Kỷ niệm 10 năm thành lập
 
Đẩy mạnh quan hệ hợp tác với Dự án EU MUTRAP

Sáng ngày 17/6/2015, đại diện lãnh đạo Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN (ĐHKT) đã có buổi tiếp và làm việc với Ông Francesco Abbate - Chuyên gia độc lập của Dự án Hỗ trợ Chính sách Thương mại và Đầu tư Châu Âu (EU-MUTrap).


Tham dự buổi tiếp có TS. Nguyễn Anh Thu - Phó Hiệu trưởng, TS. Lê Trung Thành - Trưởng phòng NCKH&HTPT, Trường ĐHKT.

Mở đầu buổi làm việc, Ông Francesco Abbate giới thiệu với Trường ĐHKT về tiến trình triển khai dự án và bày tỏ mong muốn tìm kiếm cơ hội hợp tác trong thời gian tới với Trường ĐHKT.

Thay mặt nhà trường, TS. Nguyễn Anh Thu cảm ơn chuyên gia đã quan tâm tới Trường ĐHKT và chia sẻ một số dự án hợp tác trước đây giữa Trường ĐHKT và EU-MUTRAP. Tuy nhiên, theo TS. Nguyễn Anh Thu, các dự án này mới dừng lại ở các hoạt động quy mô nhỏ như: tổ chức các khóa đào tạo, hội thảo. Bà bày tỏ mong muốn xây dựng mối quan hệ hợp tác lâu dài với EU-MUTRAP nói chung và các chuyên gia của EU-MUTRAP nói riêng, đồng thời cũng mong muốn hai bên cùng phối hợp để xây dựng các dự án nghiên cứu quốc tế.


Đại diện Trường ĐHKT và EU-MUTRAP tại buổi làm việc

Tại buổi làm việc, TS. Lê Trung Thành cũng chia sẻ, nhóm nghiên cứu của Trường ĐHKT được đánh giá là 1 trong 3 nhóm nghiên cứu xuất sắc nhất trong Đại học Quốc gia Hà Nội. Việc tham gia vào các dự án nghiên cứu quốc tế sẽ góp phần quan trọng giúp nâng cao năng lực nghiên cứu cho các giảng viên Trường ĐHKT cũng như giúp Trường ĐHKT đạt được mục tiêu phát triển theo định hướng nghiên cứu.

Đại diện ĐHKT và EU-MUTRAP bày tỏ vui mừng khi nhận thấy những cơ hội hợp tác khả thi như hợp tác nghiên cứu trong khuôn khổ dự án, tổ chức các khóa đào tạo cho các vùng miền núi phía Bắc, xây dựng Trung tâm nghiên cứu Châu Âu.

Kết thúc buổi làm việc, hai bên thống nhất tiếp tục trao đổi thông tin để tiến tới những kế hoạch hợp tác cụ thể.

Giới thiệu về Dự án EU-MUTRAP

Tên Dự án: Dự án Hỗ trợ Chính sách Thương mại và Đầu tư của châu Âu (EU-MUTRAP)

Cơ quan điều hành và thực hiện Dự án: Bộ Công thương

Thời gian thực hiện Dự án: từ ngày 20/9/2012 đến 31/1/2018

Mục tiêu tổng thể của Dự án là hỗ trợ Việt Nam hội nhập sâu hơn vào hệ thống thương mại toàn cầu, ASEAN và hợp tác tiểu vùng,  tăng cường quan hệ thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu, tối đa hóa lợi ích của quá trình phát triển kinh tế, bao gồm tăng trưởng kinh tế toàn diện và xóa đói giảm nghèo.

Mục tiêu cụ thể của Dự án là hỗ trợ Bộ Công Thương tiến hành thuận lợi hóa thương mại quốc tế và đầu tư thông qua việc tăng cường năng lực hoạch định chính sách, tham gia vấn chính sách, đàm phán và thực thi  các cam kết liên quan, đặc biệt là trong quan hệ với Liên minh châu Âu.

Các kết quả chính dự kiến của Dự án bao gồm:

  1. Tăng cường quan hệ thương mại, đầu tư giữa EU và Việt Nam thông qua đối thoại và hợp tác, đàm phán và thực thi một hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và EU trong tương lai.
  2. Nâng cao năng lực thể chế trong đàm phán và thực thi các cam kết thương mại đa phương, khu vực và tiểu khu vực.
  3. Cải thiện khuôn khổ chính sách về đầu tư, tập trung vào các vấn đề xã hội và môi trường trong các chính sách và pháp luật liên quan đến thương mại và đầu tư.
  4. Tăng cường khả năng tiếp cận thông tin, quy định và cơ hội thị trường liên quan đến cam kết thương mại và đầu tư quốc tế của Việt Nam; tăng cường sự tham gia của các bên liên quan vào quá trình xây dựng chính sách thương mại và đầu tư; và nâng cao năng lực của doanh nghiệp vừa và nhỏ nhằm đáp ứng các quy định tiếp cận thị trường của châu Âu.
  5. Hỗ trợ đối thoại EU-Việt Nam trong các nội dung kinh tế của Hiệp định đối tác và hợp tác toàn diện (PCA), và dành sự hỗ trợ linh hoạt để giải quyết các vấn đề thương mại quan trọng, cấp thiết.


Tin: Bình Minh (NCKH&HTPT) Ảnh: Thanh Tú


Các tin khác