Kỷ niệm 10 năm thành lập
 
Thủ khoa khóa 2011-2015 Trường ĐHKT - ĐHQGHN: “Thần tượng Trường ĐHKT từ những năm cấp 3”

Thủ khoa Phạm Thị Khánh Linh
Thi vào ngành Kế toán nhưng thiếu điểm, Phạm Thị Khánh Linh cho rằng được chuyển sang ngành Kinh tế quốc tế là cái duyên và thật sự may mắn. Khoa Kinh tế và Kinh doanh Quốc tế (FIBE) đã khiến 4 năm học tại Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN của cô sinh viên trở nên đáng nhớ và tuyệt vời.


Với thành tích học tập xuất sắc toàn khóa học 2011-2015, thủ khoa Phạm Thị Khánh Linh đã vinh dự được nhận Bằng khen của Giám đốc ĐHQGHN và Giấy khen của Hiệu trưởng Trường ĐHKT tại Lễ trao bằng cử nhân năm học 2014-2015.

“Sinh viên chuyển ngành” may mắn


Cầm tấm bằng trong tay trong ngày tốt nghiệp trọng đại, Khánh Linh thể hiện sự xúc động khi đạt thủ khoa toàn khóa của trường. Chia sẻ với tôi sự bất ngờ về kết quả đạt được của bản thân, tân thủ khoa Trường ĐHKT cũng không giấu được niềm vui khi nói về 4 năm trải nghiệm nơi mái trường đại học.
- Họ tên: Phạm Thị Khánh Linh
- Quê quán: Quảng Ninh
- Sinh viên lớp QH-2011-E KTQT
- Điểm tổng kết toàn khóa: 3,84/4.
Một số học bổng cho sinh viên xuất sắc:
- Học bổng Lawrence.S Ting (2012),
- Học bổng Mitshubishi (2013),
- Học bổng Sacombank (2013),
- Học bổng BIDV (2014),
Và 7 kỳ nhận học bổng khuyến khích học tập của nhà trường.

Nhớ lại 4 năm học tại Trường ĐHKT, Linh bồi hồi: “Có thể nói ĐHQGHN là đại học lớn nhất Việt Nam, có thứ hạng tại Châu Á và thế giới. Trường ĐHKT mình cũng là trường có tiếng bởi đội ngũ giảng viên chất lượng cao. Các thầy cô dạy em hầu như ai cũng có khoảng thời gian nghiên cứu và học tập tại nước ngoài.
Cơ sở vật chất của trường rất tốt, hồi em mới vào trường không nghĩ sinh viên lại được học phòng điều hoà rồi trang thiết bị đầy đủ như vậy. Nơi mà em thích nhất là thư viện ở tầng 5, em đến đấy hàng tuần đến mức độ mà các cô đổi vị trí giá nào là em biết ngay”.
Quyết định thi vào Trường ĐHKT vì “thần tượng” trường từ những năm cấp 3, Khánh Linh đứng thứ 20 trong số các thí sinh ngành Kế toán nhưng lại bị “trượt” ngành vì một số bạn khác có ưu thế điểm cộng. Linh kể mình rất buồn và hoang mang về cơ hội học tại ĐHKT thời điểm đó. Và khi được chuyển sang ngành Kinh tế quốc tế, cái “duyên” này khiến Linh cảm thấy thực sự may mắn.
Điều khiến Khánh Linh ấn tượng nhất về Khoa Kinh tế và Kinh doanh Quốc tế đó chính là sự nhiệt tình của thầy cô: “Em đã từng nghe các anh chị em ở các trường khác nói rằng đến lớp đại học nhiều khi chỉ đến cho có. Nhưng ở Khoa Kinh tế và Kinh doanh Quốc tế em không cho là vậy. Thầy cô sẵn sàng giải thích những điều chúng em chưa hiểu và mở rộng kiến thức cho chúng em như những người bạn chứ không phải những tiến sĩ, giáo sư với sinh viên”.
Quá trình học tập tích cực tại trường đã mang lại cho Khánh Linh một kết quả đáng ngưỡng mộ. Tuy nhiên, điều khiến tân thủ khoa ĐHKT cảm thấy tiếc nuối nhất khi ra trường đó là chưa thể sắp xếp được thời gian hợp lý hơn để tham gia một câu lạc bộ.
Linh cho rằng, các hoạt động ngoại khoá của sinh viên ĐHKT rất năng động, từ Câu lạc bộ Tiếng Anh BeONE cho đến Câu lạc bộ Kinh tế trẻ YEC… thực sự hữu ích. Và nếu còn một cơ hội nữa, Linh sẽ tham gia YEC - bởi các thành viên YEC vừa nghiên cứu giỏi, vừa sáng tạo, năng động và quan trọng hơn cả là các câu lạc bộ như cây cầu kết nối doanh nghiệp thực tế với sinh viên.

Bí quyết học tập chỉ có 2 từ “Mục tiêu”

Thủ khoa Trường ĐHKT quan niệm, làm việc mà không có mục đích giống như không biết bản thân thích gì để lấy làm động lực. Chính vì vậy, xác định mục tiêu trong từng giai đoạn và xác định kế hoạch học những vấn đề đó chính là bí quyết học tập của cô gái trẻ.
Đầu mỗi kỳ lúc đăng ký môn học, Linh sẽ chọn những môn “khó nuốt” cùng với những môn mang tính lý thuyết nhẹ hơn hoặc thuyết trình nhiều để việc học tập được thoải mái. Việc học sẽ không bị căng thẳng mà kết quả vẫn tốt.


Khánh Linh rạng rỡ trong ngày nhận bằng tốt nghiệp

Ngoài ra, Linh cũng cho biết: “Em không dồn kiến thức đến sát ngày thi mới đọc hoặc học vì như thế rất áp lực và hầu như là học vẹt. Phương pháp của em là đọc trước bài luôn và ghi ra những vấn đề em không hiểu để đến lớp hỏi thầy cô; còn những gì đã có trong giáo trình thì em sẽ không đề cập tới nữa để đỡ tốn thời gian được hỏi thầy cô.”
Một điểm khác mà Linh cho là do nền tảng của cá nhân. Gia đình làm kinh doanh nên Linh thường xuyên được bố mẹ chỉ bảo các vấn đề về kinh tế. Ngay từ năm đại học đầu tiên, đặc biệt là các dịp hè, Khánh Linh cũng đều tranh thủ đi làm ở công ty của anh trai để được trải nghiệm các tình huống thực tế.
Yêu thích marketing từ những kiến thức lý thú trên giảng đường, Khánh Linh quyết định sẽ theo đuổi ngành học này trong dự định học thạc sĩ sắp tới. “Việt Nam mình có nhiều sản phẩm tốt nhưng chưa biết cách đưa vào thị trường hoặc quảng bá ra thế giới nên không tạo được giá trị cao”, vì vậy Linh mong muốn nâng cao trình độ trong lĩnh vực này để tương lai có thể góp phần nhỏ bé xây dựng quê hương.
Chúc cô gái trẻ thành công và đạt được ước mơ của mình.
 

Văn Ba