University of Economics and Business
 
Tom Cannon: Người hiểu rõ mọi ngóc ngách kinh tế thế giới

Ảnh: Phạm Diệp - Minh Trường
Cha đẻ Guinness những kỷ lục trong kinh doanh, nhà hoạch định chiến lược hàng đầu thế giới, GS. Tom Cannon, đã mang đến những tin tốt lành cho Việt Nam khi ông nhận định, Việt Nam đã chạm đáy của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu sớm hồi phục và đi lên nhanh chóng trong năm tới.


Thành công từ… đống đổ nát
Lần đầu tiên được nhìn thấy GS. Tom Cannon “bằng da, thịt” là khi GS.TS Mai Trọng Nhuận - Giám đốc ĐHQGHN bắt tay chào đón ông đến thăm và làm việc tại ĐHQGHN. Dáng đi nhanh nhẹn, khuôn mặt thông thái và luôn nở nụ cười thân thiện, ông trẻ hơn so với cái tuổi lục thập của mình.
Đối với các chính khách, doanh nhân, giới khoa học cho đến… cả đứa trẻ bán báo, GS.Tom là người…“đáng nghe nhất” - theo nhận định của Asian News. “Bản thân ông là sự tổng hòa kiến thức hàn lâm tích lũy được từ những quãng thời gian nghiên cứu, giảng dạy tại rất nhiều trường đại học lớn trên thế giới. Cộng với kho kinh nghiệm thực tiễn phong phú rút ra từ những lần làm việc cho các tập đoàn hàng đầu thế giới như IBM, Microsoft, Airbus…”. Một phóng viên hỏi: Ông có suy nghĩ gì khi mọi người gọi ông là nhà hoạch định chiến lược phát triển hàng đầu thế giới. Ông đáp, “Danh hiệu này là do những người xung quanh tặng cho tôi chứ bản thân tôi không làm nên danh hiệu đó”.
Nếu một ai đó muốn trở nên giàu có, ông khuyên, “hãy đặt ra những mục tiêu cụ thể, biểu đạt rõ mong muốn của mình bằng con số, hành động và hãy học hỏi từ chính những người giỏi nhất, kể cả thành công hay thất bại của họ”.
Còn nếu một doanh nhân nào đó muốn hỏi ông làm thế nào để trở thành một doanh nghiệp triệu đô, thì câu trả lời sẽ là “phải biết nghĩ dài và hành động nhanh”. Theo ông, một doanh nhân thành đạt phải luôn thấy được giá trị của đồng tiền bởi “trong kinh doanh tiền bạc mới là cái đáng nói”. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh, “hãy đặt niềm tin và tình yêu rằng sản phẩm của mình sẽ luôn mang lại lợi ích cho khách hàng”. Bên cạnh đó, doanh nhân đó phải luôn chăm chỉ trau dồi hiểu biết và tìm cho mình “đối tác thân thiết để chia sẻ sứ mệnh và chung lưng đấu cật trong sự nghiệp tương lai”. “Nếu bỏ tâm sức học hỏi sẽ rút ngắn được con đường dẫn tới thành công. Thành công phải được trải nghiệm qua khó khăn và tốn nhiều mồ hôi, nước mắt”, ông nói. 3 yếu tố chính để trở thành một doanh nghiệp triệu đô được GS. Tom Cannon đúc kết: kiểm soát được những gì mình đang làm và sản phẩm của mình từ những chi tiết nhỏ; tập trung làm việc; và biết tận dụng sức mạnh của người khác.
Đối với GS. Tom Cannon, bạn vẫn hoàn toàn có thể thành công khi xuất phát từ một…“đống đổ nát”.

