc sĩ định hướng ứng dụng chuyên ngành Tài chính định lượng và Quản trị rủi ro do Trường Đại học Kinh tế và Trường Đại học Khoa học Tự nhiên - ĐHQGHN phối hợp tổ chức.


Tham dự hội thảo, về phía Trường Đại học Khoa học Tự nhiên - ĐHQGHN có: PGS.TSKH Vũ Hoàng Linh  - Phó Hiệu trưởng, PGS.TS Lê Mạnh Hà, Chủ nhiệm Khoa Toán - Cơ -Tin học cùng các thầy/cô lãnh đạo các phòng ban, các thầy/cô đại diện cho Hội đồng Khoa học đào tạo Trường.

Về phía Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN có PGS.TS. Nguyễn Trúc Lê - Hiệu trưởng; TS. Nguyễn Anh Tuấn - Trưởng Phòng Đào tạo; TS. Đinh Thị Thanh Vân - Phó Chủ nhiệm Khoa Tài chính - Ngân hàng cùng các thầy/cô lãnh đạo các phòng ban, các thầy/cô đại diện cho Hội đồng Khoa học đào tạo Trường

Đến dự Hội thảo còn có đại diện của Ban Đào tạo - ĐHQGHN, các nhà khoa học, các chuyên gia trong lĩnh vực tài chính định lượng và quản trị rủi ro, đại diện các nhà tuyển dụng.

 
PGS.TS Nguyễn Trúc Lê phát biểu khai mạc 

Hội thảo do PGS. TS Nguyễn Trúc Lê - Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế và PGS. TSKH Vũ Hoàng Linh - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Tự nhiên đồng chủ trì.

PGS. TS Nguyễn Trúc Lê và PGS. TSKH Vũ Hoàng Linh đồng chủ trì hội nghị khẳng định việc phối hợp xây dựng chương trình đào tạo liên ngành Thạc sĩ Tài chính định lượng và quản trị rủi ro là hướng đi đúng đắn, mang tính tiên phong, đột phá trong nhiệm vụ mở mới chương trình đào tạo, phù hợp với mục tiêu phát triển của hai Trường và sứ mệnh của ĐHQGHN.

 
Quang cảnh hội thảo

Tại Hội thảo, các nhà khoa học, các chuyên gia cũng đánh giá cao việc mở mới chương trình đào tạo thạc sĩ Tài chính định lượng và quản trị rủi ro “là cần thiết và góp phần tích cực trong việc phát triển kinh tế của đất nước” (TS Phạm Bảo Khánh - Phó Tổng giám đốc Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam). Chuẩn đầu ra của chương trình xây dựng đầy đủ từ kỹ năng, trình độ chuyên môn lẫn phẩm chất đạo đức phù hợp với yêu cầu của chương trình đào tạo thạc sĩ. Để có một chương trình đào tạo đáp ứng tốt nhu cầu xã hội, phù hợp với đặc thù Việt Nam, các ý kiến tại hội thảo cho rằng cần có sự gắn kết hơn nữa giữa lĩnh vực toán ứng dụng và tài chính ngân hàng trong khung chương trình đào tạo, nên bổ sung nội dung ứng dụng thay cho nội dung học thuật trong một số học phần đặc biệt là các học phần về toán để đáp ứng tốt định hướng của chương trình là ứng dụng. Đại diện Ban Đào tạo - ĐHQGHN cũng lưu ý nhóm soạn thảo cần rà soát đề án đảm bảo theo đúng quy định về mở mới mã ngành đào tạo của ĐHQGHN đặc biệt là phần thuyết minh năng lực của cơ sở đào tạo và phần phối hợp tổ chức đào tạo giữa Trường ĐHKT và Trường ĐHKHTN.

 
TS. Nguyễn Phú Hà trình bày vđán đào tạo 

Kết thúc hội thảo, PGS. TS Nguyễn Trúc Lê đã cảm ơn các ý kiến góp ý của các thầy/cô, các nhà khoa học, các chuyên gia đã có những ý kiến đóng góp quý báu cho chương trình để nhóm soạn thảo có thể điều chỉnh chương trình hướng tới một chương trình đào tạo chất lượng, đáp ứng tốt nhu cầu xã hội. PGS.TS Nguyễn Trúc Lê yêu cầu nhóm biên soạn tiếp thu các ý kiến trong Hội thảo rà soát lại toàn bộ chương trình, sắp xếp lại chương trình đào tạo đảm bảo tính logic, phù hợp với nhu cầu thị trường và sớm hoàn thành toàn bộ đề án nộp Đại học Quốc gia Hà Nội để nghiệm thu cấp ĐHQGHN.

Một số hình ảnh tại hội thảo:
 
 

 
 

Tin: Ngô Hà; Ảnh: Nguyễn Công


Các tin khác