Khoa Kinh tế và Kinh doanh Quốc Tế (Fibe)
 
Trường ĐHKT phối hợp xây dựng chuỗi giá trị nấm ở Ninh Bình

PGS.TS. Trần Anh Tài phát biểu tại hội thảo
Ngày 21/5/2015, Khoa Tài chính - Ngân hàng và Khoa Kế toán - Kiểm toán Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN đã phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ Ninh Bình tổ chức thành công hội thảo “Xây dựng chuỗi giá trị nấm ở Ninh Bình” trong khuôn khổ đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh do PGS.TS. Trần Anh Tài làm chủ nhiệm.


Tham dự hội thảo có ông Giang Tuấn Anh - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Ninh Bình, bà Nguyễn Thị Oanh - Phó Giám đốc Sở Tài chính Ninh Bình, ông Phạm Văn Trung - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Ninh Bình, ông Đinh Văn Vọng - Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình, lãnh đạo các phòng ban chức năng cùng đông đảo các hộ nông dân trồng nấm trên địa bàn tỉnh Ninh Bình và huyện Yên Khánh.
Về phía Trường Đại học Kinh tế (ĐHKT) - ĐHQGHN có PGS.TS. Trần Anh Tài - Phó Hiệu trưởng nhà trường; PGS.TS. Trần Thị Thanh Tú - Chủ nhiệm Khoa Tài chính Ngân hàng (TCNH), TS. Trần Thế Nữ - Phó Chủ nhiệm Khoa Kế toán Kiểm toán (KTKT) cùng các thành viên nhóm nghiên cứu của đề tài.
Về phía các doanh nghiệp, ngân hàng có bà Mai Khuê Anh - Giám đốc điều hành Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) và các Giám đốc siêu thị thương mại - đại diện cho doanh nghiệp tham gia chuỗi giá trị nấm; ông Phạm Quốc Hương - Giám đốc Doanh nghiệp nấm Hương Nam, Chủ tịch Hiệp hội nấm Ninh Bình cùng các đại diện lãnh đạo của các ngân hàng: Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Chính sách và Phát triển, Công thương, Kỹ thương,
Phát biểu đề dẫn hội thảo, PGS.TS Trần Anh Tài bày tỏ sự cảm ơn tới lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ Ninh Bình và lãnh đạo huyện Yên Khánh đã hỗ trợ nhóm nghiên cứu trong quá trình thực hiện đề tài, đồng thời nhấn mạnh mục tiêu chính của hội thảo là đưa ra các ý kiến đánh giá, trao đổi của nhóm nghiên cứu và các đại biểu tham dự về thực trạng sản xuất và kinh doanh nấm ở tỉnh Ninh Bình, từ đó đề ra các giải pháp để xây dựng chuỗi giá trị nấm ở Ninh Bình.
Đại diện cho nhóm nghiên cứu, TS. Trần Thế Nữ đã trình bày tham luận: “Thực trạng sản xuất và kinh doanh nấm ở Ninh Bình”. Tham luận tổng hợp số liệu từ việc điều tra khảo sát tại Hà Nội và các địa phương trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, thể hiện những khó khăn và thách thức đối với ngành nghề trồng nấm. Tham luận thứ hai của PGS.TS Trần Thị Thanh Tú đã đưa ra giải pháp khắc phục những khó khăn và thách thức trong quá trình sản xuất và kinh doanh nấm ở Ninh Bình nói chung và huyện Yên Khánh nói riêng, từ đó đưa ra những giải pháp quản trị chuỗi giá trị nhằm nắm bắt kịp thời xu thế thị trường, đem lại hiệu quả sản xuất và kinh doanh cho các bên tham gia trong chuỗi.
Các đại biểu đều thống nhất cho rằng những giải pháp quản trị chuỗi giá trị nấm ở Ninh Bình mà nhóm đề tài đưa ra là những phương án sâu sắc và sát với tình hình thực tế nhất hiện nay. Giám đốc điều hành Hapro - bà Mai Khuê Anh đã chia sẻ kinh nghiệm tham gia chuỗi giá trị nông sản thành công của Hapro ở các địa phương khác và đề xuất các phương án hợp tác với Trường ĐHKT và tỉnh Ninh Bình trong việc xây dựng thương hiệu và phát triển chuỗi giá trị nấm tại Ninh Bình.

