Khoa Kinh tế và Kinh doanh Quốc Tế (Fibe)
 
Đại diện Quỹ Sumitomo trao đổi cùng giảng viên, nghiên cứu viên Trường ĐHKT

Ngày 13/7/2015, Đại diện Quỹ Sumitomo (Nhật Bản) - ông Koichi Ishizuka đã có buổi làm việc tại Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN để chia sẻ với các giảng viên/nghiên cứu viên của trường về chương trình tài trợ cho các công trình nghiên cứu khoa học có liên quan đến Nhật Bản.


Tham gia tiếp và làm việc với đại diện quỹ có TS. Nguyễn Anh Thu - Phó Hiệu trưởng nhà trường cùng các giảng viên, nghiên cứu viên quan tâm đến từ Khoa Kinh tế Chính trị, Khoa Quản trị Kinh doanh, Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Phát triển và Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách.
Chia sẻ tại buổi làm việc, TS. Nguyễn Anh Thu cho biết, Trường ĐHKT luôn mong muốn mở rộng và duy trì mối quan hệ bền vững với các đối tác Nhật Bản, trong đó có Quỹ Sumitomo về các hoạt động nghiên cứu khoa học, hội nghị/hội thảo, trao đổi giảng viên/sinh viên quốc tế. Đã từng nhận được tài trợ của quỹ cho nghiên cứu của mình vào năm 2012, TS. Nguyễn Anh Thu cho biết thêm, việc nhận được tài trợ của quỹ đã mang lại cơ hội tốt để TS. thực hiện nghiên cứu, đăng sản phẩm bài báo trên các ấn phẩm quốc tế cũng như mở rộng mạng lưới đối tác với các học giả quốc tế.
Với đội ngũ cán bộ phần lớn được đào tạo ở nước ngoài và đặc biệt có 15 cán bộ giảng viên là cựu học viên/nghiên cứu sinh tại Nhật Bản, đây là cơ hội tốt để các giảng viên Trường ĐHKT biết đến Quỹ Sumitomo và có những đề xuất nghiên cứu đối với Quỹ.



Ông Koichi Ishizuka - đại diện Quỹ Sumitomo


Trong phần trình bày của mình, ông Koichi Ishizuka giới thiệu sơ lược về Quỹ Sumitomo (The Sumitomo Foundation) là một tổ chức hỗ trợ phi lợi nhuận được thành lập ngày 25/9/1991 bởi 20 công ty thuộc Tập đoàn Sumitomo nhân kỷ niệm 300 năm Besshi Copper Mine tại Shikoku, Nhật Bản. Mục tiêu của Quỹ là đóng góp cho việc cải thiện xã hội bằng cách kêu gọi sự ủng hộ của cộng đồng. Hiện nay các khoản hỗ trợ của quỹ sẽ được trao cho những dự án có mục tiêu đặt ra hoặc giải quyết các vấn đề mà con người đang đối mặt như văn hóa, môi trường cũng như hỗ trợ các hoạt động nghiên cứu khoa học cơ bản và giao lưu quốc tế.
Đối với Việt Nam, Quỹ đã hoạt động tích cực và đóng góp vào việc làm cầu nối cho mối quan hệ Việt Nam - Nhật Bản, đặc biệt trong lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực, gắn kết các nhà khoa học hai nước. Trong thời gian qua, nhiều giáo sư, các nhà khảo cổ học ở Việt Nam đã nhận được tài trợ từ quỹ để triển khai các dự án, công trình nghiên cứu. Theo số liệu thống kê của quỹ, từ năm 1991 đến nay đã có 115 nhà khoa học Việt Nam nhận được sự hỗ trợ của quỹ, trong đó số lượng lớn đến từ Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Hồ Chí Minh…
Quỹ Sumitomo hiện đang tiếp nhận hồ sơ đề xuất nghiên cứu và xin hỗ trợ cho các hoạt động nghiên cứu liên quan đến Nhật Bản. Thời hạn gửi đề xuất từ 1/9/2015 đến 31/10/2015.
Sau bài trình bày, ông Koichi cũng trao đổi và trả lời các câu hỏi của giảng viên/nghiên cứu viên quan tâm đến chương trình về các vấn đề liên quan như: các chủ đề, lĩnh vực ưu tiên, thời gian thực hiện báo cáo nghiên cứu, quá trình thực hiện… Qua đây, các giảng viên sẽ có thêm cơ sở để tham gia đề xuất nghiên cứu đối với Quỹ Sumitomo.

>>> Tham khảo slide trình bày của ông Koichi tại đây.

Tin: Bích Hà (Phòng NCKH&HTPT) Ảnh: Thanh Hằng


Các tin khác