GS. Đào Văn Tập sinh ngày 28.10.1927 tại thôn Tường Thụy, xã Trác Văn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam. Ông là một trong số không nhiều nhà kinh tế học được Hội đồng Chính phủ phong học hàm Giáo sư đợt đầu tiên năm 1980.
GS. Đào Văn Tập là một trong những người khai sinh ra Khoa Kinh tế Chính trị, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Khi đó (1974), chỉ duy nhất có Trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc đào tạo đội ngũ cán bộ nghiên cứu và giảng dạy Kinh tế Chính trị Mác - Lênin, do vậy, cán bộ làm công tác nghiên cứu và giảng dạy Kinh tế Chính trị Mác - Lênin còn thiếu, chưa đáp ứng được đòi hỏi của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam XHCN. Trong bối cảnh đó, Khoa Kinh tế Chính trị, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội đã được ra đời.
Khoa Kinh tế Chính trị được thành lập có nhiệm vụ đào tạo cán bộ Kinh tế Chính trị có trình độ đại học và trên đại học, vừa có khả năng nghiên cứu, vừa có khả năng giảng dạy để cung cấp cán bộ làm công tác giảng dạy và nghiên cứu Kinh tế Chính trị Mác - Lênin cho các trường đại học, cao đẳng, các viện nghiên cứu kinh tế, các cơ quan quản lý kinh tế từ Trung ương đến cơ sở.
Để chuẩn bị cho sự ra đời của Khoa, ngay từ tháng 3.1974, một số cán bộ của Viện Kinh tế học đã được GS. Hà Văn Tập chỉ định sang làm trợ lý tổ chức, đào tạo, thư viện... Ngày 4.11.1974, sinh viên khoá đầu của Khoa nhập học.
Khi Khoa Kinh tế Chính trị mới được thành lập (1974), GS. Đào Văn Tập là Phó viện trưởng Viện Kinh tế học thuộc Uỷ ban Khoa học Xã hội Việt Nam được cử kiêm nhiệm giữ chức vụ Phó chủ nhiệm khoa. GS. Đào Văn Tập đã trực tiếp xây dựng chương trình giảng dạy cho Khoa với thời lượng đào tạo 5 năm, lên danh sách mời cán bộ về dạy các môn học ở Khoa. Các môn Kinh tế Chính trị, Kinh điển Mác - Lênin mời giảng viên từ Viện Kinh tế học. Các môn Đường lối chính sách mời giảng viên từ Trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc. Các môn Kinh tế ngành mời giảng viên từ các trường Đại học Kinh tế. GS. Đào Văn Tập đã trực tiếp giảng bài và hướng dẫn sinh viên thực tập, viết luận văn tốt nghiệp.
Việc đào tạo sinh viên được gắn chặt với thực tế. Năm thứ nhất, sinh viên đi khảo sát thực tế 1 tuần, năm thứ hai đi thực tập nông nghiệp 1 tháng, năm thứ ba thực tập công nghiệp 2 tháng, năm thứ tư thực tập tổng hợp (liên ngành) 3 tháng và năm thứ năm sinh viên thực tập, viết luận văn trong một học kỳ cuối về những vấn đề lý luận kinh tế vĩ mô.
Tháng 12.1976, GS. Đào Văn Tập được bổ nhiệm làm Chủ nhiệm Khoa Kinh tế Chính trị cho đến năm 1989. Có thể nói, từ năm 1974 đến những ngày cuối của cuộc đời, GS. Đào Văn Tập, mặc dù bận rất nhiều công việc, nhưng luôn dành thời gian tham gia chỉ đạo và giảng dạy đại học, sau đại học tại Khoa Kinh tế Chính trị. GS. Đào Văn Tập đã góp phần quyết định trong việc xây dựng, củng cố và phát triển của Khoa. Với kiến thức kinh tế sâu rộng, tấm lòng nhân hậu, tác phong giản dị, ông đã đào tạo được nhiều thế hệ học trò. Hàng trăm, hàng ngàn sinh viên đã học tại Khoa đang phát huy có hiệu quả kiến thức và phương pháp nghiên cứu khoa học mà GS. Đào Văn Tập cùng đội ngũ giáo sư, giảng viên của Khoa truyền thụ. Nhiều sinh viên hiện nay đang là những nhà khoa học, nhà quản lý đảm nhận những cương vị chủ chốt tại các trường đại học, viện nghiên cứu các doanh nghiệp, các cơ quan của Đảng và Nhà nước. Toàn bộ đội ngũ lãnh đạo Khoa Kinh tế hiện nay hầu hết đã từng là sinh viên của Khoa, học trò của GS. Đào Văn Tập.
