Kỷ niệm 10 năm thành lập
 
TS. Hiromitsu Takemi: Cùng nhau thắt chặt mối quan hệ hợp tác hiệu quả và bền vững

TS. Hiromitsu Takemi
Thay mặt Đại học Thương mại Chiba, tôi xin gửi lời chúc mừng nồng nhiệt nhất tới quý Nhà trường nhân dịp lễ kỷ niệm 5 năm thành lập và hướng tới 40 năm truyền thống của Trường. Tôi biết rằng Trường ĐHKT là một trong những cơ sở đào tạo đại học hàng đầu của Việt Nam trong lĩnh vực kinh tế và kinh doanh dựa trên nền tảng gần 40 năm trong nghiên cứu về các lĩnh vực có liên quan đến kinh tế và kinh doanh của Việt Nam và thế giới.


Nhân dịp này tôi muốn giới thiệu đôi nét về Đại học Thương mại Chiba, được thành lập vào năm 1928 bởi GS. R. Endo. Vào tháng 4/1945, cơ sở vật chất của Trường đã bị tàn phá hoàn toàn do hậu quả của chiến tranh và được xây dựng lại ở vị trí hiện tại thuộc ngoại ô Tokyo năm 1946. Nguyên tắc thành lập của Đại học Thương mại Chiba là coi trọng đạo đức theo các hướng sau: Tôn trọng người lớn tuổi và trẻ tuổi cho dù họ có vị trí xã hội như thế nào; Thể hiện sự tôn trọng với người khác và tuân thủ các nguyên tắc đạo đức; Theo đuổi giá trị học thuật và đam mê nghề nghiệp. Trường có khoảng 8 nghìn sinh viên đang theo học. Hiện nay, Trường có 3 khoa gồm Thương mại và Kinh tế, Thông tin Chính sách, Đổi mới Dịch vụ; một chương trình đào tạo tiến sĩ về Nghiên cứu Chính sách; ba chương trình thạc sĩ gồm Thương mại, Kinh tế và Thông tin Chính sách, chương trình đào tạo thạc sĩ Quản trị Kinh doanh, Kế toán và Tài chính.

Trong những năm vừa qua, Trường ĐHKT đã đạt được những thành công lớn về nghiên cứu và đào tạo. Tôi muốn nói nhiều đến những thành công của Nhà trường trong 40 năm vừa qua. Bản thân tôi đã gặp gỡ sinh viên của Trường cách đây 4 năm tại Hội thảo về Quan hệ Đối tác Toàn cầu của các trường đại học châu Á, hội thảo này do các trường đại học thành viên tham gia lần lượt tổ chức mỗi năm một lần. Năm 2010, Trường ĐHKT đã đăng cai tổ chức, tiếp đó, trong năm 2011 là tại Seoul - Hàn Quốc. Mặc dù số lượng sinh viên của Trường ĐHKT tham dự ít song các bài trình bày của họ tại hội thảo đã tạo được tiếng vang lớn. Dưới sự lãnh đạo của PGS.TS. Nguyễn Hồng Sơn - Hiệu trưởng, TS. Nguyễn Quốc Việt - Trưởng Phòng Nghiên cứu Khoa học và Hợp tác Phát triển và ThS. Nguyễn Thùy Linh - Phó trưởng Phòng Nghiên cứu Khoa học và Hợp tác Phát triển, trong khoảng thời gian đó, tôi còn có dịp được giảng bài cho sinh viên và tham gia tổ chức hội thảo quốc tế. Quan sát phản hồi của sinh viên về các bài giảng, tôi nhận thấy trình độ của các em đã tăng lên rất nhiều và mối quan tâm của các em cũng đa dạng hơn. TS. H. Nagaoka, nhà vật lý học, từng nói: Nhiều người nói về việc họ muốn mình trở thành một người như thế nào nhưng lại hiếm khi nói họ thích làm gì. Mở rộng mối quan tâm cũng giống như việc tìm hiểu xem mình thích làm gì, và nó sẽ là động lực tốt giúp bạn xây dựng đất nước. Trường ĐHKT và Đại học Thương mại Chiba vừa bắt đầu triển khai một chương trình trao đổi ngắn hạn trong năm học này theo đề xuất của PGS.TS. Nguyễn Hồng Sơn. Nhờ đó, nhiều sinh viên của Trường đã có cơ hội để biết thêm về đất nước Nhật Bản hiện nay. Tôi hy vọng, chương trình này sẽ tạo động lực thúc đẩy sinh viên của cả hai trường mở rộng sự hiểu biết lẫn nhau.

Tôi cũng xin được trao đổi về hai hội thảo quốc tế gần đây nhất mà Trường ĐHKT tổ chức. Hội thảo thứ nhất là hội thảo về đánh giá chính sách kích cầu ở các nước châu Á năm 2009 tổ chức năm 2010, hội thảo thứ hai là khởi sự doanh nghiệp dành cho doanh nhân nữ tổ chức năm 2011. Có thể thấy, hai hội thảo đã rất thành công trong việc khai thác những hướng đi mới về nghiên cứu và đào tạo. Tôi cũng xin đặc biệt lưu ý tới hội thảo về khởi sự doanh nghiệp. Đại học Thương mại Chiba hiện có hơn 600 học viên cao học, họ là giám đốc của các công ty vừa và nhỏ. Trường đã triển khai nhiều chương trình đào tạo đặc biệt dành cho ứng cử viên là các nhà phân tích doanh nghiệp vừa và nhỏ, với những kiến thức được học họ sẽ giúp doanh nghiệp của mình tiếp cận được với các nguồn vay và tư vấn về kinh doanh.

TS. Trần Thị Thanh Tú, Phó Chủ nhiệm Khoa Tài chính - Ngân hàng đã cho tôi biết nhiều nội dung của chương trình đào tạo mà Đại học Thương mại Chiba triển khai có thể áp dụng cho chương trình đào tạo về khởi sự kinh doanh ở Việt Nam. Chính TS. Phan Chí Anh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quản trị Kinh doanh và TS. Nguyễn Đăng Minh, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quản trị Kinh doanh là những người rất am hiểu về Bộ Giáo dục, công tác quản trị công nghệ, các phương pháp nghiên cứu của Nhật Bản, và chắc chắn họ có thể là những người đặt nền móng cho sự phát triển của một chương trình như vậy ở Việt Nam. Đại học Thương mại Chiba rất vui mừng được chuyển giao các nội dung của chương trình theo yêu cầu của Trường ĐHKT. Tôi mong muốn các bạn có thể xây dựng hệ thống cấp chứng chỉ cho các nhà phân tích kinh tế về doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam trong tương lai.

Nghiên cứu và đào tạo luôn gắn liền với nhau. Trong những năm gần đây, các hoạt động nghiên cứu và đào tạo của Trường ĐHKT đã gắn kết với nhau hơn. Nhà trường đạt được nhiều thành công lớn trong cả lĩnh vực nghiên cứu và đào tạo.

Nhân dịp này, tôi xin chúc mừng Trường ĐHKT và hy vọng Nhà trường tiếp tục đạt được nhiều thành công và ngày càng phát triển trong tương lai.

>>> Xem bn PDF ti đây.

 
TS. Hiromitsu Takemi

Chủ nhiệm Khoa Kế toán và Tài chính, Đại học Thương mại Chiba, Nhật Bản


(Trích Kỷ yếu Trường Đại học Kinh tế - 5 năm thành lập và hướng tới 40 năm truyền thống: Đổi mới và Phát triển)