Vài nét về GS. Tom Cannon:

GS. Tom Cannon là một trong những giáo sư xuất sắc về chuyên ngành Phát triển Chiến lược của trường ĐH Liverpool (Anh quốc), đồng thời là Giám đốc điều hành của Công ty TNHH Quốc tế Ideopolis (Ideopolis International Ltd).
Ông từng làm cố vấn cho nhiều chính phủ của nhiều quốc gia như làm cố vấn cho Singapore thời Thủ tướng Lý Quang Diệu, cố vấn cho Trung Quốc thời Thủ tướng Chu Dung Cơ, cố vấn cho Nga thời Tổng thống Vladimir Putin và cố vấn cho Anh thời Thủ tướng Tony Blair.
Bên cạnh đó, ông là cố vấn cao cấp của trên 30 tập đoàn xuyên quốc gia lớn như American Express, Goldman Sachs, Microsoft, Airbus, Tesco, BT, NatWest Bank, BP, Shell, Hong Kong & Shanghai Banking Corporation (HSBC), Ernst & Young, Dow Chemicals, IBM, ICI, Wessex Water, Virgin,Trinity Mirror Newspaper, General Electric. Ngoài ra, ông cũng là một chuyên gia đối với vấn đề kinh tế và tài chính trong thể thao. Tom Cannon thường xuyên xuất hiện trên các kênh Sky Sports, BBC TV, Bloomberg và nhiều hãng truyền hình quốc tế cũng như đài phát thanh, tạp chí bóng đá và thể thao chuyên gia. Tờ Academics in the Media đã xếp ông ở vị trí thứ ba về tần suất xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng tại Anh.