Không chỉ là một nhà sư phạm tài năng, GS. Đào Văn Tập còn là một nhà khoa học tận tụy, có kiến thức uyên bác, sâu sắc và vững chắc về lĩnh vực kinh tế học. Nhiều công trình nghiên cứu của ông đã phục vụ các cơ quan lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước. Ông là một báo cáo viên thường xuyên tại Tiểu ban Lý luận TW của Đảng dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Trường Chinh về những vấn đề kinh tế chính trị của chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản hiện đại. Bản báo cáo ông về chiến lược toàn cầu của Mỹ được trình bày đầu tiên ở đây và sau đó đã được sử dụng rộng rãi làm tài liệu tham khảo ở các cơ quan đối ngoại và nghiên cứu quốc tế của Đảng và Nhà nước trong những năm kháng chiến chống Mỹ. Một số kết quả nghiên cứu của ông đã được công bố dưới dạng các bài báo về kinh tế Mỹ, Anh, Pháp và quan hệ kinh tế quốc tế đăng trên các tạp chí lý luận và khoa học (Tạp chí Cộng sản, Tạp chí Nghiên cứu kinh tế) và các phương tiện thông tin đại chúng (Báo Nhân dân, Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam), hay những báo cáo khoa học tại các hội nghị, hội thảo khoa học quốc tế được tổ chức ở trong nước và ở nước ngoài. Là chủ biên và đồng tác giả nhiều công trình nghiên cứu tập thể mà tiêu biểu là những cuốn "45 năm kinh tế Việt Nam (1945 - 1990)" (1990), "Bàn về cải tạo công thương nghiệp tư bản, chủ nghĩa tư doanh ở miền Bắc nước ta" (1959) v.v. Ông là tác giả một số cuốn sách về kinh tế Trung Quốc. Một trong những tác phẩm mà ông tâm đắc nhất là cuốn "Chiến tranh Việt Nam và kinh tế Mỹ" (NXB KHXH, 1973) đã được dịch ở Mỹ, Nhật Bản và được giới thiệu tại một số nước khác trên thế giới. Với công trình khoa học này, ông đã được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2005 vì đã có đóng góp quan trọng trong việc phát triển khoa học kinh tế phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam XHCN.
Là một trong những nhà kinh tế học hàng đầu của đất nước, GS. Đào Văn Tập đã được cử làm Phó chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, Phó chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam. Ông là đại diện các nhà khoa học kinh tế Việt Nam tại nhiều đại hội của Hội Khoa học Kinh tế Thế giới, Hội Các nhà kinh tế Thế giới thứ ba. Hội Các nhà kinh tế Thế giới thứ ba đã bầu GS. Đào Văn Tập làm Uỷ viên Ban Chấp hành của hội. GS. Đào Văn Tập còn là thành viên của các đoàn đại biểu nước ta tại một số hội nghị cấp cao của Phong trào không liên kết và của nhóm G7.
Là một nhà quản lý năng động và quán xuyến, một người lãnh đạo chí công vô tư, một người thủ trưởng bình dị và gần gũi với quần chúng, GS. Đào Văn Tập luôn được mọi người quý mến.
GS. Đào Văn Tập là một nhà khoa học hăng say và tận tụy với công việc, gương mẫu trong lao động sáng tạo, trung thực và nghiêm túc trong khoa học. Tháng 8.1958, tốt nghiệp Đại học Kinh tế ở Trung Quốc, ông về làm việc tại Văn phòng Chính phủ. Tháng 5.1959, ông chuyển về Viện Kinh tế học. Năm 1960, ông làm Trưởng ban Kinh tế thế giới, thuộc Viện Kinh tế học. GS. Đào Văn Tập đã đặt nền móng cho ngành nghiên cứu kinh tế thế giới và quan hệ kinh tế quốc tế ở Việt Nam và là người sáng lập ra Viện Kinh tế Thế giới sau này (1983). Năm 1969, ông được cử làm Phó Viện trưởng Viện Kinh tế học, năm 1976 là quyền Viện trưởng. Từ năm 1977 là Phó chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học Xã hội Việt Nam kiêm Viện trưởng Viện Kinh tế học. Từ năm 1982 đến 1985, ông là Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học Xã hội Việt Nam.