Hội thảo nhận được nhiều ý kiến từ các đại biểu
Đại diện cho các ngân hàng, ông Đỗ Tiến Hợi - Giám đốc Ngân hàng Kỹ thương Ninh Bình đã chia sẻ ý kiến về việc hỗ trợ vốn cho hoạt động trồng nấm tại Ninh Bình. Các ngân hàng sẵn sàng cấp tín dụng cho các cơ sở sản xuất nấm - cả đối tượng doanh nghiệp cũng như đối tượng là hộ gia đình. Ông nhận định đây là cơ hội để các ngân hàng phối hợp với các bên, đem lại lợi ích cho xã hội.

Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân nấm Hương Nam - ông Phạm Quốc Hương chỉ ra, nếu muốn việc sản xuất nấm hiệu quả thì cần chuyên môn hóa các khâu sản xuất, cập nhật khoa học kỹ thuật, công nghệ tiên tiến để gia tăng năng suất nhưng vẫn đảm bảo chất lượng. Đặc biệt, ông hy vọng có thể dẹp bỏ tình trạng sản xuất manh mún, tự phát để thống nhất được giá cả cho mặt hàng nấm rơm và các cơ quan quản lý cần có chính sách thích hợp để đảm bảo việc ký kết hợp đồng giữa bên sản xuất và bên tiêu thụ.

Bổ sung ý kiến của ông Phạm Quốc Hương, các đại diện từ bên sản xuất nấm rơm theo hình thức hộ gia đình cũng bày tỏ những khó khăn gặp phải khi sản xuất cũng như tiêu thụ sản phẩm ngay cả trên địa bàn tỉnh. Qua đó cho thấy, việc cấp bách cần thực hiện hiện nay là nâng cao hiểu biết về sản phẩm nấm rơm cho người tiêu dùng để họ tin tưởng và ưa thích, đồng thời rất cần có phương hướng, mục tiêu và các tiêu chuẩn để người nông dân có thể thực hiện ngay và hiệu quả việc phát triển khâu sản xuất sao cho tương thích với chuỗi giá trị được xây dựng.

Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Ninh Bình - ông Phạm Văn Trung nêu rõ, cần cải thiện việc giải ngân cấp tín dụng phát triển sản xuất, đồng thời cắt giảm các chi phí phân phối để giải quyết hiện tượng giá nấm tăng gấp 2 hay 3 lần so với giá trị từ cơ sở sản xuất bởi giảm giá sản phẩm sẽ khiến người tiêu dùng dễ chấp nhận hơn và tăng hiệu quả tiêu thụ.

Sau phần thảo luận sôi nổi của các đại biểu tham dự hội thảo, PGS.TS Trần Anh Tài - đại diện cho nhóm thực hiện đề tài cảm ơn sự tham gia tích cực của các đại biểu và cho rằng những ý kiến đóng góp của các đại biểu trong buổi hội thảo này là những thông tin quý báu góp phần xây dựng chuỗi giá trị nấm ở Ninh Bình thành công.
Hội thảo kết thúc, khép lại một buổi làm việc thành công và hiệu quả. Theo dự kiến, thời gian tới nhóm đề tài sẽ phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ Ninh Bình và huyện Yên Khánh tổ chức khóa đào tạo về xây dựng chuỗi giá trị nấm cho các thành viên của chuỗi.

Tin: Tô Lan Phương (Khoa TCNH) Ảnh: Nguyễn Thanh Hải (Khoa KTKT)


Các tin khác