Cơ hội sau rủi ro
Với bề dày kinh nghiệm, GS. Tom Cannon có thế hiểu biết khắp các ngõ ngách của kinh tế thế giới. Trong chuyến diễn thuyết tại Việt Nam lần này, ông đã không ngần ngại đưa ra cách dự báo riêng và những lời khuyên đối với “hành xử” của nền kinh tế Việt Nam trong thời buổi nhiễu nhương của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu.
GS.Tom Cannon cho rằng, cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới chưa kết thúc, thậm chí những thời khắc khó khăn vẫn còn ở phía trước. Những nhận định của ông nhân chuyến diễn thuyết ở châu Á đã đem lại cho người dân Á châu “tin tốt lành”. Theo ông, Châu Á, đặc biệt là Đông Nam Á, đã ở đáy của cuộc khủng hoảng và đang có những dấu hiệu phát triển tích cực, còn châu Âu và Bắc Mỹ thì vẫn chưa chạm đáy. Châu Á, đặc biệt là Đông Nam Á, sẽ hồi phục trước, sau đó đến Mỹ và cuối cùng là Châu Âu. Châu Âu và Bắc Mỹ phải đến năm 2012 mới có thể hồi phục được.
“Chúng ta không nên quá bi quan và cũng không nên quá lạc quan, bởi chính sự lạc quan khi toàn bộ bánh xe kinh tế toàn cầu có những thay đổi tích cực vào quý 2 năm nay lại đem đến những kết quả trái ngược vào quý 3”, GS. Tom Cannon cảnh báo.
Chiếc la bàn của các chuyên gia kinh tế bị mất phương hướng khi diễn biến của cuộc đại khủng hoảng kinh tế thế giới diễn biến phức tạp, khiến nhiều nhà hoạch định chính sách bối rối, không giấu nổi lo lắng cho một thời kỳ sau khủng hoảng, thì GS. Tom Cannon lại chỉ ra những cơ hội ngàn vàng, mà nếu biết tận dụng, sẽ mang lại một bộ mặt mới cho thế giới. Theo ông, cuộc khủng hoảng lần này như một phần của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 3 với sự ra đời của nhiều ngành công nghiệp mới. Khủng hoảng dẫn đến sự thay đổi, và chính sự thay đổi tạo ra cái mới và cơ hội.
Nhưng không phải quốc gia nào cũng có thể tận dụng hiệu quả những cơ hội này. Chính bởi vậy, nhà hoạch định chính sách kinh tế tài ba này đã đưa ra 3 “bí quyết” để nắm lấy thành công: Sự sáng tạo, những người có đầu óc kinh doanh và… những nhà lãnh đạo sáng suốt. Hãy biết sử dụng thông minh và khôn khéo kiến thức và sự sáng tạo.
Cơ hội cho Việt Nam
GS. Tom Cannon sẽ mang gì cho Việt Nam? Đây có lẽ là câu hỏi của bất cứ ai quan tâm đến chuyến diễn thuyết này ở Việt Nam. Thật may, ngay cái tên của cuộc hội thảo “Tăng trưởng bền vững trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế toàn cầu: Vai trò của tri thức và tài năng cho sự phát triển của Việt Nam trong tương lai” đã mang đến câu trả lời.
Câu trả lời của GS. Tom Cannon như “cởi tấm lòng” đối với các chuyên gia kinh tế và doanh nghiệp Việt Nam khi ông nhận định, Việt Nam đã chạm đáy của cuộc khủng hoảng và chỉ khoảng 12 tháng nữa nền kinh tế Việt Nam bắt đầu bước vào giai đoạn hồi phục. Với những nét đặc sắc riêng, nền kinh tế Việt Nam sớm đi lên nhanh chóng. Lý do để GS. Tom Cannon đưa ra nhận định như vậy chính là: Việt Nam có nguồn lực lao động hấp dẫn; Hoạt động của hệ thống ngân hàng Việt Nam khác với hệ thống ngân hàng của Mỹ và châu Âu; Việt Nam đã tập trung vào 4 điểm chính: Sáng tạo, phát triển doanh nghiệp, phát triển bền vững và chiến lược.
Vậy làm thế nào để Việt Nam nắm lấy cơ hội vươn lên? Theo GS. Tom Cannon, yếu tố quan trọng nhất đối với Việt Nam là phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, có khả năng sáng tạo và phản ứng thông minh trước các tình huống phức tạp của nền kinh tế sau khủng hoảng. Sau buổi làm việc với Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng và tiếp đó là buổi làm việc với ĐHQGHN, GS. Tom Cannon tin tưởng rằng, Việt Nam hoàn toàn có thể xây dựng một nền giáo dục đại học hàng đầu khu vực, và việc hợp tác chặt chẽ với các trường đại học hàng đầu thế giới sẽ giúp giáo dục đại học Việt Nam tiến nhanh hơn. Ông cũng nhấn mạnh, mô hình tự chủ, tự chịu trách nhiệm cao của ĐHQG là một hướng đi đúng đắn để Việt Nam phát huy tối đa tính ưu việt của giáo dục đại học. Khi Việt Nam có một lực lượng lao động trẻ đông đảo, cần cù thì các trường đại học đóng vai trò then chốt nâng cao chất lượng chuyên môn, kỹ năng làm việc toàn cầu. Đây sẽ là lực lượng chính lèo lái nền kinh tế tương lai. “Các trường đại học Việt Nam cần phải liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp hơn để gắn chặt với nhu cầu xã hội”, GS. Tom Cannon nói.
Một vấn đề khác mà GS. Tom Cannon nhấn mạnh đó là Việt Nam cần phải xây dựng cho mình thương hiệu. Thế giới biết đến Nhật Bản có Sony, Parasonic…; Hàn Quốc có Daewoo, Samsung…, theo GS. Tom Cannon, Việt Nam nên có… một loại thực phẩm hoặc nông sản nào đó vì Việt Nam có lợi thế là một quốc gia nông nghiệp. Nhưng để xây dựng thành công một thương hiệu trước hết cần phải có thời gian và phải luôn coi trọng chất lượng và con người. Để tăng kim ngạch xuất khẩu, các doanh nghiệp Việt Nam cần sáng tạo, mở rộng quy mô sản xuất để tăng sức cạnh tranh. Nếu biết tận dụng thế mạnh của mình thì các sản phẩm của Việt Nam hoàn toàn có thể cạnh tranh trên thị trường quốc tế.


Bùi Tuấn, Đức Phường (Tổng hợp và bình luận, VNU-net)