University of Economics and Business
 
Trường ĐHKT nghiệm thu đề cương chương trình NCKH trọng điểm giai đoạn 2009 - 2012

Ngày 31/8/2009, Trường ĐHKT - ĐHQGHN đã tổ chức nghiệm thu đề cương Chương trình nghiên cứu khoa học trọng điểm giai đoạn 2009 - 2012 của Trường với hướng nghiên cứu “Lý thuyết và chính sách kinh tế vĩ mô trong điều kiện Việt Nam” do TS. Nguyễn Đức Thành - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách - ĐHKT thực hiện.


Hội đồng PGS.TS. Phùng Xuân Nhạ - Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo Trường ĐHKT làm Chủ tịch.
Các nhà khoa học hàng đầu, các nhà nghiên cứu trẻ về kinh tế học đến từ Bộ Tài chính, Trường ĐHKT Quốc dân, Đại học Kinh tế - ĐHQGHN… đã tham dự buổi nghiệm thu.
Sau khi nghe TS. Nguyễn Đức Thành trình bày đề cương chương trình nghiên cứu, các thành viên Hội đồng đã phân tích sâu về tính khác biệt của chương trình nghiên cứu, những đột phá trong nghiên cứu về kinh tế vĩ mô của Trường ĐHKT với các chương trình nghiên cứu về Kinh tế học hiện có tại Việt Nam.
Hội đồng khoa học khẳng định, đây là một chương trình nghiên cứu lớn, độc lập, không bị chi phối bởi các yếu tố kinh tế, chính trị, xã hội. Chương trình nghiên cứu bao quát toàn bộ các lý thuyết và công cụ sử dụng trong phân tích kinh tế vĩ mô hiện đại. Để thực hiện được chương trình nghiên cứu này đòi hỏi sự huy động nguồn lực tài chính lớn cũng như sự tham gia của đông đảo các nhà kinh tế đầu ngành, các tập đoàn kinh tế, các doanh nghiệp… ở trong và ngoài nước trong một thời gian dài.
Phần nội dung chính của đề cương là dự kiến của chương trình nghiên cứu kinh tế vĩ mô. Chương trình nghiên cứu đã đưa ra định hướng nghiên cứu bao quát hầu hết toàn bộ những lý thuyết cũng như công cụ kinh tế vĩ mô hiện đại. Nếu thực hiện được thì nó sẽ cung cấp một nền tảng kiến thức rộng và sâu cho những người học tập, nghiên cứu, và điều hành các chính sách kinh tế vĩ mô sau này ở Việt Nam.
Về cơ bản, đề cương đã đáp ứng được yêu cầu vạch ra các định hướng nghiên cứu chính. Việc triển khai từng định hướng nghiên cứu cần phải có bản đề cương chi tiết cho mỗi chủ đề. Nhà trường sẽ có kế hoạch đầu tư nguồn lực phù hợp, sớm triển khai chương trình nghiên cứu này góp phần xây dựng kho tàng tài liệu học thuật kinh tế vĩ mô cho Việt Nam. Một số chủ đề lớn trong chương trình sẽ là những hướng nghiên cứu chuyên sâu phục vụ công tác đào tạo sau đại học nhằm gắn kết nghiên cứu và giảng dạy trong trường đại học. Các bài báo quốc tế, và trong nước được đăng trên tạp chí chuyên ngành các sách chuyên khảo gắn với các chủ đề nghiên cứu được xuất bản hàng năm sẽ dần khẳng định hướng nghiên cứu đột phá, dần hình thành trường phái nghiên cứu kinh tế học của Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN. Sau sự thành công của Báo cáo Kinh tế 2009 “Kinh tế Việt Nam 2009: Suy giảm và thách thức đổi mới”, ngay trong năm học 2009 - 2010, Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2010 là sản phẩm cụ thể nằm trong Chương trình nghiên cứu này.
Tuy nhiên, để phù hợp với bối cảnh kinh tế Việt Nam hiện nay, hướng nghiên cứu của Chương trình có thể được điều chỉnh với tựa đề: “Lý thuyết và chính sách kinh tế vĩ mô trong điều Việt Nam hội nhập kinh tế”.


Xuân Lê (P.NCKH&HTQT)