GS. Đào Văn Tập đã góp phần to lớn vào việc đào tạo nên một đội ngũ cán bộ nghiên cứu khoa học thành thạo về phương pháp nghiên cứu, vững vàng về chuyên môn, tâm huyết với nghề nghiệp. Nhiều cán bộ được ông dìu dắt, bồi dưỡng đã trở thành những người lãnh đạo các cơ sở nghiên cứu và chỉ đạo kinh tế ở trong và ngoài phạm vi Uỷ ban Khoa học Xã hội Việt Nam (nay là Viện Khoa học Xã hội Việt Nam). Nhiều công trình nghiên cứu khoa học do ông hướng dẫn thực hiện hoặc chủ biên đã có tiếng vang trong giới nghiên cứu lý luận. Đội ngũ cán bộ lãnh đạo kế cận mấy thế hệ của hai viện Kinh tế học (nay là Viện Kinh tế Việt Nam) và Kinh tế thế giới (nay là Viện Kinh tế và Chính trị thế giới), phần lớn là những học trò của ông.
Suốt 30 năm công tác tại Uỷ ban Khoa học Xã hội Việt Nam, với tư cách là một trong những người đặt viên gạch đầu tiên xây dựng nền móng cho nền khoa học kinh tế ở Việt Nam, là một người lãnh đạo Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Xã hội của nước ta, GS. Đào Văn Tập đã có nhiều cống hiến quý báu. Trong thời gian gần 10 năm (1977 - 1985), với cương vị là Phó chủ nhiệm rồi Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học Xã hội, GS. Đào Văn Tập đã chèo lái con thuyền Uỷ ban không ngừng tiến lên. Đội ngũ các nhà khoa học xã hội của Uỷ ban Khoa học Xã hội Việt Nam (nay là Viện Khoa học Xã hội Việt Nam) đã được tăng cường cả về số lượng và chất lượng, thu hút và có mối quan hệ rộng rãi với giới khoa học xã hội của nước nhà và đóng góp tích cực vào sinh hoạt của khoa học xã hội thế giới. GS. Đào Văn Tập liên tục được tín nhiệm bầu làm đại biểu Quốc hội các khoá V, VI và VII. Quốc hội đã cử ông giữ trách nhiệm Uỷ viên dự khuyết, rồi Uỷ viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Thư ký rồi Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế, Kế hoạch, Ngân sách Quốc hội. Nhiều cán bộ của Uỷ ban Kinh tế, Ngân sách Quốc hội còn nhớ những kỷ niệm cùng ông hăng say, miệt mài ngày đêm chỉnh sửa, góp ý và thẩm định các dự án luật mà Chính phủ trình Quốc hội. Tác phong làm việc tận tụy, nghiêm túc và đầy tinh thần trách nhiệm của ông tại Quốc hội là sự thể hiện tiêu biểu phong cách làm việc của một đại biểu Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam.
Với cương vị là Phó chủ tịch Hội hữu nghị Việt - Xô, Uỷ viên Uỷ ban đoàn kết nhân dân Á - Phi của Việt Nam, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội khoa học kinh tế Việt Nam, GS. Đào Văn Tập đã tích cực hoạt động nhằm tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau và tình hữu nghị giữa Việt Nam và các nước, thực hiện đường lối chính trị và kinh tế đối ngoại của Đảng và Nhà nước.
Là một nhà khoa học, một nhà quản lý, một nhà giáo, GS. Đào Văn Tập còn đồng thời là một nhà báo. Tạp chí Nghiên cứu Kinh tế với người Tổng biên tập đầy kinh nghiệm, cẩn thận và quyết đoán Đào Huy Tập đã làm tốt vai trò là cơ quan ngôn luận của Viện Kinh tế học và trở thành một trong những tạp chí hàng đầu của đất nước về khoa học Kinh tế. Ông là Tổng biên tập tạp chí Việt Nam - Khoa học Xã hội in bằng ba thứ tiếng: Nga, Anh, Pháp của Uỷ ban Khoa học Xã hội Việt Nam.
GS. Phạm Như Cương, nguyên Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học Xã hội Việt Nam trong lễ truy điệu GS. Đào Văn Tập đã ghi nhận: "GS. Đào Văn Tập là người đồng chí trung kiên, người bạn chí tình, người thầy giáo mẫu mực, nhà khoa học đầu đàn, nhà tổ chức, lãnh đạo nhiều kinh nghiệm và cũng là người anh, người em, người cha, người ông và người chồng trung hậu, thân yêu của gia đình".
Cố GS. Đào Văn Tập đã thật sự để lại trong lòng bạn bè, đồng nghiệp, học trò và gia đình những tình cảm trong sáng mãi mãi