University of Economics and Business
 
Chuyến đi tới đất nước Mặt trời mọc

Sinh viên và giáo sư từ các trường đại học tham gia ISF 2011 tại Oita, Nhật Bản
Vừa qua, từ ngày 24/8 đến 27/8/2011, đoàn sinh viên Trường ĐHKT - ĐHQGHN do ThS. Vũ Thanh Hương - Giảng viên Khoa Kinh tế và Kinh doanh Quốc tế dẫn đầu đã có chuyến đi đầy ý nghĩa tham dự Diễn đàn Sinh viên quốc tế (ISF-International Students Forum) tại Nhật Bản.


Đoàn gồm 6 sinh viên: Nguyễn Thị Hiền, Vũ Thị Quỳ (QH-2008-E KTPT), Trần Thùy Dương (QH-2008-E CLC), Nguyễn Huệ Minh, Hoàng Thị Vân Nga, Trịnh Thị Phương Lan (QH-2008-E QTKD).

Chúng tôi đã có 4 ngày tham gia Diễn đàn sinh viên quốc tế tổ chức tại Trường Đại học Oita - Nhật Bản. Diễn đàn này được tổ chức 2 năm một lần tại các trường đại học thành viên. Chủ đề của Diễn đàn lần này là: Phát triển bền vững và xã hội: Môi trường, Hiệu quả và vấn đề an ninh của con người. Diễn đàn năm nay có sự tham gia của 5 trường đại học: Đại học OITA ( Nhật Bản), Đại học Kinh tế - ĐHQGHN (Việt Nam), Đại học Chiang Mai (Thái Lan), Trường Đại học Ewha Womans ( Hàn Quốc) và Đại học Paderborn (Đức). Tuy khá ngắn ngủi nhưng chuyến đi đọng lại rất nhiều kỷ niệm trong chúng tôi.

Ngày đầu tiên đặt chân lên đất nước Nhật Bản xinh đẹp sau một chặng đường dài, mọi người trong đoàn đã nhận được sự đón tiếp rất nồng nhiệt của giáo sư Kimura và các bạn sinh viên Trường Đại học Oita.

Ngày thứ hai, chúng tôi có một lịch trình khá dày với 13 bài thuyết trình của sinh viên từ 4 trường: Đại học Oita, ĐH Chiang Mai, ĐH Ewha Womans và ĐH Paderborn. Các bài thuyết trình xoay quanh các vấn đề về phát triển bền vững như: vấn đề ô nhiễm môi trường ở Thái Lan; vấn đề tuổi nghỉ hưu ở Hàn Quốc; sử dụng nguồn năng lượng ở Đức và vấn đề của ngành nông nghiệp, công nghiệp Nhật Bản trước khi chuẩn bị gia nhập vào Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương. Những vấn đề được sinh viên nghiên cứu khá sâu sắc và nhận được nhiều đóng góp của các giáo sư cũng như của sinh viên tham dự. Sau một ngày khá bận rộn, tất cả các sinh viên từ 5 trường đã tham dự bữa tiệc chào đón của Trường ĐH Oita. Tại đó, chúng tôi có cơ hội giao lưu với giáo sư và sinh viên từ các trường bạn, hiểu hơn về đất nước Nhật Bản và nền văn hóa của các quốc gia khác nhau. Đoàn sinh viên Thái Lan trong trang phục và điệu múa truyền thống đã gây ấn tượng và được các nhóm sinh viên khác hưởng ứng cùng hòa theo. Các cô gái đến từ Hàn Quốc với điệu nhảy đầy sôi động của nhóm Girl Generation đã khiến không khí buổi tiệc trở nên sôi động.

Sáng ngày thứ ba được dành cho 5 bài thuyết trình của đoàn sinh viên Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN. Các bài thuyết trình bàn luận về nhiều vấn đề khác nhau liên quan tới phát triển bền vững như: tác động kinh tế của thảm họa sóng thần Nhật Bản và bão lụt ở Việt Nam; sự hấp dẫn của Việt Nam trong thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài có mức độ phát thải carbon thấp; lợi ích kinh tế của ngành công nghiệp tái chế; so sánh các vấn đề liên quan đến thể chế của công ty đầu tư trực tiếp nước ngoài Nhật Bản với công ty tư nhân Việt Nam trong quá trình đổi mới công nghệ; và sự phát triển của ngành dịch vụ ăn nhanh ở Việt Nam qua nghiên cứu tình huống của KFC. Các bài thuyết trình của Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN đã nhận được sự đánh giá cao của giáo sư và sinh viên tham dự diễn đàn. Các bạn đã có những thể hiện xuất sắc và để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng bạn bè quốc tế.

Ngày cuối cùng được dành cho chúng tôi thư giãn và tìm hiểu nhiều hơn và đất nước Nhật Bản. Các bạn sinh viên Nhật Bản rất nhiệt tình giới thiệu cho chúng tôi về con người đất nước nơi đây. Chúng tôi thật sự ấn tượng với hệ thống đường phố, giao thông và cả con người Nhật Bản. Mọi thứ đều rất tuyệt vời và có quy tắc. Chúng tôi cũng đã được đến thăm nhà máy bia Sapporo, thăm ngôi làng truyền thống của Nhật Bản và thưởng thức rượu sake cùng những món ăn truyến thống. Những hương vị, những khám phá và trải nghiệm mới đã giúp chúng tôi mở mang thêm hiểu biết về thế giới xung quanh. Tại bữa tiệc chia tay, đoàn sinh viên Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN đã để lại ấn tượng tốt đẹp với bài hát truyền thống Cây đa quán dốcTrống cơm trong trang phục áo dài.

Chúng tôi đã kết thúc chuyến đi một cách tốt đẹp và đầy kỷ niệm, học hỏi được rất nhiều từ các trao đổi về kiến thức kinh tế cho vấn đề phát triển bền vững, về con người và đất nước nhau. Những ấn tượng đó giúp chúng tôi ý thức được rằng mình thật may mắn vì đã nhận được sự quan tâm của Nhà trường để được bước ra ngoài tìm hiểu thêm về thế giới, từ đó có thêm quyết tâm phấn đấu, rèn luyện để góp phần nhỏ bé của mình vào công cuộc xây dựng đất nước Việt Nam, đưa Việt Nam tiến kịp bè bạn năm châu.


Nguyễn Thị Hiền QH-2008-E KTPT