Khoa _KTPT cũ
 
Đại sứ Thương mại Hoa Kỳ GS.TS. Susan Schwab thuyết trình tại hội thảo quốc tế do Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN và Công ty Linkworld Unlimited International Event đồng tổ chức

GS.TS. Susan Schwab thuyết trình tại Hội thảo.
Ngày 1/12/2009, tại Khách sạn Nikko - Hà Nội, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN đã phối hợp với Công ty Linkworld Unlimited International Event đồng tổ chức Hội thảo quốc tế với chủ đề “Biện pháp thiết thực để các sản phẩm hàng hóa của Việt Nam vào thị trường Mỹ và các thị trường trọng điểm khác mà không phải đối mặt với nhiều kiện cáo và gặp các rào cản trong thương mại; Cách thức mở rộng kinh doanh với thị trường Hoa Kỳ và các thị trường trọng điểm khác cho các Tập đoàn Kinh tế và các Nhà xuất khẩu Việt Nam”.


Tham dự Hội thảo có GS.TS. Mai Trọng Nhuận - Giám đốc ĐHQGHN, ông Lê Danh Vĩnh – Thứ trưởng bộ Công thương, ông Đỗ Ngọc Hưng - Thư ký Thứ trưởng Bộ Công thương, ông Lê Quốc Thịnh - đại diện của Bộ ngoại giao, một số lãnh đạo các doanh nghiệp và tập đoàn kinh tế lớn của Việt Nam. Đại diện Ban tổ chức hội thảo có PGS.TS. Phùng Xuân Nhạ - Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế, PGS.TS. Nguyễn Hồng Sơn - Phó hiệu trưởng và bà Anna Nguyễn - Tổng giám đốc Công ty Linkworld Unlimited International Event. Hội thảo cũng thu hút đông đảo các nhà khoa học, nhà nghiên cứu trong và ngoài nước cùng đại diện, phóng viên các hãng thông tấn, truyền thông.
Trong bài thuyết trình của mình, GS.TS. Susan Schwab đã trình bày tổng quan về tình hình thương mại thế giới, trong đó, nêu rõ xuất khẩu của thế giới đang trên đà tăng trưởng, khối lượng mậu dịch thế giới và cán cân giữa xuất khẩu - nhập khẩu ở thế cân bằng và gần như song song giao động. Theo bài trình bày, những quốc gia dẫn đầu về phân biệt đối xử thương mại là Khối Liên minh Châu Âu, Nga, Đức, Ấn Độ, Indonexia, Trung Quốc và Hoa Kỳ, đặc biệt những hành động cũng như chính sách của Hoa Kỳ đã gây ảnh hưởng đối với 120 quốc gia. Với con số 86 vụ phân biệt đối xử về thương mại mà Hoa Kỳ phải chịu và những biện pháp phân biệt đối xử kể từ Hội nghị G20 (Nhóm các nước đang phát triển) lần thứ I, GS.TS. Susan Schwab đã chỉ ra những quan điểm chính trị và chính sách Thương mại của Hoa Kỳ, thi hành những hành động tiếp cận, luật sở hữu trí tuệ và chống bán phá giá.
Qua số liệu của CIA Factbook và TradeStats Express, diễn giả đã phác họa bức tranh toàn cảnh về tình hình xuất nhập khẩu của Việt Nam đối với thị trường thế giới và xuất nhập khẩu của Hoa Kỳ đối với Việt Nam. Giáo sư cũng công bố những báo cáo về dự báo thương mại quốc gia của Hoa Kỳ 2009 và báo cáo về sở hữu trí tuệ “Đặc biệt 301” 2009, thể hiện việc Việt Nam nằm trong “Danh sách theo dõi” của Hoa Kỳ từ năm 2002 do tỷ lệ vi phạm cá nhân còn cao, một số lĩnh vực tỷ lệ này đang gia tăng. Bên cạnh việc Hoa Kỳ đặc biệt quan tâm một số lĩnh vực của Việt Nam, diễn giả cũng đưa ra những quan ngại của Việt Nam trên cơ sở khác biệt về thương mại, đó là các trường hợp về chống bán phá giá/ Trợ giá, tình trạng nền kinh tế phi thị trường, kiểm soát nhập khẩu dệt may, cá da trơn, sự cạnh tranh và lợi thế của Việt Nam cũng như sự công bằng trong thương mại.
Giải tỏa hầu hết thắc mắc của các đại biểu, GS.TS. Susan Schwab diễn giải những khả năng lựa chọn và đối sách của Việt Nam nhằm nâng cao vị thế kinh tế, khắc phục tình hình kinh tế hậu khủng hoảng, đáp ứng được sự cạnh tranh khốc liệt, cụ thể là tăng cường xuất khẩu sản phẩm sang Hoa Kỳ và các thị trường trọng điểm khác. Diễn giả đặc biệt nhấn mạnh những khả năng khi Việt Nam tham gia các hiệp định, thỏa thuận, các đàm phán hay những tổ chức kinh tế như Hiệp định Thương mại Khu vực (RTA), Hiệp định Thương Mại Tự do (FTA), các Vòng đàm phán Doha…
Kết luận tại Hội thảo, Đại sứ thương mại Hoa Kỳ đã tóm lược bài diễn thuyết, làm nổi bật những nội dung về tình hình kinh tế thế giới, những quan điểm chính trị và chính sách Thương mại của Hoa Kỳ, nhấn mạnh tình hình thương mại Việt - Mỹ cùng những ảnh hưởng và khuyến nghị về đối sách kinh tế dành cho Việt Nam. Các đại biểu đặc biệt đánh giá cao bài diễn thuyết, những khuyến nghị tư vấn của GS.TS. Susan Schwab, nhất là với cương vị Đại sứ thương mại cùng những đóng góp của bà vào thành công trong quá trình đám phán song phương Việt - Mỹ, giúp Việt Nam kịp thời gia nhập WTO. Ban tổ chức cũng tin tưởng Hội thảo quốc tế này sẽ có ý nghĩa thiết thực trong việc mở rộng hiểu biết về chính sách kinh tế, có cái nhìn sâu rộng hơn đối với những vấn đề đang diễn ra trong thế giới kinh doanh, kinh tế học, chính trị cũng như mang đến cách tiếp cận mới mẻ của những nhà hoạch định của thế giới.

Hội thảo được tổ chức quy mô, thu hút sự quan tâm của nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu và đại diện, phóng viên các hãng thông tấn, truyền thông.

Hội thảo được tổ chức quy mô, thu hút sự quan tâm của nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu và đại diện, phóng viên các hãng thông tấn, truyền thông.


Lê Thùy Dung


Các tin khác